Hàng loạt phương tiện vận tải hành khách tuyến Thái Bình - Giáp Bát của Công ty CP Xe khách Thái Bình dừng hoạt động từ ngày 29/5 |
Mới đây nhất, từ ngày 29-31/5, 14 phương tiện vận tải hành khách tuyến Thái Bình - Giáp Bát của Công ty CP Xe khách Thái Bình dừng hoạt động vì thua lỗ.
Tài xế than càng chạy càng lỗ
Ngày 29/5, tập thể đội xe gồm 14 phương tiện thuộc Công ty CP Vận tải Thái Bình đăng ký hoạt động vận tải hành khách tuyến Thái Bình - Giáp Bát và ngược lại xin dừng hoạt động với lý do “càng chạy càng lỗ”.
Đã có hơn 5 năm gắn bó với Công ty CP Xe khách Thái Bình, anh Nguyễn Văn Kỉnh, lái xe BKS 17K-7314 tuyến Thái Bình - Giáp Bát cho biết: Thời gian gần đây, tình trạng xe Limousine đội lốt xe hợp đồng du lịch; rồi các xe không đăng ký vận tải khách nhưng lên mạng kêu gọi khách “đi chung”, chạy lòng vòng trong thành phố đón, trả khách đã “hút” hết khách vào bến đi xe tuyến cố định. Từ nhiều tháng nay, các xe của công ty khi xuất bến hầu như không có khách, trong khi mức chi phí hiện nay khoảng 840.000 đồng/chuyến đi về, cộng thêm phí hai đầu bến khoảng 950.000 đồng/chuyến. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu, giá cầu đường liên tục tăng khiến các xe càng hoạt động càng lỗ.
"Trước sự bùng phát của xe Limousine, xe 7 chỗ “đi chung” tuyến Thái Bình - Hà Nội, từ năm ngoái đến nay, tại bến đã có 101 xe khách đăng ký chạy tuyến này bỏ nốt, gồm 88 nốt Thái Bình - Nước Ngầm của Công ty Thiên Trường và Vietbus; 21 nốt Thái Bình - Giáp Bát của Công ty Hoàng Long. So với năm 2016, lượng khách vào bến hiện giảm mạnh khoảng 30-40%”. Ông Đặng Đình Đề |
Ông Bùi Trung Thịnh, lái xe BKS 17K - 7305 tuyến Thái Bình - Giáp Bát chia sẻ: Xe dù, xe không nốt không phải đóng lệ phí bến bãi, ngang nhiên hoạt động, tới tận nhà đưa đón khách, khiến khách không còn vào bến. Chỉ cuối tuần và thứ hai xe của chúng tôi còn có khách. Còn những ngày trong tuần hầu như chạy xe không hoặc phải bỏ nốt, thua lỗ nên phải dừng hoạt động.
Ông Bùi Duy Hoàn, Giám đốc Công ty CP Xe khách Thái Bình xác nhận: Ngày 29/5, công ty đã nhận đơn của 14 lái xe chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội xin dừng hoạt động vì không có khách trong thời gian dài. Việc 14 phương tiện dừng hoạt động với tần suất 44 chuyến đi, về trong ngày sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, công ty đã vận động được 10 xe hoạt động trở lại sau hai ngày tạm dừng. Tuy nhiên, các xe đang duy trì hoạt động trong tình trạng thua lỗ, rất bấp bênh.
Về mức khoán cho các xe, ông Hoàn khẳng định công ty đang thu ở mức dưới hòa vốn, nên không thể giảm thêm. “Công ty đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm hoạt động vận tải khách, không để xe dù, xe trá hình bùng phát, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp đang hoạt động tuân thủ quy định về quản lý vận tải”, ông Hoàn nói.
Cơ quan quản lý: “Lực bất tòng tâm”
Ngày 1/6, PV Báo Giao thông trong vai hành khách đi xe gọi điện đến Việt Nam Limousine 02438.575.575/ 19001731; Vĩnh Thịnh Limousine 19008656; Limo Thái Bình 19001500… và nhận được thông tin các xe chạy từ 5h-21h hàng ngày, giá vé từ 120.000 - 160.000 đồng/chuyến… Tương tự, tìm thử thông tin đi xe chung tuyến Thái Bình, chúng tôi nhận được hàng chục số điện thoại của các tài xế, với mức giá 120.000 đồng/người và 700.000 - 800.000 đồng/chuyến xe 7 chỗ từ Thái Bình lên Hà Nội và ngược lại. So với mức giá 80.000 đồng/người của xe khách tuyến cố định, việc được đưa đón tận nhà với mức giá của xe Limousine, xe đi chung được đông đảo khách hàng đánh giá là tiện lợi, phù hợp.
Ông Bùi Huy Quang, Trưởng phòng Quản lý vận tải và ATGT, Sở GTVT Thái Bình cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh gia tăng các xe Limousine đăng ký chở khách theo hợp đồng nhưng lại trá hình vận tải khách cố định hàng ngày. Cùng đó là sự xuất hiện của hình thức “đi chung xe” trên các xe 7 chỗ không đăng ký hợp đồng, đón khách tận nhà khiến lượng khách trên các xe tuyến cố định truyền thống sụt giảm mạnh. Đây cũng là một lý do khiến 14 xe khách của Công ty CP Vận tải Thái Bình và nhiều xe tuyến cố định bỏ nốt, dừng hoạt động.
“Các xe kinh doanh vận tải truyền thống phải mất phí bến bãi, thuế kinh doanh... Trong khi, các xe hợp đồng, nhất là xe đi chung không mất thuế, phí, lại đưa đón khách tận nhà, luồn lách vào sâu nội đô, đương nhiên hành khách sẽ từ bỏ, không vào bến bắt xe. Thực trạng này đang gây khó khăn cho công tác quản lý vận tải, gây thất thu thuế cho Nhà nước, đẩy bến xe và các doanh nghiệp vận tải truyền thống vào nguy cơ thua lỗ...”, ông Quang cho hay.
Ông Trịnh Xuân Hảo, Chánh thanh tra Sở GTVT Thái Bình cũng xác nhận thực trạng này và cho biết, thời gian qua, lực lượng TTGT cũng đã phối hợp với CSGT tăng cường TTKS, xử lý vi phạm của các xe này. Nhưng do các xe Limousine đều có hợp đồng đầy đủ, nên chỉ xử lý được lỗi dừng đỗ sai quy định (nếu có); còn các xe 7 chỗ đi chung hoặc đi cả chuyến, hoạt động như xe gia đình, dù phát hiện các xe này có vào tận nhà đón khách cũng không xử lý được.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận