Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người đi mô tô, xe gắn máy ở Việt Nam được coi là giải pháp đột phá kéo giảm TNGT, nhất là số người chết và bị thương do chấn thương sọ não.
Đáng nói, dù ai cũng thừa nhận tác dụng của chiếc MBH, nhưng đến nay đã hơn chục năm, chất lượng MBH vẫn bị thả nổi, MBH “rởm” tràn ngập thị trường, là tác nhân gây ra nhiều cái chết, bị thương oan uổng. Vậy ai phải chịu trách nhiệm về thực tế này?
Kỳ 1: Mũ “rởm” tràn lan, hiểm họa khôn lường
MBH kém chất lượng bày bán tràn lan, công khai tại khắp các địa phương trên cả nước, trong khi không có lực lượng chức năng nào xử lý.
Mũ bảo hiểm giá rẻ như mớ rau
Mới đây, hình ảnh một người phụ nữ trên cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) đầu loang máu, chiếc MBH lưỡi trai vỡ nát rơi ngay cạnh gây xôn xao các diễn đàn mạng xã hội.
Câu chuyện được thuật lại từ facebook Trịnh Việt Trường: “Em gái lái xe máy trên cầu Vĩnh Tuy bị tai nạn khi vừa rút điện thoại ra nghe. Do đội MBH thời trang nên khi ngã, mũ bị vỡ và đâm vào đầu, mất rất nhiều máu”.
Chứng kiến vụ việc, nhiều người không khỏi xót xa cho người phụ nữ, đồng thời cho rằng, đây chính là bài học cảnh tỉnh cho những ai chủ quan khi dùng MBH “rởm”.“Tránh cái mũ rởm thì đâu đến nỗi này”, “Nguy hiểm quá, mình không hiểu sao nhiều người vẫn cố chấp đội cái MBH này”… là ý kiến một số cư dân mạng để lại.
Đáng buồn là không chỉ người phụ nữ trên, tình trạng đội MBH “rởm” diễn ra phổ biến ở khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn. Và những người “phải trả học phí bằng máu vì sử dụng MBH giả” như bình luận của một facebooker khó thống kê hết.
Những ngày qua, trực tiếp có mặt tại nhiều tuyến đường của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nuớc, PV Báo Giao thông ghi nhận, MBH kém chất lượng được bán tràn lan, với giá bán chỉ vài ba chục nghìn đồng/cái, mẫu mã bắt mắt, nhiều kiểu dáng.
Đơn cử, ngày 26/10, trên đường Trần Quý Cáp (quận Đống Đa, Hà Nội), hình ảnh đập vào mắt PV là những chiếc MBH lưỡi trai tràn ngập trên kệ của những sạp hàng tạp hóa.
Trong vai khách hàng hỏi mua MBH giá rẻ, PV được một nữ chủ ki-ốt kế bên cổng vào ga Hà Nội đon đả giới thiệu: “Mũ ở đây có nhiều loại, rẻ nhất là 30.000 đồng, chỉ như mớ rau mua ngoài chợ. Mũ thời trang, kiểu cách hơn là 50.000 đồng. Mũ có chất liệu cứng hơn là 70.000 đồng”.
Trực tiếp cầm những chiếc mũ giá rẻ trên tay, quan sát của PV, loại MBH rẻ nhất được người bán hàng giới thiệu đơn giản từ thiết kế đến chất lượng, chất liệu nhựa và dễ dàng bẻ cong với quai đeo mỏng tang, kết nối vô cùng hời hợt với khóa mũ và không hề có nhãn mác xuất xứ hàng hóa.
Những chiếc mũ có giá từ 70.000 - 120.000 đồng được thiết kế với kiểu dáng, hoa văn bắt mắt và được đưa ra thị trường tiêu thụ với nội dung khuyến cáo in trên nhãn mác vô cùng khéo léo: “Mũ thể thao - Chú ý: Không sử dụng cho người đi mô tô, xe máy. Dành cho người chơi thể thao, trượt patin, xe đạp”.
Người dùng chỉ thích rẻ, đẹp, không quan tâm tác dụng
Trước thắc mắc tại sao nhà sản xuất đã khuyến cáo mà chủ hàng vẫn bán mũ này cho người đi xe máy, người phụ nữ này thẳng thắn đáp: “Chúng tôi chỉ lấy hàng về bán, còn mua hàng gì và sử dụng như nào là quyền của khách hàng. Người bán sao có thể bắt khách hàng theo ý mình?”.
Theo các chuyên gia, ngay từ đầu khi thực hiện quy định bắt buộc đội MBH năm 2007 đã xuất hiện loại mũ lưỡi trai không đảm bảo chất lượng. Ngày đó đã có nhiều cuộc bàn thảo giữa các Bộ, ngành nên “đặt vào tay ai” là đơn vị để kiểm soát việc kinh doanh loại mũ này. Đến nay sau hơn 13 năm, thực trạng này vẫn tồn tại mà gần như không cơ quan nào kiểm soát. Người bán thì bảo đây không phải MBH, trong khi người mua thì cho rằng đây chính là MBH và vẫn chấp nhận mua. Chính vì vậy, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cũng không phạt được do người bán nói họ chỉ bán mũ nhựa thời trang.
Trong quá trình khảo sát, ghi nhận của PV cho thấy, thời điểm hiện tại, loại MBH lưỡi trai kém chất lượng vẫn còn trôi nổi, được bày bán ven đường, trên rất nhiều tuyến phố nội đô Hà Nội như: Khâm Thiên (khu vực ngã tư Lê Duẩn - Khâm Thiên), Lê Duẩn (khu vực ngã ba Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo), Trường Chinh (đoạn từ nút giao Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Sở), Giải Phóng (đoạn từ cầu vượt Trường Chinh - Ngã Tư Vọng đến nút giao Định Công), Chùa Bộc (đoạn từ cổng Học viện Ngân hàng đến số 16 Chùa Bộc)…
Tại Nghệ An, sáng 27/10, đi dọc một vòng ở chợ Vinh (TP Vinh), chợ Quán Hành (huyện Nghi Lộc) cũng có rất nhiều ki ốt, cửa hàng bán MBH với đủ chủng loại và kích cỡ.
Chia sẻ với PV, chị Hoa (một chủ cửa hàng bán MBH ở chợ Quán Hành) nói: “Ở cửa hàng mình có rất nhiều loại MBH kiểu cách phù hợp với nhiều lứa tuổi với giá từ 50.000-500.000 đồng.
Thanh niên thích đội MBH lưỡi trai, mỏng với giá từ 50.000-100.000 đồng. Còn những người luống tuổi lại chọn MBH dày, chắc chắn với giá từ 150.000 - 300.000 đồng. Tuy MBH giá rẻ dễ vỡ nhưng đội lên đầu nhẹ, lại hợp thời trang nên là sự lựa chọn cho nhiều người”.
Em Nguyễn Lan Anh (học sinh trường THPT Nguyễn Thức Tự, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) chia sẻ: “Em thấy MBH lưỡi trai nhẹ, nhỏ gọn, rất tiện sử dụng. Dù, chiếc mũ không bền, dễ vỡ, nhưng rất đẹp và hợp với lứa tuổi học sinh”.
Kiểm chứng rõ hơn về thực trạng sử dụng MBH của người dân hiện nay, PV Báo Giao thông trực tiếp khảo sát tại một số bãi trông, giữ xe xung quanh một số bệnh viện lớn của Hà Nội như: Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108… Khoảng từ 9h30 - 10h30 ngày 27/10, ước tính của PV, cứ khoảng 500 MBH được treo bên ngoài tại các bãi gửi xe, có đến khoảng 20% là MBH lưỡi trai.
Tại bãi gửi xe Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tỷ lệ MBH không đạt chuẩn còn cao hơn. Khoảng 500 chiếc MBH được sinh viên, người điều khiển phương tiện vào bãi xe, có đến 30% là mũ lưỡi trai.
Trong khi đó, ghi nhận trực quan tại khu vực bãi trông, giữ phương tiện (cổng số 1) của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (đường Trần Đại Nghĩa, Hà Nội) từ 11h15 - 11h45 cùng ngày, kết quả cho thấy, trong khoảng 100 lượt sinh viên điều khiển xe máy, xe đạp điện rời bãi xe, chỉ khoảng 15% đội MBH đạt chuẩn, còn lại 85% đều chuộng và sử dụng các loại MBH lưỡi trai với đa dạng kiểu dáng.
Mũ “rởm” không có tác dụng gì
Theo các cơ quan chức năng, sau khoảng 13 năm thực hiện quy định bắt buộc đội MBH, tỷ lệ đội MBH đạt trên 90%. Tuy nhiên, PGS. TS. Phạm Việt Cường, Trưởng bộ môn Y tế công cộng (Trường ĐH Y tế công cộng) cho biết, theo một kết quả một nghiên cứu về chất lượng MBH do Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) phối hợp cùng Trường ĐH Y tế công cộng thực hiện tại TP HCM và tỉnh Thái Nguyên, có đến gần 90% số MBH được khảo sát không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không bảo vệ được người sử dụng từ nguy cơ chấn thương sọ não trong trường hợp xảy ra va chạm giao thông.
“Mặc dù tỷ lệ đội MBH của Việt Nam hiện nay đạt khoảng trên 90% nhưng thực tế quan sát tỷ lệ đội mũ không đạt chuẩn hay đội mũ lưỡi chai được gọi là MBH chiếm khoảng trên 40%, đối tượng này đa số là sinh viên, người trẻ.
Chính vì vậy, những người đội MBH không đạt chất lượng sẽ không có tác dụng bảo vệ đầu khi tham gia giao thông nên tỷ lệ tử vong, thương tích ở đầu còn khá cao”, ông Cường nói.
Theo thống kê, mỗi ngày Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) tiếp nhận 40-70 ca TNGT, trong đó tỷ lệ bị chấn thương sọ não lên đến 50%. Điều đáng nói là phần lớn nạn nhân đều không đội MBH, hoặc dùng MBH kém chất lượng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, hơn 26% vụ TNGT mà chủ phương tiện bị văng MBH ra đường là do mũ không đạt chất lượng hoặc cài dây không đúng cách.
BS. Nguyễn Đức Chính, Bệnh viện Việt - Đức cho biết, sử dụng MBH kém chất lượng có thể dẫn đến giảm hoặc không có tác dụng bảo vệ phần đầu. Ngoài ra, MBH kém chất lượng cũng có thể vỡ ra thành vật nhọn và gây thương tích cho chính người dùng.
BS. Chính khuyến cáo: “Thà mua một chiếc MBH tốt, tốn vài trăm nghìn đồng còn hơn là để khi xảy ra tai nạn, bị chấn thương sọ não sẽ phải trả chi phí chữa trị rất lớn.
Thậm chí, người bệnh phải mất thời gian điều trị khá dài và sau đó có khi còn bị di chứng, sống đời thực vật. Đội MBH chất lượng, đúng cách là để bảo vệ cho chính bản thân mình, đừng nghĩ chỉ là cách đối phó với CSGT”.
Theo ông Tô Sơn Hồng, Đội trưởng Đội QLTT huyện Thanh Trì (Cục QLTT Hà Nội), việc kiểm soát MBH trên thị trường có nhiều vướng mắc, bởi dù có khái niệm rõ ràng về MBH nhưng có một loại mũ gọi là nón vẫn không bị cấm lưu thông.
“Các loại nón không có khái niệm, không có quy định, cũng không được nhắc đến là có vi phạm hay không nên khi loại này lưu thông trên thị trường thì lực lượng QLTT không xử lý được. Để lực lượng QLTT có thể nhận định việc kinh doanh nón bảo hiểm là vi phạm thì lại phải cần CSGT xác nhận “những loại nón như thế nào không được sử dụng khi đi xe máy”, ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, qua thực tế những năm qua, hầu hết các đơn vị kinh doanh đều lợi dụng từ “nón” để tránh những quy chuẩn và cũng chưa có một hướng dẫn nào về cấm đội các loại nón.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho biết, cũng là MBH nhưng trong miền Nam gọi là nón bảo hiểm. Và dù tên gọi là gì thì để lưu hành ra thị trường, những sản phẩm này đều phải theo tiêu chuẩn nhất định và phải đảm bảo được tiêu chuẩn công bố. Ý thức của người dân cần được nâng cao hơn trong việc lựa chọn những sản phẩm được dán tem đạt chuẩn.
Hồng Hạnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận