Bất động sản

Tây Ninh: Nhà đầu tư đổ xô săn đất đón đầu cao tốc

17/10/2024, 07:00

Cao tốc Mộc Bài dự kiến khởi công tháng 6/2025 là động lực khiến nhiều nhà đầu tư ráo riết tìm mua bất động sản tại tỉnh Tây Ninh. Cả đất ở lẫn đất kho xưởng đều có tín hiệu ấm lên.

Bất động sản đón đầu cao tốc

Những ngày giữa tháng 10, PV Báo Giao thông theo chân nhóm nhà đầu tư bất động sản khảo sát dọc tuyến đường tỉnh 787B (thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh).

Tây Ninh: Nhà đầu tư đổ xô săn đất đón đầu cao tốc- Ảnh 1.

Bất động sản công nghiệp tỉnh Tây Ninh cất cánh nhờ loạt dự án hạ tầng giao thông.

Đây là tuyến đường thuộc trục liên kết vùng N8 - 787B - 789, kết nối các khu công nghiệp Thành Thành Công, Linh Trung III, trung tâm logistics, cảng ICD và cụm cảng đường thủy nội địa Trảng Bàng. Đồng thời, trục giao thông này cũng tăng cường khả năng kết nối khu công nghiệp Phước Đông (huyện Gò Dầu) với khu công nghiệp Chà Là (huyện Dương Minh Châu).

Sau khi đơn vị tư vấn thiết kế công bố vị trí nút giao cao tốc Mộc Bài - đường tỉnh 787B, nhà đầu tư bất động sản nườm nượp đến thị xã Trảng Bàng.

"Cuối tuần nào tôi cũng đón ít nhất 3 đoàn khách đi xem đất. Bây giờ nhà đầu tư từ TP.HCM về đây không còn tình trạng mua bán trên giấy đặt cọc rồi bán sang tay như thời sốt đất", anh Tuấn - môi giới của công ty bất động sản có chi nhánh tại Trảng Bàng cho biết.

Cũng theo anh Tuấn, đa số nhà đầu tư đều cho biết họ tính phương án mua đất để khai thác kinh doanh, "găm hàng" trong tầm nhìn ít nhất 5 năm sau mới bán chốt lời. Đây là những khách hàng có tiềm lực tài chính, có dòng tiền kinh doanh để đầu tư dài hạn.

Giá vẫn dễ chịu

Theo khảo sát thực tế, giá đất thổ cư tại thị xã Trảng Bàng vẫn đang ở mức khá thấp so với các địa phương khác thuộc vùng Đông Nam Bộ. Tại đường Lộc Du, môi giới dẫn nhóm khách hàng gặp trực tiếp chủ 2 lô đất có tổng diện tích 350m2 chưa gộp chung sổ nằm ở mặt tiền đường, giá bán 2,4 tỷ đồng.

Tây Ninh: Nhà đầu tư đổ xô săn đất đón đầu cao tốc- Ảnh 2.

Một nhà máy sản xuất nhựa được thi công xây dựng mới trong KCN Thành Thành Công, Tây Ninh.

 Với đơn giá hơn 6,8 triệu đồng mỗi m2 đất thổ cư, nhà đầu tư đánh giá chỉ cần đàm phán mức 6,5 triệu đồng/m2 là có thể giao dịch.

"Với diện tích đủ để xây 2 tầng 30 phòng trọ, giá đất ở nhiều địa phương khác sẽ gấp 2-5 lần so với tại đây", ông Minh, cổ đông mới rót vốn vào một nhà máy tại KCN Thành Thành Công Tây Ninh nói.

Không chỉ đất ở, loại đất sản xuất phi nông nghiệp cũng được nhóm nhà đầu tư này săn tìm với kỳ vọng mở thêm nhà xưởng sản xuất phụ trợ cấp vật tư, linh kiện cho các khu công nghiệp.

Ngược về đường tỉnh 782 cách thị xã Trảng Bàng khoảng 15km, một nhà xưởng có tổng diện tích đất gần 1,2ha, hai mặt tiền đường lớn đang được rao bán giá 60 tỷ đồng.

Khi PV cùng nhóm nhà đầu tư đến xem, đang có hai nhóm khác hẹn gặp chủ đất thương lượng. Với mức giá khoảng 5 triệu đồng/m2 đã bao gồm nhà xưởng kiên cố, tất cả mọi người trong nhóm nhà đầu tư đều khẳng định là mức giá quá tốt và đề xuất mời ngân hàng thẩm định.

Ông John Campbell, Giám đốc khối bất động sản công nghiệp thuộc tập đoàn Savills Việt Nam đánh giá, hiện nay diện tích đất trống tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đang dần trở nên khan hiếm. Trong khi đó, Tây Ninh không những có quỹ đất lớn mà giá còn rất cạnh tranh so với các địa phương lân cận.

Một số doanh nghiệp lớn đang xem xét đầu tư chiến lược vào Tây Ninh. Minh chứng là doanh nghiệp lốp xe ô tô Jinyu Tire từ Hồng Kông (Trung Quốc) đã cam kết rót 300 triệu USD vào khu công nghiệp Phước Đông, Tây Ninh.

"Khi các công ty này đầu tư vào những địa phương cấp 2 như Tây Ninh, mặc dù ở xa khu trung tâm hơn nhưng họ sẽ có cơ hội tăng quy mô nhà máy trong tương lai. Các nhà cung cấp vệ tinh của họ cũng có thể kiếm được đất sản xuất gần họ với giá tốt, tối ưu chi phí vận chuyển", ông John nói.

Tăng khả năng kết nối

Đại diện Tedi South - đơn vị tư vấn thiết kế cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cho biết, dọc cao tốc Mộc Bài có 5 nút giao lớn sẽ được xây dựng kết nối các đường cắt qua gồm: Vành đai 3, tỉnh lộ 15, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 787B, quốc lộ 22B và quốc lộ 22. 

Tại nút giao với đường 787B tại Tây Ninh, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đi trên cao kết hợp với các nhánh rẽ, mỗi nhánh hai làn xe cho ô tô lên xuống.

Nút giao này giúp kết nối luồng xe đi về cảng cạn ICD Hưng Thuận và các khu công nghiệp lớn tại Tây Ninh như Phước Đông, Thành Thành Công, Trảng Bàng, Linh Trung. Nhờ vậy, tốc độ giao thương của Tây Ninh với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ được dự đoán sẽ vô cùng ấn tượng vào giai đoạn 2027-2030.

Ông Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là những dự án giao thông liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Châu, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sau khi hoàn thành, giúp khai thác đồng bộ các tuyến đường vành đai có năng lực lớn, phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP.HCM - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh trong vùng Đông Nam Bộ.

Thêm nhiều con đường kết nối

Tỉnh Tây Ninh đang gấp rút triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh.

Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm mà tỉnh Tây Ninh được giao làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).

UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản đề nghị nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ và nghiên cứu thêm phương án tài chính đầu tư dự án.

Từ nay đến cuối năm 2024, Tây Ninh dự kiến khởi công thêm 4 dự án trọng điểm gồm: Dự án nâng cấp đường kết nối với cửa khẩu quốc tế Tân Nam, đường ĐT784C, đường Trường Chinh, nâng cấp đường Cách mạng Tháng Tám.

Đối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, gói thầu xây lắp thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh đã đạt khoảng 15% tổng sản lượng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Như vậy, hướng liên kết giao thương giữa Tây Ninh với 2 tỉnh Long An và Bình Phước cũng sẽ ngày càng phát triển.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.