Chiều nay (6/11), trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên cho biết, những ngày gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một đoạn rãnh thoát nước được cho là tại Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 261, đoạn qua xóm Đình, xã Cát Nê, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang thi công thì bị đổ.
Thông tin chia sẻ cũng cho rằng sự việc xảy ra là do thi công ẩu, không có cán bộ kỹ thuật, tư vấn giám sát đến kiểm tra...
Hình ảnh được cho là đổ rãnh thoát nước đang thi công trên đường tỉnh 261, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: MXH.
Trước thông tin trên, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Sự cố trên là do thành đoạn rãnh thoát nước này vừa được thi công xong, kết cấu chưa ổn định, chưa lắp đặt nắp đậy nhưng do tuyến đường vừa khai thác, vừa thi công nên đã bị xe trọng tải lớn vận chuyển vật liệu đi qua tác động dẫn đến đoạn rãnh dài khoảng 10m bị đổ.
Ngay khi phát hiện sự việc, nhà thầu thi công đã tổ chức thu dọn, tổ chức xây lại công trình, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng đề ra. Đây chỉ là sự cố nhỏ, không làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thi công công trình.
Được biết, Dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐT 261 đoạn Km1+00 đến Km20+00, tỉnh Thái Nguyên do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư với tổng số vốn gần 219 tỷ đồng. Dự án được chia làm 4 gói thầu xây lắp, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán năm nay.
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng thi công dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên đã phân công Phòng Quản lý dự án 2 trực tiếp phụ trách, giám sát chất lượng thi công. Theo đó, đơn vị này đã thành lập tổ giám sát dự án gồm 6 kỹ sư, dựng lều tạm túc trực, giám sát 24/24 giờ tại công trường.
Sau khi hoàn thành cải tạo, nâng cấp, đường tỉnh 261 sẽ đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi. Nền đường rộng 7,5 m, mặt đường rộng 5,5 m, một số đoạn qua khu dân cư rộng 6,5 m.
Tuyến đường nhằm giảm tải giao thông cho QL3 và QL37, kết nối Thái Nguyên với các tỉnh phía Tây Bắc, Đông Bắc và phía Nam; góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy lưu thông, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế- xã hội các địa phương trong vùng và khu du lịch hồ Núi Cốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận