Một tàu tự ý gắn vòi hút cát bị tạm giữ |
Các trường hợp phương tiện thủy tự ý gắn thêm “vòi rồng” đều bị lực lượng CSGT đường thủy kiểm tra, xử phạt góp phần ngăn chặn nạn cát tặc. Tuy vậy, các quy định quản lý cần đồng bộ để không còn tình trạng lách luật hoặc phạt cho tồn tại.
Ngăn ngừa nguy cơ “cát tặc”, xử lý mạnh chở quá tải
Ngày 25/11, trên sông Hồng đoạn qua khu vực Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có 5 tàu chở cát đen trọng tải vài trăm tấn đang bị lực lượng của Cục CSGT và Công an TP Hà Nội tạm giữ để làm rõ nguồn gốc cát, hành vi lắp thêm vòi hút cát ngoài chứng nhận của cơ quan đăng kiểm. Trong thời gian tạm giữ, chủ phương tiện có trách nhiệm phải tự trông coi, bảo quản phương tiện và tài sản trên tàu.
Khi được hỏi về lý do bị tạm giữ, người trên tàu HN-1526, BG-0381 đều biện minh, cát được mua ở mỏ phía thượng nguồn sông Hồng, còn vòi hút cát có trên tàu từ lâu chứ… không dùng để hút. Tuy vậy, các phương tiện này chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh về nguồn gốc hàng hóa, chứng nhận đăng kiểm phương tiện có hạng mục vòi hút cát.
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, hiện chưa có quy định quản lý cấp giấy phép phương tiện rời mỏ cát, công trình nạo vét đường thủy. Vì vậy, trong dự thảo Nghị định quản lý ĐTNĐ đang được xây dựng quy định quản lý phương tiện vào, rời mỏ, công trình nạo vét như đối với cảng, bến thủy nội địa để kiểm soát phương tiện, thuyền viên, hàng hóa từ gốc. |
Thiếu tá Phạm Đức Duẩn, Phó phòng Hướng dẫn công tác TTKS đường thủy Cục CSGT cho biết, lực lượng liên Cục CSGT - Công an TP Hà Nội đang triển khai đợt cao điểm tuần tra, xử lý vi phạm đường thủy trên tuyến sông Hồng đoạn qua Hà Nội, trong đó tập trung xử lý phương tiện hút cát trái phép, chở quá tải và tự ý lắp thêm vòi hút cát. “Lần cao điểm này Cục CSGT chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm đối với cả các trường hợp tự ý lắp thêm vòi hút, nhằm ngăn ngừa hành vi khai thác cát trái phép. Các phương tiện dù không hút cát trái phép nhưng có vòi, ống hút ngoài giấy chứng nhận đăng kiểm cũng bị kiểm tra, xử phạt. Đây là hành vi tự ý thay đổi kết cấu, hoán cải phương tiện thủy, với mức phạt 10-15 triệu đồng”, Thiếu tá Duẩn nói và cho biết thêm, đợt cao điểm được triển khai từ giữa tháng 11/2018 và đã có hơn chục phương tiện bị phát hiện có sai phạm trên. Trước khi kiểm tra, xử lý vi phạm, Cục CSGT tổ chức tuyên truyền rộng rãi để các đơn vị, cá nhân chủ phương tiện biết, tự giác khắc phục vi phạm.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, thời gian này lực lượng CSGT đường thủy tập trung xử lý mạnh phương tiện chở cát quá tải (quá vạch dấu mớn nước) trên tuyến sông Hồng. Trong hơn chục ngày, ngoài hơn 60 trường hợp tàu chở cát bị lực lượng liên Cục CSGT - Công an TP Hà Nội xử phạt do chở quá tải, khảo sát ngẫu nhiên một số tàu khác như: HP-1379, VP-1266, HD-2014 cũng bị Thủy đoàn 1 của Cục CSGT xử phạt quá tải cách đó không lâu. “Diễn biến thực tế cho thấy, tỷ lệ phương tiện giảm quá tải trên tuyến sông Hồng giảm 30-40% so với trước đợt cao điểm, đang có tác động tích cực đối với ý thức chấp hành Luật Giao ĐTNĐ của chủ phương tiện, thuyền viên thường xuyên vận chuyển qua tuyến sông Hồng”, Thiếu tá Phạm Đức Duẩn cho biết.
Để không “phạt cho tồn tại”
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông cũng cho thấy, cách đây vài tháng Cục Đăng kiểm VN chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm thủy trên toàn quốc siết chặt quản lý kiểm định phương tiện thủy chở cát, khai thác cát, trong đó chủ phương tiện của đơn vị chủ mỏ, công trình nạo vét luồng đường thủy mới được cấp chứng nhận đăng kiểm. Nội dung giấy chứng nhận đăng kiểm cũng ghi rõ các phạm vi hoạt động của phương tiện, thời hạn cấp theo giấy phép khai thác mỏ; còn lại các phương tiện chở hàng chỉ được cấp chứng nhận đối với ống hút lắp cố định, hút từ khoang chở hàng lên bờ và chỉ được vận hành khi chuyển hàng từ tàu lên bờ.
“Việc siết chặt quản lý cấp giấy chứng nhận đăng kiểm với phương tiện có gắn vòi hút cát nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng dễ phát hiện các trường hợp tự ý lắp đặt thêm vòi hút cát để khai thác cát trái phép. Những trường hợp lắp thêm đều vi phạm lỗi tự ý thay đổi kết cấu, hoán cải phương tiện, có biểu hiện của hoạt động khai thác cát trái phép”, ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm VN cho biết.
Ông Trương Việt Hà, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Hải Hưng cho biết, khi mới thực hiện một số doanh nghiệp, cá nhân có phương tiện vận chuyển “kêu ca” do bị siết chặt quản lý, nhưng đến nay đã chấp hành theo quy định chung. “Các doanh nghiệp hoạt động chính đáng, hợp pháp trong lĩnh vực khai thác cát, nạo vét công trình đường thủy đều ủng hộ quản lý trên, vì cũng giúp họ không bị “cát tặc” lợi dụng danh nghĩa để khai thác cát trái phép”, ông Hà cho biết.
Tuy nhiên, từ góc độ trực tiếp làm công tác kiểm tra, xử lý tàu “cát tặc”, Thiếu tá Phạm Đức Duẩn, Phó phòng Hướng dẫn công tác TTKS Cục CSGT cho biết, bất cập hiện nay là trong quy định xử phạt phương tiện thủy tự ý lắp thêm vòi, hệ thống hút cát mới chỉ ở mức phạt tiền, chưa có chế tài tạm giữ giấy chứng nhận đăng kiểm, buộc chủ phương tiện phải tháo dỡ, khắc phục vi phạm. “Bất cập trên dễ dẫn đến tình trạng chủ phương tiện chỉ nộp phạt tiền nhưng vi phạm vẫn tồn tại. Vì vậy, cần có quy định chủ phương tiện phải khắc phục vi phạm và được cơ quan đăng kiểm cấp chứng nhận đăng kiểm để tăng sức răn đe, tránh tình trạng “phạt cho tồn tại””, Thiếu tá Phạm Đức Duẩn đề xuất.
Theo Đoàn kiểm tra, xử lý liên Cục CSGT - Công an TP Hà Nội, qua kiểm tra phương tiện vận chuyển cát trên tuyến sông Hồng cho thấy, khá nhiều trường hợp tàu chở cát không có giấy phép rời cảng, bến. Lý do các thuyền viên khai báo là lấy hàng từ mỏ cát và không có lực lượng cảng vụ cấp giấy phép rời cảng, bến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận