"Lúc ăn không hết, lúc lần chẳng ra"
Tết năm ngoái (Tết Nhâm Dần 2022), ngành bất động sản là một trong những ngành có Tết "to" nhất. Thưởng Tết của nhân viên bất động sản trung bình từ 1-5 tháng lương. Thậm chí, có nhân viên hoạt động kinh doanh nổi trội được thưởng xe hơi tương ứng khoảng 2 tỷ. Tuy nhiên năm nay, thưởng Tết với nhân viên ngành này trở nên xa vời.
Nhân viên môi giới bất động sản tư vấn cho khách (ảnh minh hoạ)
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Nguyễn Kim Oanh, cán bộ truyền thông một tập đoàn bất động sản tại Hà Nội cho biết, đến nay chị còn chưa nhận được đủ lương nên không mong chờ nhiều vào thưởng Tết. Theo chị Oanh, doanh nghiệp đang tái cơ cấu, công ty tạm chậm chi trả lương để xử lý một số việc "nóng". "Dù vậy, anh em vẫn cố gắng chung sức, "ăn dè, hà tiện". Ai cũng hy vọng sang năm, mọi hoạt động trở lại bình thường", chị Oanh chia sẻ.
Chủ một doanh nghiệp bất động sản khác cho hay, cách đây 3 tháng, đơn vị đã cắt giảm hơn 50% nhân sự. Số nhân viên còn lại, tập đoàn nợ lương từ tháng 11 đến nay và chắc chắn không có thưởng Tết năm 2023.
Đại diện Công ty Bất động sản Đất Xanh Miền Bắc xác nhận, đơn vị đã cho nhân viên nghỉ Tết sớm gần 2 tháng, từ ngày 12/12/2022 đến ngày 5/2/2023.
Khoảng 60-70% môi giới thất nghiệp
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Xanh Miền Bắc cho biết: “6 tháng đầu năm, thị trường liên tục ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Tính thanh khoản của các phân khúc từ đất đấu giá, căn hộ chung cư, biệt thự liền kề đều rất tốt.
Thế nhưng, đến giữa năm, thị trường xuất hiện những diễn biến khó lường. Nhất là những tháng cuối năm, mọi việc đi theo chiều hướng xấu chưa từng có, thị trường gần như rơi vào cảnh “đóng băng” toàn diện. Nhà đầu tư ngồi im, người có nhu cầu thực không dám xuống tiền”.
Ông Quyết cho biết, lợi nhuận đầu năm không đủ bù lỗ cho giai đoạn từ giữa năm và đến cuối năm. “Lương để duy trì nhân sự còn khó đủ sức gánh nên thưởng Tết là điều chưa nghĩ đến. Nhân viên cũng phải thông cảm cho công ty vì tình hình khó khăn chung của cả thị trường”.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, những ngày cận Tết, số nhân viên thuộc các doanh nghiệp BĐS nghỉ việc hoặc bị sa thải, chuyển nghề có dấu hiệu tăng. Nhiều môi giới bất động sản quay sang lái Grab, taxi, mở hàng ăn, bán quần áo, đồ điện tử online...
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) cho biết, giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, với dòng tiền dễ được bơm vào thị trường, cộng với sự phục hồi của nền kinh tế và quá trình đô thị hóa đã kéo theo nhu cầu BĐS tăng cao ở tất cả phân khúc.
Nhưng từ cuối Quý II/2022 đến nay, thị trường BĐS dần lao dốc và rơi vào trạng thái “ngủ đông” vì bị ảnh hưởng bởi những chính sách thắt chặt tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng nhiều lý do khác.
Hệ quả của thực trạng trên là hàng loạt công ty, sàn môi giới phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Những công ty còn hoạt động thì đang ở mức cầm cự, phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự hoặc một nhân sự kiêm 2 đến 3 công việc để có thể sinh tồn.
Thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 60-70% lượng nhân sự và cắt giảm lương, nhiều công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm. Dù vậy, ông Nguyễn Mạnh Hà vẫn hi vọng, thời gian tới thị trường BĐS sẽ ấm dần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận