Sáng 10/10, Công ty CP Cảng Chân Mây cho biết, vừa đón chuyến tàu du lịch Le Lapérouse (quốc tịch Pháp) cập cảng Chân Mây.
Đây là chuyến tàu khách quốc tế đầu tiên đưa khách du lịch đường biển đến với Thừa Thiên Huế sau thời gian gián đoạn vì Covid-19.
Tàu du lịch Le Lapérouse tại cảng Chân Mây
Tàu du lịch Le Lapérouse cập cảng Chân Mây với 106 khách và 110 thuyền viên, chủ yếu là khách quốc tịch Pháp, cùng một số khách quốc tịch Đức, Ý, Thụy điển, Tây Ban Nha và Nga.
Theo kế hoạch, sau khi cập cảng Chân Mây, các du khách đến tham quan Đại Nội, lăng vua Minh Mạng và Nhà vườn Ngọc Sơn công chúa Từ ở Huế và thưởng thức các món ẩm thực Huế.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế và Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chào đón, tặng hoa và tặng quà cho các thành viên trong đoàn tại sân trước Ngọ Môn, Đại Nội Huế
Bà Beatrice Sorbets và ông Baptiste Poincignon-Versini (đến từ Paris, Pháp) - 2 thành viên trong đoàn bày tỏ vui mừng và hào hứng khi được đến thăm Cố đô Huế. Họ bày tỏ xúc động khi dù thời tiết ở điểm đến không được thuận lợi nhưng vẫn được đón tiếp nồng nhiệt và chu đáo với hoa tươi và những chiếc nón lá Huế xinh xắn.
Các du khách cho biết họ cảm thấy rất thú vị khi được khám phá những di sản và văn hóa Huế, đặc biệt ấn tượng với hình ảnh chiếc áo dài và nón lá Huế - điều mà trước đây họ chỉ thấy qua phim ảnh và thông tin, hình ảnh trên các phương tiện truyền thông.
Trao tặng hoa cho các du khách
Siêu du thuyền Le Lapérouse là loại tàu du lịch cao cấp có thiết kế sang trọng, có chiều dài hơn 130m, rộng 18m, cao 28m do nhà máy đóng tàu VARD (Na Uy) sản xuất, được giới thiệu là con tàu thân thiện với môi trường, trang bị hiện đại với phòng chờ được thiết kế mở rộng ra bên ngoài và dịch vụ chuẩn 5 sao, do hãng tàu Ponant điều hành.
Điểm nhấn của tàu này là có cả một khoang phòng chờ đa tầng dưới nước có tên The Blue Eye.
Khởi hành từ Indonesia ngày 20/9 và đã đi qua Singapore trước khi đến Việt Nam, tàu thực hiện chương trình khám phá bờ biển và các địa danh nổi tiếng của Việt Nam kéo dài từ 8 đến 11 ngày là hành trình mới tại khu vực Châu Á được Ponant chào bán trên website của hãng với giá khởi điểm từ 4.240 Euro (gần 100 triệu đồng).
Sự kiện du thuyền hạng sang Le Lapérouse cập cảng Chân Mây và đưa khách đến Thừa Thiên Huế là tín hiệu tích cực đối với việc phục hồi du lịch, khởi động lại hoạt động du lịch tàu biển quốc tế tới cảng Chân Mây sau hơn 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19.
Đoàn khách vào tham quan Đại Nội Huế
Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 9/2022, lượng khách đến Huế đạt 184.872 lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 25,591 lượt, tăng hơn 11% so với tháng trước; khách nội địa ước đạt 159,281 lượt, giảm gần 23% so với tháng trước.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Thừa Thiên Huế được xác định là cảng biển loại I.
Trong đó, khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, Đông Bắc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.
Khu bến Chân Mây
Đến nay, khu bến Chân Mây đã được đầu tư xây dựng 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5-6 triệu tấn/năm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, cảng Chân Mây có vai trò, trị trí quan trọng, là cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực và là cảng nước sâu, điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, hội đủ các điều kiện có khả năng tiếp nhận đồng thời các tàu cỡ lớn, phục vụ chuyển tiếp hàng quá cảnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan, có vai trò điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...
Đê chắn sóng cảng Chân Mây đã được đầu tư giai đoạn 1 với chiều dài 450m và giai đoạn 2 (dài 300m) đang triển khai sẽ hoàn thành vào quý I/2026. Các tuyến đường giao thông kết nối đến cảng Chân Mây cũng đã được đầu tư hoàn thiện. Khu bến Chân Mây cũng đã được Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam bổ sung công năng khai thác tàu container.
Tàu đang làm hàng tại cảng Chân Mây
“Với tiềm năng lợi thế và hạ tầng sẵn có, sau khi hoàn thành giai đoạn 2 dự án đê chắn sóng với tổng chiều dài 750m và các cầu cảng tiếp theo với chiều dài 1.450m, cảng Chân Mây đảm bảo các điều kiện và khả năng tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container và các tàu khách cỡ lớn cho hầu hết các thời gian trong năm, kể cả mùa mưa”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận