Ngày 21/1, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, điểm mới của Nghị định số 139/2021 của Chính phủ (về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, hiệu lực từ 1/1/2022) là tăng cao mức phạt tiền đối với nhóm hành vi vi phạm quy định trách nhiệm khi xảy ra TNGT đường thủy.
Một phương tiện thủy chở hàng gặp sự cố trên hành trình lưu thông - Ảnh minh họa
Theo đó, mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không thông báo kịp thời cho cơ quan công an, cảng vụ đường thủy hoặc UBND địa phương nơi gần nhất khi xảy ra TNGT đường thủy.
Phạt từ 3-5 triệu đối với người gây TNGT đường thủy nếu có một trong các hành vi: không có mặt đúng thời gian triệu tập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không cung cấp đầy đủ tài liệu, vật chứng liên quan đến tai nạn. Từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không bảo vệ hoặc làm thay đổi dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn.
Đối với người có một trong các hành vi: không tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi có điều kiện hoặc tham gia nhưng không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hiện trường; gây mất trật tự, cản trở việc cứu nạn, xử lý tai nạn bị phạt 10-20 triệu đồng.
Đáng chú ý, nghị định mới quy định phạt 60-75 triệu đồng đối với hành vi gây tai nạn mà bỏ trốn nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Phòng Pháp chế, Cục Đường thủy nội địa VN, mức phạt trên tăng gần 10 lần so với trước (theo quy định cũ phạt 6-8 triệu đồng) để tăng răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Liên quan đến vi phạm quy định trục vớt tài sản bị chìm đắm do TNGT đường thủy, nghị định cũng quy định mức phạt cao hơn so với trước.
Cụ thể: phạt từ 10-20 triệu đối với hành vi trục vớt tài sản bị chìm đắm, thanh thải chướng ngại vật vượt quá thời gian quy định hoặc khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền, không đúng phương án được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Từ 20-30 triệu đồng đối với trường hợp không trục vớt tài sản chìm đắm, thanh thải chướng ngại vật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận