Ngay sau thời khắc giao thừa, người Hà Nội thường đổ về những ngôi chùa gần nơi mình sinh sống, với mong muốn cầu may, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe và bình an trong năm mới. |
Tết Nguyên đán nên đi đền chùa nào ở Hà Nội?
Đi lễ cầu may đầu năm là một nét đẹp trong văn hoá truyền thống của người Việt. Đây không chỉ là dịp cầu mong cho gia đình và người thân một năm mới an lành và hạnh phúc, mà du khách còn được tĩnh tâm khi về cửa Phật. Dưới đây là một số ngôi chùa, ngôi đền linh thiêng ở Hà Nội mà người dân nơi đây hay đến ngày đầu năm.
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Nam của Hồ Tây, là một trong những danh thắng bậc nhất ở kinh thành Thăng Long đời nhà Lê, nay thuộc quận Ba Đình (Hà Nội).
Nổi tiếng linh thiêng lại là danh thắng kinh kỳ, chùa Trấn Quốc xưa thường là nơi các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Còn ngày nay, nơi đây lại càng tấp nập những du khách, phật tử đễn lễ chùa và cầu mong những điều may mắn sẽ đến với gia đình mình, đặc biệt trong dịp đầu xuân.
Chùa Quán Sứ - Trụ sở trung tâm của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam - Ảnh: Chuaquansu.net |
Chùa Quán Sứ
Chùa Quán Sứ toạ lạc tại phố Quán Sứ không chỉ là ngôi chùa linh thiêng, thanh tịnh mà đây còn trụ sở trung tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong dịp năm mới, rất đông người dân, Phật tử về đây để đi lễ cầu mong mình và gia đình gặp nhiều may mắn.
Điều độc đáo ở ngôi chùa linh thiêng này là tại Gian Quan âm đang trưng bày pho tượng hoà thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với kích cỡ như người thật.
Phủ Tây Hồ thờ công chúa Liễu Hạnh - Ảnh: Wiki |
Phủ Tây Hồ
Phủ Tây Hồ thờ công chúa Liễu Hạnh hay còn gọi là Mẫu Liễu Hạnh là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất để cầu tài lộc. Phủ Tây Hồ còn có vị trí rất đẹp, ngay sát Hồ Tây. Trong những ngày đầu năm, nơi đây luôn thu hút du khách bốn phương lễ, xin lộc đầu năm.
Trấn Vũ Quán nằm ở ngã ba đường Thanh Niên - Ảnh: Wiki |
Đền Quán Thánh
Trấn Vũ Quán hay còn gọi là đền Quán Thánh, từ xưa đã nổi danh trấn Bắc trong “Thăng Long tứ trấn” của đất kinh kỳ. Đền Quán Thánh là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – một vị thần trấn giữ hướng Bắc kinh thành Thăng Long.
Đền Quán Thánh ngày nay nằm ở ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, Hà Nội, trên đất phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, phía Nam Hồ Tây và gần cửa Bắc Thành Hà Nội.
Không chỉ là một công trình có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc, đền Quán Thánh còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay.
Chùa Kim Liên mang nét văn hóa cổ kính và dánh vẻ cung đình - Ảnh: Wiki |
Chùa Kim Liên
Chùa Kim Liên nằm phía đông bắc Hồ Tây, thuộc làng Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa có kiến trúc mang dáng vẻ cung đình.
Toàn bộ cổng chùa được làm bằng gỗ, khá đồ sộ và chạm khắc công phu. Các hoa văn được khắc trên vì kèo, đầu cột, đầu mái chùa, chủ yếu là hình hổ phù, lá và hoa sen, hình rồng cách điệu, mây vờn… Đây là lối kiến trúc có từ thế kỷ 17 trở về trước và chỉ phổ biến ở Đàng Trong.
Lối vào đền Ngọc Sơn - Ảnh: Wiki |
Đền Ngọc Sơn
Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc và khu vực hồ Hoàn Kiếm là điểm đến không thể bỏ qua của bất kỳ du khách nào khi tới Thủ đô Hà Nội.
Đây là nơi linh thiêng, khi xưa các sĩ tử Bắc Hà đến cầu xin việc học hành. Đền Ngọc Sơn nằm trong quần thể di tích Hồ Gươm đã được công nhận di tích lịch sử – văn hóa năm 1980.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là trường Quốc học cao cấp đầu tiên của Viêt Nam - Ảnh: Wiki |
Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Được coi là biểu tượng cho văn hóa, lịch sử Việt Nam với kiến trúc cổ tuyệt đẹp. Vào dịp đầu năm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám thu hút rất đông người dân và du khách đến lễ đầu năm, xin may mắn trong học hành, thi cử và tham quan du xuân.
Quốc Tử Giám là trường Quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam. Ngày nay, phố ông đồ được tổ chức vào ngày Tết cũng là một lý do thu hút thêm nhiều du khách đến đây trong dịp đầu năm.
Đi lễ Chùa Hà đầu năm với mong muốn xin tình duyên vẹn tròn - Ảnh: Hành trình tâm linh |
Chùa Hà
Nổi tiếng là ngôi chùa cầu tình duyên, trong ngày đầu năm Chùa Hà càng thu hút nhiều du khách, Phật tử đến lễ đầu năm và xin tình duyên được vẹn tròn. Đó là lý do nếu ở các ngôi chùa khác thì người đến thắp hương đông nhất là các cụ cao niên và trung niên thì ở chùa Hà, đông nhất lại là các bạn trẻ, các nam thanh nữ tú.
Vào đầu năm, tổ đình Phúc Khánh luôn đông nghịt du khách đi lễ - Ảnh: TTXVN |
Tổ đình Phúc Khánh
Chùa Phúc Khánh từ lâu đã là một địa chỉ tâm linh quen thuộc và nức tiếng linh thiêng đối với người dân Hà Nội. Ngay sau giờ phút giao thừa, rất đông người đã tới đây cầu may, hái lộc và xin quẻ cho một năm mới của bản thân và gia đình.
Chùa Phúc Khánh còn có tên gọi khác là chùa Sở, tọa lạc tại số phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê nhưng qua nhiều cuộc chiến tranh, loạn lạc, chùa bị phá hủy hoàn toàn. Đến thời vua Quang Trung, chùa được xây dựng lại bởi nhà sư Chiếu Liên và đô đốc quân Tây Sơn là Trần Văn Lễ. Sau này, chùa còn được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất là năm 1950, chùa được xây dựng lại với kiến trúc như hiện nay.
Chùa Bà Đá hiện là trụ sở chính của Thành hội Phật giáo Việt Nam |
Chùa Bà Đá
Chùa Bà Đá là một ngôi chùa cổ nằm ở số 3 phố Nhà Thờ, Hà Nội, gần hồ Hoàn Kiếm. Ngôi chùa được xây năm 1056 này còn có các tên: Linh Quang tự, Sùng Khánh tự. Tuy chỉ là một ngôi chùa nhỏ nhưng nơi đây có cảnh quan khá đẹp với nhiều bức tượng gỗ. Hiện nay chùa là trụ sở chính Thành hội Phật giáo Hà Nội. Người dân Hà Nội thường đi lễ đầu năm ở chùa Bà Đá để cầu xin may mắn và an lành cho bản thân và gia đình.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận