Người lao động vẫn hy vọng vào khoản thưởng Tết sau một năm vất vả - Ảnh: K.Linh |
Từ quán trà đá vỉa hè tới những bữa tiệc nhậu, mọi người đều kháo nhau chỗ này thưởng khủng, chỗ kia thưởng bèo; người được cả tỷ, người chỉ nhận vài chục nghìn… Ngay cả trong những bữa cơm sum họp ngày cuối năm, người lớn trong nhà cũng mang câu: “Tết này con được thưởng to không?” để hỏi con cháu…
Ngay từ xưa người Việt đã có câu: “Trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Điều này chứng tỏ “sức nặng” của đồng tiền thưởng tác động như thế nào tới tâm lý người lao động. Khi được hỏi có nên bỏ thưởng Tết tại Việt Nam hay không, một vị nguyên là lãnh đạo Viện Nghiên cứu lao động khẳng định: “Ở Việt Nam, không thể bỏ thưởng Tết bởi chúng ta là thị trường Á Đông”. Kết quả thăm dò ý kiến độc giả của một tờ báo mạng về nội dung này cũng cho thấy, với hơn 9 nghìn phiếu trả lời, có tới 68% không đồng ý bỏ thưởng Tết, 32% ý kiến đồng ý.
Không thể phủ nhận tác động lan tỏa của “đồng thưởng Tết” tới việc giữ chân người lao động; góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kết quả sản xuất năm sau. Tuy nhiên, với hình thức thưởng kiểu cào bằng, ai cũng được thưởng, dù mức độ khác nhau, sẽ chỉ khiến tâm lý ham hố nhiều hơn thay vì thúc đẩy người ta trở nên xứng đáng hơn. Người được thưởng bèo bọt sẽ có cảm giác tự ti, mặc cảm như đang ở dưới đáy của xã hội… Rõ ràng thưởng Tết là niềm vui của người này nhưng cũng đôi khi là bi kịch của người khác. Đáng nói, những con số thưởng Tết “khủng” hàng ngày phát đi từ các phương tiện truyền thông, một mặt nào đó đang tạo ra tư duy “sống ảo”, tâm lý “nhảy việc” đối với không ít người lao động.
Kết quả khảo sát mới đây từ một trang tìm kiếm việc làm thông dụng cũng cho thấy, hơn 25% nhân viên sẽ nghỉ việc sau Tết nếu không nhận được mức thưởng như mong đợi; có tới 27% người lao động được hỏi cho biết sẽ lựa chọn nghỉ việc và xin việc nơi khác có mức thưởng Tết tốt hơn; 55% lựa chọn sẽ cùng đồng nghiệp kiến nghị công ty phải thưởng Tết.
Đáng tiếc, người ta chỉ biết nhìn vào con số những doanh nghiệp thưởng Tết khủng mà không để ý tới con số tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tại thành thị thất nghiệp nhiều hơn ở nông thôn; hơn 120 nghìn cử nhân ra trường thất nghiệp… hay hàng loạt doanh nghiệp khó khăn phải nợ lương công nhân. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, báo cáo tình hình lương thưởng Tết 2019 cũng mới chỉ gom từ hơn 5 nghìn doanh nghiệp có báo cáo trên tổng số 266 nghìn doanh nghiệp đang hoạt đông. Đây chẳng khác nào phần nổi của tảng băng chìm.
Thực chất lương thưởng đều được dựa trên sự thỏa thuận từ trước giữa người lao động với chủ doanh nghiệp. Thế nhưng, không biết đến bao giờ, niềm vui của người lao động Việt khi Tết đến xuân về chính là thành quả một năm cố gắng làm việc, chứ không phải ngóng chờ từ một “đồng thưởng Tết”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận