Nhiều nơi người dân “nói không với rượu bia” trong những ngày Tết; mọi người nhắc nhau đã uống rượu bia không lái xe... là những câu chuyện mà bất cứ ai cũng có thể gặp trên mọi vùng quê, thành thị khắp cả nước trong dịp Tết Canh Tý vừa qua.
“Uống ít hơn, Tết bình yên hẳn!”
Xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam là nơi có loại rượu Vọc trứ danh “hơ lửa bốc cháy” và cách uống rượu ở đây cũng nổi tiếng không kém. Từ thanh niên học cấp 3 đến cụ già râu tóc bạc phơ đều biết uống rượu. Họ uống không tính chén mà gọi là “cưa chai”. Tết đến, hình ảnh những người đàn ông mặt đỏ phừng phừng, chân bước liêu xiêu trên đường làng; thanh niên trai tráng lái xe máy “hình số 8” trên đường là những hình ảnh quá quen thuộc với người dân nơi đây. Ấy vậy mà năm nay, hình ảnh vùng quê này đã khác.
Tại gia đình cụ Trần Viết Hải (83 tuổi, xã Vũ Bản), hàng năm, cứ mùng 2 Tết là con cháu ở khắp nơi lại về quây quần bên ông bà. Đây cũng là dịp để anh em, con cháu gặp mặt nhau sau một năm xa cách. Trong bữa tiệc vui ngày Tết, mọi người thường mượn chén rượu để chúc may mắn đầu xuân. Vì vậy, năm nào cụ Hải cũng chuẩn bị 5 - 6 két bia với hơn chục lít rượu ngon cho con cháu uống. Thế nhưng, năm nay, rượu bia xếp ra rồi lại cất vào, còn các loại nước ngọt cứ mang ra tới đâu là hết tới đó! “Rượu bia đầy nhà, nhưng chúng nó bảo giờ luật mới uống rượu lái xe bị phạt nặng nên không uống. Mấy đứa nhà gần có uống thì chúng nó cũng chỉ làm 1 - 2 chén rượu chứ không uống nhiều vì sợ hại sức khỏe”, cụ Hải kể.
Ông Trần Văn Sự (con trai cụ Hải) cho biết: “Trước ngồi vào mâm đám thanh niên hay chúc, ép nhau. Nhiều khi người lớn phải quát mắng, phải bê rượu cất đi vì sợ các cháu uống nhiều say, đâm ra to tiếng. Nhưng năm nay thấy chúng nó tự giác, đứa còn phải lái xe thì uống nước ngọt, số còn lại cũng không uống nhiều. Mọi người dành thời gian nói chuyện hỏi han nhau nhiều hơn. Tết như thế này đúng là vừa khỏe, vừa vui”.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Long (xã Nam Vân, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) cho biết: “Chưa có cái Tết nào khỏe như năm nay. Không phải uống rượu bia, cũng không ai ép nên khỏe. Mọi năm về đây là chìm trong rượu. Uống “chạy sô” hết nhà này đến nhà khác mà phát sợ”.
Còn tại xã Ngư Lộc - một xã ven biển của huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), Tết là lúc người ngư dân xếp lưới, nghỉ thuyền; thanh thiếu niên ly hương trở về sum vầy bên gia đình, bạn bè. Ở đây, uống rượu bia ngày Tết không chỉ là phong tục mà nó còn là biểu hiện của sự trân trọng nhau, thước đo tình cảm của người xa xứ. Ông Văn Hải (64 tuổi, xã Ngư Lộc) cho biết: “Tết thanh niên về nhiều, hễ cứ có chén rượu vào là nói ầm ĩ, đi xe phóng nhanh, lạng lách, có khi còn gây sự đánh nhau... Năm nay có Nghị định 100, tôi thấy mọi người uống ít hơn, Tết bình yên hẳn. Trong các bữa cơm, tôi cũng thường dặn các con hãy biết giữ mình, không nên uống rượu bia khi lái xe”.
Ngồi sum vầy bên mâm cơm ngày mùng 2 Tết, ông Nguyễn Văn Được (54 tuổi, ở xã Ngư Lộc) vừa nâng chén rượu vừa nói với các con mình: “Tết nhất, uống rượu thì không nên đi xe ra đường nữa. Đến chúc Tết người khác cũng phải biết giữ mình, ai có mời thì cũng nên cân nhắc. Nhỡ may ra đường gặp các chú CSGT đo nồng độ cồn thì lại mất vui”.
Vợ cầm lái chở chồng đi chúc Tết
Ông Nguyễn Hải Năm, Phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân. Năm nay lượng tiêu thụ rượu, bia ở các hàng tạp hóa cũng giảm nhiều”.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo Công an huyện Hậu Lộc, lực lượng CSGT huyện ra quân từ sáng mùng 2 Tết, đến nay đã xử lý 20 trường hợp vi phạm, trong đó chỉ có 2 trường hợp đi xe máy vi phạm nồng độ cồn. “Qua kiểm tra, theo dõi cho thấy hễ người nào uống rượu, bia thì không trực tiếp lái xe mà để cho vợ hoặc người thân lái. Có thể thấy, sau khi có Nghị định 100 thì nhận thức của người dân chuyển biến rõ rệt ”, lãnh đạo Công an huyện Hậu Lộc thông tin.
Tương tự, tại huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), từ ngày mùng 1 Tết đến nay, mới chỉ có 8 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện, giảm rất nhiều so với những dịp Tết năm trước.
Tại Hải Dương, trong kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020 (từ ngày 23 - 29/1), toàn tỉnh xảy ra 1 vụ TNGT nghiêm trọng làm 1 người chết, giảm 3 vụ, giảm 1 người chết và giảm 5 người bị thương so với Tết Kỷ Hợi 2019. Trong kỳ nghỉ, lực lượng CSGT tỉnh phát hiện, xử lý 6 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, một con số rất khiêm tốn so với năm ngoái.
Tại Bắc Giang, trong nhiều ngày có mặt cùng tổ công tác Đội CSGT Công an TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang kiểm tra nồng độ cồn trên đường Hùng Vương, đoạn qua phường Hoàng Văn Thụ, PV Báo Giao thông ghi nhận hầu hết các xe ô tô lưu thông trên đường đều do phụ nữ cầm vô lăng.
Theo tổ công tác thì đây không phải là hiện tượng lạ mà diễn ra phổ biến trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Sau 2 trường hợp vi phạm bị phạt kịch khung 35 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng vào hôm mùng 3 Tết vừa qua, đến nay CSGT TP Bắc Giang chưa phát hiện trường hợp nào uống rượu bia lái xe. Hầu hết các trường hợp gia đình đi chúc Tết đều do phụ nữ cầm lái đưa cả gia đình về nhà. Khi được yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn các nữ tài xế đều vui vẻ chấp hành. Sau hàng chục lượt kiểm tra, lực lượng chức năng chưa phát hiện trường hợp nữ tài xế nào vi phạm.
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang, trong 7 ngày Tết vừa qua, TNGT đã giảm đáng kể khi toàn tỉnh chỉ xảy ra 8 vụ và 4 người chết, 9 người bị thương; giảm 4 người chết và 1 người bị thương so với cùng kỳ năm trước.
Giảm mạnh các ca cấp cứu TNGT
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM, trong 7 ngày Tết Canh Tý 2020, cả thành phố xảy ra 29 vụ TNGT, trong đó 21 vụ va chạm và có 8 người chết do TNGT nhưng không có trường hợp nào liên quan đến rượu, bia. So với năm ngoái giảm 7 vụ (18,91%), số người bị thương 21 người, giảm 4 người (giảm 16%).
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết, trong 5 ngày nghỉ Tết Canh Tý, các bệnh viện tại TP HCM tiếp nhận 2.128 người cấp cứu do TNGT, giảm 272 trường hợp so với kỳ nghỉ Tết 2019.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, Khoa Cấp cứu của bệnh viện năm nay không quá tải như những năm trước. Bệnh viện không thống kê cụ thể những trường hợp cấp cứu do rượu bia, nhưng con số nhập viện đã giảm 50% so với năm ngoái.
Còn theo ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), 7 ngày nghỉ Tết Canh Tý, số bệnh nhân cấp cứu do TNGT tăng nhưng số ca liên quan đến rượu, bia lại giảm mạnh (70%) so với Tết năm trước. Ths. BS. Phạm Vũ Hùng, Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Trưởng ca trực cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức cho biết, tổng số ca cấp cứu trong 7 ngày Tết là 919 ca, trong đó 456 ca TNGT với 69 ca liên quan đến bia rượu.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, 6 ngày nghỉ Tết (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Nguyên đán), ghi nhận từ tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, có 30.406 ca khám, cấp cứu TNGT, giảm 17,8% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi. Số ca khám, cấp cứu liên quan đến TNGT chiếm 12,7% trong tổng số khám, cấp cứu chung. Đặc biệt các vụ khám, cấp cứu do nguyên nhân rượu bia đã giảm mạnh (34%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng (Cục trưởng Cục CSGT):
Trật tự ATGT chuyển biến tích cực
Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, cùng với việc ra quân, mở cao điểm xử lý nghiêm vi phạm, nhất là vi phạm nồng độ cồn và ma túy với mức phạt cao theo quy định tại Nghị định số 100/NĐ-CP của Chính phủ nên tình hình trật tự ATGT có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong ngày mùng 1 Tết, các địa phương vẫn tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, phần đường làn đường... So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, số vi phạm xử lý giảm 1.947 trường hợp, tiền phạt tăng 6,6 tỷ đồng cho thấy, số tiền phạt tăng cao đã và sẽ có tác dụng răn đe, giúp người tham gia giao thông hạn chế vi phạm. Đặc biệt, dịp Tết năm nay, vận chuyển hành khách trên cả đường bộ, đường sắt và đường thủy nhìn chung được đảm bảo, có một số ít xe ô tô khách chở quá số người nhưng đã bị lực lượng CSGT phát hiện xử lý nghiêm khắc.
Trong 7 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, toàn quốc xảy ra 198 vụ TNGT, làm chết 133 người, bị thương 174 người. So với cùng kỳ 7 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, TNGT giảm cả 3 tiêu chí, cụ thể giảm 24 vụ, giảm 7 người chết và giảm 38 người bị thương. CSGT Công an các đơn vị, địa phương đã xử lý gần 20 nghìn trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 19 tỷ đồng, tước 2.688 GPLX. Đặc biệt, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện xử lý 3.194 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn.
V.Huế (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận