Taxi nội vùng nên được thiết kế để chở 5 - 7 khách và có gầm cao để tránh ngập - Ảnh minh họa: VNSC |
Taxi nội vùng hoạt động thế nào?
Taxi nội vùng có nhiệm vụ chuyển tải khách đến và đi từ các trạm xe buýt, tàu điện. Sự khác biệt của loại taxi này với taxi hiện tại là chỉ được phép hoạt động trong những vùng giới hạn, không như taxi hiện tại hoạt động tự do trong toàn thành phố và ngoại tỉnh. Hành khách sử dụng loại taxi nội vùng phải chấp nhận cùng sử dụng chung phương tiện.
Giá cước taxi nội vùng cũng được tính theo km di chuyển, do chi phí đầu tư xe thấp và do nhiều hành khách cùng chia sẻ sử dụng xe, nên giá cước sẽ thấp hơn nhiều so với taxi truyền thống. Nếu taxi nội vùng được thiết kế phù hợp, có thể di chuyển vào các vùng ngập do triều cường, mưa.
Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac và [email protected]... |
Sự khác biệt của taxi nội vùng so với xe buýt là kích thước nhỏ hơn (tất nhiên lượng hành khách chuyên chở cũng ít hơn) nên có thể đi vào các tuyến phố nhỏ mà xe buýt không thể vào. Có thể đón khách bất cứ nơi nào mà không cấm dừng xe. Giá cước không quá cao so với xe buýt, nên sẽ khuyến khích nhiều người sử dụng.
Nên đầu tư hệ thống thẻ và thanh toán bằng thẻ riêng cho taxi nội vùng. Thanh toán bằng thẻ để tiết kiệm thời gian trả lại tiền, người sử dụng thẻ, thẻ sử dụng thường xuyên (doanh thu hàng tháng nhiều) sẽ được ưu tiên khi đường sá ngập lụt xe máy không thể di chuyển. Một khi công nghệ phát triển, giá thiết bị giảm… có thể dùng vân tay để thanh toán (mỗi xe phải trang bị tối thiểu 1 thiết bị nhận dạng bằng vân tay). Việc dùng vân tay để thanh toán cước taxi sẽ có nhiều ưu điểm khi tiến hành khuyến mãi, trợ giá cho người thu nhập thấp… và còn nhiều ưu điểm trong việc sử dụng xe buýt công cộng, chia sẻ xe ô tô cá nhân… |
Xe taxi nội vùng phải được quy định màu riêng. Nên thống nhất từ đầu vị trí các màu trên taxi nội vùng, trong đó nên có 3 màu chủ đạo: Màu cố định để nhận diện loại taxi nội vùng với các loại taxi truyền thống khác và cấm tất cả các loại xe (không phải là taxi nội vùng) sơn màu sơn này. Màu thứ hai, để nhận biết vùng hoạt động của taxi nội vùng. Màu kế tiếp, là màu nhận biết của các hãng taxi đang kinh doanh loại hình taxi nội vùng.
Chúng ta cũng cần xây dựng phần mềm chung cho cả hệ thống taxi nội vùng trên cơ sở phần mềm ứng dụng của các hãng Uber, Grab… nhưng có nhiều tính năng hơn. Trong đó, có tính năng tính cước cho từng khách theo số ghế, như vậy mỗi ghế có 1 đèn báo. Khi khách lên xe, lái xe bật nút tính cước cho khách vừa mới lên, tương tự như taxi bình thường, đèn sẽ đỏ tại vị trí của mình để hành khách nhận biết. Khi khách xuống xe, lái xe sẽ tắt nút tính cước, cự ly đi lại của khách sẽ được phần mềm tính toán, thể hiện theo số ghế trên màn hình được trang bị, thiết bị có thể phát ra âm thanh số tiền. Nếu khách hàng thanh toán bằng thẻ của taxi nội vùng, máy sẽ nhắn tin số km đi, số tiền phải thanh toán, số tiền còn lại trong thẻ qua số điện thoại đăng ký trên thẻ.
Phần mềm cho phép người dùng điện thoại thông minh tra cứu địa chỉ cần đến, màn hình sẽ hiện lên một số xe taxi nội vùng của các hãng khác nhau gần mình. Các xe này thể hiện tuyến đường chạy - có thể cùng một tuyến đường hoặc các tuyến đường khác nhau trong vùng hoạt động. Phần mềm cho phép thể hiện số ghế còn trống trên xe, hoặc khi chọn xe nào thì xe đó phải thông báo số ghế còn trống, nếu biết được vị trí ghế trống càng tốt (vì khi trời mưa cửa sẽ bị đóng, nếu biết vị trí thì người sử dụng sẽ đi đến đúng số ghế mình cần chọn).
Trên thực tế, có thể một số xe taxi nội vùng bắt buộc phải chạy tuyến cố định, giờ cố định, một số xe cho phép thay đổi hành trình trong vùng được phép hoạt động để tăng tính linh hoạt. Đối với loại taxi nội vùng được phép linh động hành trình, phải luôn chọn điểm đến của người đi xa nhất trong số những người có mặt trên xe. Điểm cuối này sẽ được cập nhật khi có người mới bước lên xe (tất nhiên họ đã phải chấp nhận đi theo hướng của người đã đăng ký) có điểm đến xa hơn người đã đăng ký, quá trình cứ như vậy tiếp tục… Khi khách xuống hết, lái xe có thể đỗ xe chờ khách hoặc dự định chạy xe đến điểm nào thì định vị điểm đến của mình để khách có thể đăng ký.
Phần mềm cho phép hiển thị khoảng cách nào đó giữa xe và khách thì hai bên phải xác định chấp nhận đi và chấp nhận đón. Khi đó, lái xe sẽ không đón trực tiếp khách vào các số ghế đã được đặt chỗ (vì có trường hợp khách không sử dụng điện thoại đặt chỗ mà vẫy xe trực tiếp). Thông thường, khách có quyền hủy chỗ, vì vậy máy định vị GPS cho biết khi quá vị trí đã được đặt chỗ với khoảng cách bao nhiêu mét thì lệnh đặt chỗ sẽ tự động hủy và báo cho lái xe để lái xe đón khách trực tiếp (thông qua sử dụng hệ thống thiết bị quản lý trên xe).
Khi khách liên lạc và xác nhận đi nhưng không đi, phần mềm cho phép tự động báo lại tổng đài khách không đi, phần mềm thống kê số điện thoại này có thể tái diễn nhiều lần thì cần có giải pháp hợp lý (thông báo cho chủ điện thoại để cảnh báo, nhờ hãng cung cấp dịch vụ can thiệp… tránh các trường hợp dùng sim rác để phá hoại, cạnh tranh không lành mạnh). Ngược lại, nếu lái xe đã xác nhận đón khách, nhưng không đón mà đón khách khác (phần mềm cần có khả năng thống kê qua phản ánh của số diện thoại đã đặt chỗ… để các hãng taxi nội vùng đánh giá tinh thần phục vụ của lái xe, cơ quan quản lý đánh giá chất lượng phục vụ của các hãng taxi…), người đón xe có thể gửi tin nhắn cho tổng đài để thống kê đánh giá lái xe. Phần mềm ghi nhận các trường hợp lái xe đi không đúng tuyến hoặc đi không đúng lộ trình mà lái xe đã định với khách hàng, để khách hàng khiếu nại…
Taxi nội vùng sử dụng loại xe gì?
Xe taxi nội vùng phục vụ hành khách trong mọi điều kiện thời tiết nên phải có cửa tránh mưa. Cửa xe, đặc biệt là phía người lái không chế tạo theo kiểu mở ra như các loại taxi truyền thống, cửa nên trượt lên phía trên của trần xe. Kết cấu các loại xe có thể như nhau nhưng trang trí nội thất có thể khác nhau. Xe nên được thiết kế để chuyên chở 7 khách, 5 khách và 1 lái xe. Đối với các vùng tại TP.HCM thường hay có triều cường, hay các vùng dễ ngập do mưa, nên thiết kế xe có gầm cao, trong chừng mực nào đó có thể vẫn hoạt động bình thường mà xe máy khó có thể hoạt động.
Kích thước của xe 7 chỗ nên thiết kế sao cho chiều dài không quá 3,2m, chiều rộng không quá 1,25m (không tính đèn chiếu hậu), ghế theo hàng ngang, hai hàng sau 3x2=6 người, hàng trước gồm lái xe và 1 người. Độ cao tùy theo vùng triều cường, ngập úng hay có sử dụng xe chạy điện để thiết kế độ cao phù hợp. Đối với xe 5 chỗ, chiều dài cũng gần như xe 7 chỗ, chiều rộng khoảng 1m. Riêng đối với vùng triều cường, ngập úng, gầm xe phải cao, riêng 2 ghế cuối có thể hạ độ cao và ngồi đối diện với nhau để người già, người khuyết tật sử dụng. Quy định khi đi xe, hai ghế này chỉ được sử dụng khi các ghế phía trước đã có người ngồi.
Taxi nội vùng có công năng hoạt động như phương tiện giao thông công cộng, nhưng không có sự trợ giá của Nhà nước, nên ngay từ đầu Nhà nước cần có sự hỗ trợ một lần, tạo tiền đề để các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, không cần sự can thiệp vào giá như taxi truyền thống hay phải trợ giá như hiện nay cho các loại xe buýt. Đồng thời, Nhà nước cũng nên khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thiết kế, chế tạo xe taxi nội vùng phù hợp với điều kiện địa lý, hạ tầng đường sá, thời tiết đặc trưng của Việt Nam.
Để đảm bảo chất lượng và an toàn của xe, các chi tiết trong nước chưa thể chế tạo phải nhập khẩu, Nhà nước cho miễn100% thuế nhập khẩu để sản xuất xe taxi nội vùng. Khi không sử dụng với mục đích như taxi nội vùng sẽ bị thu hồi thuế nhập khẩu (phải xóa màu sơn theo quy định của taxi nội vùng). Có thể dùng ngân sách Nhà nước để xây dựng phần mềm dùng chung cho toàn hệ thống taxi nội vùng trên cả nước.
Nhà nước cũng nên xây dựng giá trần buộc các doanh nghiệp tham gia phải chấp nhận trước khi tham gia thị trường. Các hãng taxi nội vùng sẽ cạnh tranh với nhau, đấu thầu ngược, những hãng có giá thấp (tất nhiên là thấp hơn giá trần) sẽ được lựa chọn. Trước khi đấu thầu hoạt động, Nhà nước và các doanh nghiệp tham gia đấu thầu cần xây dựng các chỉ tiêu tác động lên giá thành theo thời gian. Ví dụ, lương lái xe sẽ được điều chỉnh hàng năm không vượt quá bao nhiêu %, định mức chung cho tiêu hao nhiên liệu và giá nhiên liệu được đưa vào tính toán, khi có thay đổi về giá Nhà nước sẽ cho điều chỉnh tương ứng và tức thì (nhờ phần mềm được cài đặt) hoặc Nhà nước sẽ bù giá khi nhiên liệu tăng, doanh nghiệp phải hoàn lại cho Nhà nước khi giá nhiên liệu giảm.
Cần đưa ra các quy định về doanh thu trung bình, số km hoạt động bình quân… của từng vùng để cho phép tăng đầu xe hoặc buộc phải giảm đầu xe của từng hãng taxi nội vùng trong từng vùng, thậm chí nếu dưới một chỉ tiêu nào đó, Nhà nước có quyền buộc hãng taxi tại vùng này thôi hoạt động để thay thế bằng hãng khác. Nếu taxi nội vùng có sử dụng điện, Nhà nước hỗ trợ xây dựng các trạm nạp điện, giảm giá bán điện.
Dương Bá Khánh
Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn kỹ thuật CSC
|
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận