Ngày 13/1, hàng nghìn hộ dân tại 12 xã của huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình bất ngờ nhận được thông báo từ Công ty TNHH Toàn Thịnh - đơn vị cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện.
Theo đó, 12 xã của huyện Thái Thuỵ gồm: Thái An, Thái Học, Thái Thịnh, Thái Tân, Thái Thuần, Thái Thành, Thái Hồng, Thái Hưng, Thái Thủy, Thụy Dũng, Thụy Tân và Hồng Quỳnh sẽ bị dừng phục vụ nước sinh hoạt sau 10 ngày kể từ khi có thông báo.
Phía công ty đề nghị người dân ở các địa phương này chủ động nguồn nước sinh hoạt sau khi công ty dừng cấp. Thông báo này khiến hàng nghìn hộ dân lo lắng vì sẽ không có nước sinh hoạt trong dịp Tết Nguyên đán 2020.
Ông Lê Tuấn Luân (thôn Vũ, xã Thái Hưng, huyện Thái Thuỵ) cho biết, bản thân ông và người dân địa phương rất hoang mang, lo lắng bởi nguồn nước sinh hoạt là nhu cầu không thể thiếu của người dân. Gia đình ông Luân có 4 người, từ lâu đã không sử dụng nước giếng khoan mà chỉ dùng nước máy do Công ty Toàn Thịnh cấp. Nếu nguồn nước này bị cắt, gia đình sẽ không biết lấy nguồn từ đâu để phục vụ sinh hoạt thường ngày.
Ngay sau khi nhận được thông báo, UBND các xã có tên trong danh sách đã báo cáo sự việc lên UBND huyện Thái Thuỵ.
Ông Phạm Tùng Lâm, Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy khẳng định huyện đã nắm bắt được nội dung trên, báo cáo UBND tỉnh Thái Bình biết và có chỉ đạo giải quyết.
Trưa 20/1, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Thanh Dương, Phó giám đốc Công ty TNHH Toàn Thịnh cho biết, lí do dừng cấp nước là vì công ty chưa nhận được phần kinh phí hỗ trợ sau khi đầu tư xây dựng dự án cung cấp nước sạch cho người dân.
Theo tìm hiểu, từ năm 2012, UBND tỉnh Thái Bình đã ra quyết định về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sau đầu tư đối với các đơn vị, doanh nghiệp đã huy động vốn đầu tư dự án cung cấp nước sạch cho người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó có Công ty TNHH Toàn Thịnh.
Tuy nhiên, sau 5 năm đầu tư, phục vụ nước sạch cho người dân, công ty vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ theo cam kết.
Bên cạnh đó, số lượng người dân sử dụng dịch vụ chưa cao, tình trạng thu không đủ chi trong khi phải gánh chi phí lãi vay khiến hoạt động của công ty vô cùng khó khăn.
Theo lời ông Dương, hiện công ty còn nợ lương công nhân nhiều tháng qua. Đã có hơn 40 lao động nghỉ việc chỉ còn khoảng hơn 20 công nhân gắn bó ở lại. Công ty cũng không còn khả năng tài chính để duy trì hoạt động. Nếu tình trạng này còn kéo dài, công ty sẽ phải tuyên bố phá sản và xin giải thể doanh nghiệp theo luật định.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thái Bình đã giao sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT và Sở Tài chính tham mưu các phương án cùng với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, để doanh nghiệp tiếp tục cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là khi Tết nguyên đán đã cận kề.
Tuy nhiên, trong khi chính quyền và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung thì hàng nghìn người dân tại huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình vẫn chưa hết nỗi lo không có nước sinh hoạt trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận