Để giúp người dân dễ dàng thả cá chép xuống ao, hồ, nhiều nơi đã lắp những "máng trượt". Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại một khu chung cư thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã lắp những "máng trượt" như thế. |
Thả cá chép là phong tục truyền thống có từ lâu đời. Theo quan niệm xưa, cá chép được thả phải khỏe mạnh để có sức đưa “thần bếp” về trời, bẩm báo chuyện một năm qua của gia chủ. Chính vì thế tại Hà Nội, từ sáng sớm 25/1 (tức 23 tháng Chạp), nhiều người đã đổ về các ao, hồ, sông để thả cá chép. |
Máng trượt được đặt trên mặt thành bờ, một đầu kê lên mép hàng rào, một đầu chạy thẳng xuống hồ nước. |
Việc lắp "máng trượt" sẽ đảm bảo an toàn, đặc biệt với những gia đình có trẻ nhỏ. Ngoài ra giúp cá không bị sốc khi thả từ trên cao xuống. |
Cùng con gái đi thả cá từ sớm, anh Ngô Việt Hòa chia sẻ: "Tôi đưa cháu đi để trải nghiệm về một nét đẹp truyền thống từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam cũng như cầu mong sự bình an, may mắn, sung túc trong năm mới". |
Tại hồ Tây (quận Tây Hồ), từ sáng sớm ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy cũng rất nhiều người đến đây để thả cá chép. |
Cầu lên xuống hồ Tây thuộc phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) được nhiều người lựa chọn "tiễn ông Táo về trời". |
Anh Nguyễn Văn T., cho biết: "Việc lựa chọn nơi có cầu lên xuống hồ Tây để cá chép được an toàn, thả từ trên cao xuống thì cá rất dễ chết". |
Để giúp người dân thả cá chép an toàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) cử người thường xuyên quét dọn cầu thang lên xuống để người dân xuống thả cá không bị trơn trượt. |
Không những vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thụy Khuê còn cử người thu gom túi nilon đựng cá chép. |
Những băng rôn với khẩu hiệu "cá bơi đi, nilon ở lại" đã được treo gần nơi người dân hay thả cá chép để nhắc nhở người dân không vứt túi nilon xuống hồ Tây. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận