Tình huống giả định phương tiện bị va chạm và bốc cháy trên biển, đã có 5 người mất tích
Đó là tình huống giả định được đưa ra trong cuộc diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải trong vùng nước cảng biển Quy Nhơn năm 2020 vào sáng ngày 4/12 do Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn chủ trì phối hợp với các cơ quan tại Bình Định. Tham dự buổi diễn tập có ông Nguyễn Xuân Sang - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, bà Trịnh Thu Hà - Phó Chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia.
Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn đưa ra tình huống: Vào 8h45 ngày 4/12, tàu Ven Biển 01 rời đầm Thị Nại đi Hải Phòng theo kế hoạch đã được phê duyệt. Trực ban Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn VTS tiếp tục nhận được báo cáo tàu Quy Nhơn 88 đã đến phao số 0 và hành trình vào khu neo đầm Thị Nại. Lúc này, Quy Nhơn VTS đã cảnh báo cho 2 tàu đang đi đối hướng trên luồng về đề nghị chủ động liên lạc để tránh va.
Cùng thời điểm trên, tàu cá BĐ 024 TS trên hành trình ra khơi đánh cá, trên tàu có 4 người. Lúc này, khu vực vịnh Quy Nhơn đột ngột xuất hiện giông gây mưa to, gió lớn, tầm nhìn bị hạn chế làm tàu cá bị mất chủ động và dạt vào luồng hàng hải. Lúc đó, tàu Ven Biển 01 đi ngang qua phao số 17 (ngang cầu cảng thủy diện số 1 cảng Quy Nhơn) tầm nhìn hạn chế nên đã đâm vào tàu cá BĐ 014 TS làm tàu cá này bị chìm ngay tại chỗ, 4 thuyền viên trên tàu đã nhảy xuống biển.
Các tàu cứu hộ tiếp cận khu vực tàu gặp nạn
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, tàu Ven Biển 01 đã phát báo nạn, quăng phao tròn xuống biển để cứu nạn thuyền viên tàu cá bị nạn.
Cùng lúc đó, tàu hàng Quy Nhơn 88 đang hành trình trên luồng hàng hải vào khu neo đầm Thị Nại do không tránh kịp nên đã đâm vào tàu hàng Ven Biển 01 làm 1 thuyền viên trên tàu Quy Nhơn 88 rơi xuống biển. Tàu Ven Biển 01 bị rách bên mạn phải làm nước tràn vào hầm hàng số 1, tàu nghiêng và có nguy cơ tràn dầu từ két dầu số 1 ra môi trường.
Tàu hàng Quy Nhơn 88 cũng bị thủng trên mũi, nước tràn vào kho thiết bị, chập điện và cháy, nguy cơ gây nên cháy nổ lớn. Sau khi xảy ra va chạm, thuyền trưởng 2 tàu đã gọi cho Trực ban Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn và đề nghị hỗ trợ khẩn cấp.
Nhận được tin báo, trực ban đã báo cáo lãnh đạo Cục Hàng hải Quy Nhơn để xin ý kiến chỉ đạo. Lúc này, lãnh đạo Cục Hàng hải Quy Nhơn yêu cầu tàu Ven Biển 01 ngay lập tức quăng phao xuống ứng cứu những người rơi xuống biển. Báo cáo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam và thông báo cho Ban Chỉ huy PCCT và TKCN tỉnh Bình Định, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và Sở Y tế Bình Định phối hợp ứng cứu người bị nạn.
Tàu SAR khẩn trương cứu vớt ngư dân rơi xuống biển
Ngay lập tức, 1 tàu, 1 cano của Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, 1 tàu Sar của Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Khu vực II, 1 ca nô cảnh sát đường thủy, 2 ca nô biên phòng phối hợp tìm kiếm người mất tích. 2 tàu lai của Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long tham gia chữa cháy, xử lý dầu tràn.
Với sự triển khai phối hợp khẩn trương, nhịp nhàng từ khâu tiếp nhận, xử lý thông tin đến tìm kiếm cứu vớt người từ hiện trường và xử lý chữa cháy, thu gom dầu tràn nên công tác phối hợp TKCN diễn ra nhanh chóng, hiệu quả. Khoảng chưa đầy một giờ sau, toàn bộ 5 ngư dân rơi xuống biển đã được các tàu cứu nạn vớt được, tiến hành sơ cứu ban đầu. Sau đó nhanh chóng đưa vào bờ để lực lượng y tế đang chờ sẵn sàng kiểm tra sức khỏe và nhanh chóng tiến hành điều trị.
Hàng loạt phương tiện được huy động tổng lực để khẩn trương TKCN
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: Đây là lần thứ 6 Cục HHVN chỉ đạo Cảng vụ hàng hải tổ chức diễn tập phối hợp TKCN. Ở nước ta, công tác TKCN nói chung và TKCN trên biển nói riêng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, các Bộ, Ngành và địa phương các tỉnh ven biển rất quan tâm chỉ đạo.
Theo lãnh đạo Cục HHVN, Cảng Quy Nhơn là cảng đầu mối khu vực loại I của nhóm cảng biển Nam Trung Bộ. Có thể tiếp nhận các loại tàu đến 50.000 DTW giảm tải. Hàng năm, Cảng Quy Nhơn đón nhận khoảng 1.300 lượt tàu với sản lượng khoảng 8 triệu tấn. Mật độ tàu thuyền hoạt động cao, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố. Vì vậy, việc TKCN trong vùng nước cảng biển phải được thực hiện tốt, hiệu quả để thuyền viên, người lao động, khách du lịch yên tâm khi làm việc, du lịch trên biển, góp phần tăng trường KT-XH, trong đó có kinh tế biển.
Ngoài ra, cuộc diễn tập lần này giúp hoàn thiện hệ thống tổ chức TKCN trong vùng nước cảng biển, phát huy thật tốt phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Hoàn thiện hệ thống trực canh, thu nhận và xử lý thông tin báo nạn. Đồng thời, thể hiện vai trò chủ trì tổ chức, điều hành của cảng vụ hàng hải trong hoạt động TKCN vùng nước cảng biển, hiện thực hóa Quy chế phối hợp TKCN giữa Cảng vụ hàng hải với các lực lượng liên quan trong vùng nước cảng biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận