Hỏi: Quanh khu vực nhà tôi lác đác xuất hiện người bệnh mắc sốt xuất huyết (SXH). Hiện tôi đang mang thai ở tháng thứ 5, mong bác sĩ tư vấn cách phòng và những lưu ý chăm sóc nếu lỡ mắc. Cảm ơn bác sĩ!
Nguyễn Ngọc (Đống Đa, Hà Nội)
Trả lời:
SXH là bệnh ở cộng đồng và điều trị ở cộng đồng, bản chất là do virus gây ra và thường tự khỏi sau 1 tuần. Chúng ta không có thuốc điều trị đặc hiệu nên với SXH thông thường chỉ cần theo dõi uống nước, uống oresol, dùng thuốc hạ sốt, một số mất nước thì truyền dịch. SXH không có dấu hiệu cảnh báo, chỉ sốt đau nhức toàn thân, không nôn, phát ban nhẹ thì tự theo dõi tại nhà, dùng thuốc hạ sốt 5 ngày theo quy định, kèm theo biện pháp chườm mát.
Khi có dấu hiệu sốt cao, tiểu ít, tay chân lạnh, bệnh nhân nên làm xét nghiệm công thức máu sớm, nếu hạ tiểu cầu, thoát huyết tương thì cần vào viện.
SXH trên phụ nữ có thai phải lưu ý đặc biệt. Chúng tôi đã gặp phụ nữ có thai có biến chứng của SXH gây suy gan, suy phủ tạng khiến thai lưu. Do vậy, phụ nữ có thai bị SXH cần phải nhập viện để được theo dõi bởi bác sĩ truyền nhiễm và bác sĩ sản khoa… So với các bệnh nhân khác, thai phụ mắc SXH thì nguy hiểm hơn, tuy nhiên cũng không nên quá lo lắng bởi hầu hết bà mẹ mang thai bị SXH sau này đều sinh con bình thường, tỷ lệ biến chứng thấp nhưng nhấn mạnh vẫn phải vào viện theo dõi sát sao.
Phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh, do vậy, mọi người cần biết SXH là bệnh truyền do muỗi vằn đốt, loại này thường sinh sản ở các khu vực nước trong, nước sạch. Vì vậy, để chủ động phòng tránh bị muỗi đốt, mọi người cần lưu ý nằm ngủ mắc màn, thoa kem diệt côn trùng. Diệt lăng quăng là không cho muỗi đẻ trứng, lật úp chum vại trong nhà, vệ sinh môi trường, phun thuốc muỗi, thả cá để ăn lăng quăng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận