Tạ ơn đất trời, thần linh ban phước
Theo kế hoạch, Lễ hội cơm mới được tổ chức từ ngày 29 - 30/8 nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị, văn hóa truyền thống đặc sắc của nhân dân các dân tộc xã Ngọc Chiến nói riêng và huyện Mường La nói chung.
Nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm lễ hội mừng cơm mới tại "miền quê cổ tích" ở Sơn La, tạo nên không khí rộn ràng, vui tươi.
Lễ hội cơm mới được xã Ngọc Chiến tổ chức hàng năm, mang ý nghĩa tổng kết mùa vụ lao động, sản xuất, thể hiện lòng biết ơn tổ tiên đã phù hộ cho gia đình được mùa màng bội thu, cuộc sống đầy đủ. Đồng thời, tạ ơn đất trời, thần linh, tổ tiên đã ban phước lành, may mắn đến với bản làng.
Anh Hảng A Chua, du khách tỉnh Yên Bái cho biết: “Đến với mảnh đất Ngọc Chiến, tôi cảm nhận được sự mến khách của người dân nơi đây. Đặc biệt, tôi được thưởng thức ẩm thực truyền thống, văn nghệ của người dân tạo cho tôi cảm giác thích thú. Tôi thấy, cảnh quan nơi đây rất đẹp, dòng suối chảy quanh những thửa ruộng vàng óng tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp”.
Ngoài ra, lễ hội còn là dịp để người dân tại 15 bản trên địa bàn xã Ngọc Chiến gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi quảng bá nét đẹp phong tục tập quán của người dân bản địa đến với du khách trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Việc tổ chức lễ hội cơm mới, còn nhằm giáo dục con cháu bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".
Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đẹp như miền cổ tích sẽ là nơi thu hút du lịch trong dịp 2/9.
Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Việc xã tổ chức lễ hội mừng cơm mới, nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc. Từ đó, thu hút nhà đầu tư, phát triển du lịch tại xã trong dịp 2/9 này.
Đồng thời, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, giúp bà con có cuộc sống đủ đầy, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Ngọc Chiến được thiên nhiên ban tặng cảnh quan hùng vỹ, khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm, vùng đất này rất phù hợp cho phát triển ngành công nghiệp không khói”.
Xã Ngọc Chiến có hơn 560ha lúa ruộng, trải dài khắp 15 bản làng, bao quanh những nếp nhà sàn lợp bằng mái Pơ Mu của bà con đồng bào dân tộc Thái, Mông, La Ha. Mỗi độ thu về, khi những thửa ruộng nhuộm sắc vàng của nắng, mùi thơm của lúa, người dân lại phấn khởi mở hội mừng cơm mới.
Ngày hội mừng cơm mới, đã tái hiện nhiều không gian văn hóa hấp dẫn, không chỉ tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn thu hút du khách gần xa tới trải nghiệm, khám phá.
Lễ hội cơm mới ở Ngọc Chiến năm 2024 diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc, ý nghĩa tâm linh được chia làm 2 phần. Phần lễ được tổ chức tại nhà thờ bản Mường Chiến.
Còn phần hội với chủ đề “Lễ hội mừng cơm mới năm 2024” gồm các phần thi như: Xếp đá, bắt cá, làm cốm, ẩm thực thực truyền thống, cúng cơm mới; đi Cà kheo, Tó Yến (cầu lông đồng bào Mông), Đá bóng bưởi nam, nữ; thi văn nghệ; Ngu kin khiết (rắn ăn ếch); Sừa kin mu (hổ ăn lợn); thi đi cầu thăng bằng, “lễ cúng vía trâu” và thi hoàng tử trâu…
Cúng vía trâu là một trong những nghi lễ đặc trưng về nông nghiệp của người Ngọc Chiến từ bao đời nay. Lễ cúng này, còn mang đậm dấu ấn văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước, đậm đà bản sắc dân tộc, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa của tộc người Thái.
Hân hoan chờ đón tết Độc lập
Với đồng bào Mông, một năm có hai cái Tết, đó là tết Nguyên đán và tết Độc lập. Nếu tết Nguyên đán là niềm vui đón xuân, với bao ước vọng trong năm mới thì tết Độc lập đem đến cho đồng bào Mông ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái những xúc cảm thiêng liêng, niềm vui và niềm tự hào được sống trong hòa bình, độc lập, tự do.
Năm nay, đồng bào Mông ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải đón tết Độc lập vui hơn trong niềm vui được mùa và bản làng đổi mới. Ai cũng hối hả hoàn thành nốt những công việc còn lại của mình để chuẩn bị chào đón ngày tết Độc lập.
Để chờ đón tết Độc lập 2/9, các hoạt động lễ hội năm nay ở Mù Cang Chải nhiều người dân đã chuẩn bị các sản phẩm thổ cẩm để phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Để đi chơi hội, phụ nữ Mông thường chuẩn bị cho mình bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất, chị Sùng Thị Mú ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải rất vui và phấn khởi bởi tết độc lập năm nay huyện Mù Cang Chải tổ chức nhiều các hoạt động vui chơi cho bà con nhân nên chị Mú và người dân trong bản ai ai cũng vui chờ ngày đi chơi.
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi khi vụ mùa chưa đến ngày thu hoạch, chị đang tập trung may những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống sặc sỡ để mặc đi chơi ngày tết Độc lập 2/9 và lễ hội Sơn Tra năm nay.
Chị Sùng Thị Mú, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho biết: "Để chờ đón Tết độc lập 2/9, các hoạt động lễ hội năm nay, tôi đã chuẩn bị đầy đủ các sản phẩm thổ cẩm để phục vụ du khách trong và ngoài nước. Các sản phẩm thổ cẩm của tôi hiện nay khách du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh đều đặt hàng nên tôi rất vui và phấn khởi".
Ông Lê Xuân Dương, Giám đốc Trung tâm TT&VH huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái chia sẻ: "Trong thời gian này, đội ngũ cán bộ viên chức của Trung tâm TT&VH huyện Mù Cang Chải đang tăng cường đẩy mạnh công tác trang trí khánh tiết, băng zôn, khẩu hiệu các hệ thống biển bảng tại khu vực trung tâm thị trấn Mù Cang Chải, các tuyến đường nhánh của các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện, tạo thêm khí thế vui tươi, phấn khởi cho nhân dân các dân tộc vui đón tết Độc lập 2/9".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận