Chiều nay (12/8), thông tin từ UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tại phiên làm việc sáng 12/8, kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu đã thống nhất thông qua nghị quyết mới để bãi bỏ 2 nghị quyết về dự án chống lũ sông Cầu.
Cụ thể, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã bãi bỏ Nghị quyết số 17, ban hành ngày 12/8/2016 thông qua chủ trương đề xuất Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp với hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu.
Dự án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu ở Thái Nguyên. Nguồn: Internet.
Tiếp đó là Nghị quyết số 25, ngày 27/10/2017 thông qua đề xuất chuyển dự án thành đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp với hoàn thiện hạ tầng đô thị, với 9 dự án thành phần.
Trước đó, TTCP đã chỉ rõ vi phạm của UBND và HĐND tỉnh Thái Nguyên khi sử dụng NSNN thực hiện Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu.
Cụ thể, TTCP kết luận: Việc UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất, HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua chủ trương đề xuất dự án là không phù hợp với Nghị định 15/2015/NĐ-CP về sử dụng vốn tham gia dự án, không thực hiện GPMB cho dự án khác (dự án hoàn vốn dự án BT).
Việc sử dụng nguồn vốn NSNN này không phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị định 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Trước đó, trong năm 2016 và 2017, các cơ quan trên đã lần lượt trình và phê duyệt hỗ trợ 5.611,6 tỷ đồng để sử dụng cho công tác BTGPMB các hạng mục công trình thuộc dự án BT và các dự án khác hoàn vốn của dự án BT.
TTCP khẳng định: HĐND tỉnh Thái Nguyên có Nghị quyết số 17/NQ-HĐND về chủ trương sử dụng vốn Nhà nước tham gia dự án nhưng tại thời điểm phê duyệt đề xuất dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên chưa có quyết định phê duyệt chủ trương sử dụng vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án là không phù hợp với Thông tư 02/2016/TT-BKHĐT.
Quá trình lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu của nhà đầu tư Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 cũng được TTCP chỉ ra nhiều sai phạm, bất thường.
Cụ thể, HĐND tỉnh Thái Nguyên ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HĐND thông qua chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quyết định đầu tư khi dự án này không nằm trong kế hoạch trung hạn 2016-2021 của tỉnh Thái Nguyên, chưa bố trí nguồn vốn NSNN tham gia.
TTCP cho rằng, với quy mô và tổng mức đầu tư dự kiến lớn hơn 1.500 tỷ đồng (tại dự án là 9.811,61 tỷ đồng), dự án thuộc nhóm A, cơ quan lập đề xuất dự án là UBND tỉnh Thái Nguyên, cơ quan thẩm định đề xuất là Bộ KH&ĐT, thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ. Việc UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất, HĐND tỉnh thông qua chủ trương đề xuất dự án là không phù hợp với Nghị định 15/2015/NĐ-CP. Do vậy, việc phê duyệt đề xuất đầu tư dự án (nhóm A) là trái thẩm quyền; UBND tỉnh Thái Nguyên còn ra quyết định phê duyệt Đề án (gồm 9 dự án) khi chưa được HĐND thông qua.
TTCP cũng khẳng định: Không có quy định của pháp luật về việc chuyển dự án PPP thành đề án PPP, cũng như không có quy định về việc phê duyệt đề án PPP gồm có các dự án PPP thành phần. “Việc thay đổi khái niệm trong đầu tư để phù hợp với thẩm quyền quyết định là mang tính chủ quan, thiếu căn cứ pháp luật, không phù hợp với quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP” - TTCP kết luận.
TTCP cũng chỉ rõ: Việc UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt BCNCKT dự án này khi chưa có quy hoạch được duyệt của hệ thống đê, đường, cầu hai bên sông Cầu và suối Mo Linh; chưa có báo cáo ĐTM của các dự án là không đúng quy định. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu cơ bản chỉ mang tính hình thức. Cụ thể, thời gian đánh giá và thẩm định hồ sơ yêu cầu chỉ trong 1 ngày là quá ngắn so với nội dung cần đánh giá với quy mô 9 dự án, cùng lúc chỉ có 1 nhà đầu tư được chỉ định thầu.
Điều này dẫn tới kết quả đánh giá năng lực, vốn chủ sở hữu thực hiện dự án BT và dự án khác; vốn vay của chủ đầu tư chưa phù hợp với quy định tại Điều 10, Nghị định 15/2015/NĐ-CP và thông tư 15/2016/TT-BKHĐT. TTCP cho rằng, để xảy ra các vi phạm nêu trên, trách nhiệm là của UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND TP Thái Nguyên và các sở, ngành liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận