Hà Nội dự kiến sẽ thống nhất 3 màu sơn cho xe taxi gồm: Xanh, ghi bạc, trắng - Ảnh: Tạ Tôn |
Thêm nhiều quy định quản lý taxi
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, đơn vị đã nhận được góp ý của Bộ GTVT, Thành ủy Hà Nội, Hiệp hội taxi và đang tiếp tục lấy ý kiến cho dự thảo Quy chế Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Hà Nội, dự kiến được phê duyệt trong năm 2018.
Trong dự thảo này, dự kiến sẽ có thêm nhiều quy định chặt chẽ hơn cho hoạt động khai thác vận tải bằng taxi. Theo đó, Hà Nội đề xuất quy định niên hạn sử dụng của xe taxi theo quy định của Chính phủ. Xe taxi hết niên hạn sẽ không được hoạt động kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Hà Nội cũng dự kiến từ năm 2019 - 2025 sẽ thống nhất 3 màu sơn cho xe taxi gồm: xanh, ghi bạc, trắng.
"Đến nay, trên địa bàn Thủ đô xe taxi truyền thống đã có hơn 19.200 chiếc và gần 4.000 xe xin phù hiệu tỉnh khác đang về Hà Nội chạy. Cùng đó, loại xe công nghệ hoạt động như taxi cũng lên đến 30 nghìn phương tiện. Tổng số phương tiện đang hoạt động tại TP lên đến 50 nghìn xe, phá vỡ quy hoạch đô thị, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Do đó, việc xây dựng dự thảo quy chế quản lý taxi là cần thiết”. Ông Đào Việt Long |
Một điểm mới khác là Hà Nội sẽ tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi theo vùng. Vùng phục vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là khu vực xác định theo địa giới hành chính mà xe taxi của các đơn vị vận tải được đăng ký khai thác (tập trung dừng, đỗ, đón, trả khách), gồm 2 vùng: Vùng 1 bao gồm địa giới hành chính các quận trên địa bàn thành phố; vùng 2 gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã còn lại của Hà Nội.
Theo đó, Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi trình phương án kinh doanh lên Sở GTVT, trong phương án phải đảm bảo tiêu chí: Vùng phục vụ, biển số xe hoạt động theo vùng, màu sơn, điểm đỗ, điểm dừng đón trả khách, địa điểm giao ca, thời gian giao ca… Trong 1 tháng, xe taxi phải đảm bảo thời gian hoạt động trong vùng đã đăng ký tối thiểu 70%.
“Taxi được dừng, đón, trả khách tại điểm đón trả khách cho xe taxi trong thời gian không quá 2 phút. Sau 2 phút, xe taxi phải di chuyển khỏi điểm đón, trả khách. Các xe taxi hoạt động tại vùng 2 khi đưa khách vào các điểm đón, trả khách trong vùng 1 chỉ được trả khách, không được dừng, chờ đón khách tại các điểm đó và ngược lại”, dự thảo nêu.
Tại các điểm dừng đỗ công cộng cho xe taxi, các taxi cũng không còn được “vô tư” ra vào. Theo dự thảo, xe taxi được dừng, đỗ tại các điểm đỗ xe công cộng không quá 20 phút. Sau thời gian 20 phút, taxi phải di chuyển khỏi điểm đỗ công cộng. Nếu xe taxi có nhu cầu đỗ quá thời gian 20 phút, phải nộp phí trông giữ xe theo quy định; Tuy nhiên, taxi hoạt động tại vùng 2 không được sử dụng điểm đỗ của taxi hoạt động tại vùng 1 và ngược lại.
Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, dự thảo quy chế cũng quy định áp dụng 3 màu sơn chung đối với xe taxi trên địa bàn thành phố nhằm thể hiện nét văn minh đô thị, cũng như nhận diện taxi Hà Nội dễ dàng. Bởi hiện nay, trên địa bàn thành phố taxi có rất nhiều màu làm lực lượng chức năng, khách hàng khó nhận biết đâu là taxi Hà Nội, đâu là taxi tỉnh khác về Hà Nội hoạt động và “taxi dù”. Ngoài việc quản lý bằng màu sơn ra, Hà Nội còn thông qua phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội, thiết bị GSHT lắp đặt trên xe để quản lý taxi Hà Nội.
Ngăn taxi ngoại tỉnh tràn vào Hà Nội
Ông Đào Việt Long cho biết, đến nay trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 19.200 xe taxi của 77 doanh nghiệp. Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh vận tải taxi phát sinh nhiều tồn tại như: Lái xe taxi vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải, dừng, đỗ đón trả khách sai quy định, gây mất trật tự ATGT và mỹ quan đô thị; phát sinh vi phạm của taxi ngoại tỉnh, taxi dù và có chiều hướng gia tăng; chưa điều tiết được số lượng xe taxi hoạt động theo vùng,…
Theo ông Long, mục tiêu của việc phân vùng nhằm điều tiết được số lượng xe taxi hoạt động theo từng vùng quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Việc đăng ký theo vùng hoạt động không áp đặt đơn vị vận tải phải hoạt động theo vùng cụ thể, vì một đơn vị có thể đăng ký nhiều khu vực hoạt động trong một vùng hoạt động. Sở GTVT sẽ căn cứ vào phương án đăng ký của đơn vị để điều tiết số lượng xe taxi hoạt động theo từng quận, huyện, thị xã nhằm đảm bảo không quá nhiều xe taxi tập trung hoạt động tại một vùng, gây khó khăn cho công tác tổ chức giao thông và đảm bảo trật tự ATGT.
“Việc đăng ký hoạt động theo vùng cũng giúp đơn vị vận tải có quyền ưu tiên sử dụng các điểm dừng, đỗ xe taxi công cộng do thành phố bố trí, hạn chế được hoạt động của taxi “dù”, xe taxi ngoại tỉnh do không được ưu tiên”, ông Long bày tỏ.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, rất đồng thuận với các quy định của dự thảo quản lý taxi của Hà Nội. Việc Hà Nội xây dựng quy chế quản lý taxi mục tiêu là để kiểm soát chất lượng phương tiện, kiểm soát được chất lượng của lái xe. Khi Hà Nội đưa ra quy chế này sẽ quản lý được tất cả các loại hình, trong đó có cả taxi công nghệ; Đảm bảo các loại hình đã kinh doanh vận tải là phải tuân thủ các điều kiện quản lý của Nhà nước.
Ông Hùng cũng cho rằng, Luật GTĐB đã coi taxi là phương tiện công cộng, nhưng đến nay taxi chưa được ưu tiên tổ chức giao thông công cộng như các loại hình vận tải công cộng khác, vì taxi vẫn bị cấm đường trên nhiều tuyến phố.
“Trong dự thảo, taxi sẽ được quy hoạch các điểm đỗ để hành khách khi muốn đi taxi ra một đoạn phố là có xe taxi dừng đỗ tại đó để tránh việc dừng đón trả khách giữa đường tiềm ẩn nguy cơ TNGT”, ông Hùng nói và cho biết, việc thành lập tổng đài chung, khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi vào ứng dụng của taxi Hà Nội bởi xung quanh họ sẽ hiển thị tất cả các hãng và khách hàng có quyền lựa chọn hãng nào, giá thời điểm đi là bao nhiêu thay vì việc chỉ vào ứng dụng của một doanh nghiệp taxi như hiện tại.
Lập tổng đài điều hành taxi chung
Dự thảo cũng nêu rõ, để đảm bảo công bằng trong kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách, Hà Nội sẽ thành lập tổng đài điều hành chung cho taxi của các đơn vị kinh doanh vận tải taxi trên địa bàn TP do Hiệp hội Taxi Hà Nội xây dựng, điều hành, thông qua hình thức telecom, bộ đàm, phần mềm.
Từ ngày 1/1/2019, các đơn vị taxi phải sử dụng phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội. Dữ liệu phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội được kết nối với hành khách, lái xe và đơn vị taxi thông qua các thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng). Đơn vị taxi, lái xe không được dùng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi để can thiệp vào phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận