Cục Hàng không đủ năng lực giám sát an toàn
Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Sơn cho biết, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của IPP Air Cargo đầy đủ theo các quy định tại Nghị định 30, 89 và 92 của Chính phủ.
Trong đó có đủ đề án hoạt động, phương án tăng vốn bù đắp thiếu hụt trong 3 năm đầu hoạt động do ghi nhận lợi nhuận âm; Cùng đó, hồ sơ cũng chứng minh IPP Air Cargo có 100% vốn Việt Nam; Hợp đồng nguyên tắc, thoả thuận về việc thuê tàu bay…
IPP Air Cargo dự kiến khai thác tàu bay B737BCF và B777F
Cục Hàng không cho biết, cơ quan này khẳng định đảm bảo được số lượng giám sát viên toàn toàn tính toán đến năm 2025. Đối với giám sát viên bay, Cục Hàng không hiện có 13 người, sẽ tiếp tục bổ sung thêm 3 người trong thời gian tới, đảm bảo giám sát được 449 tàu bay trong năm 2025.
“IPP Air Cargo dự kiến khai thác tàu bay B737BCF và B777F. Phòng chuyên môn về an toàn của Cục Hàng không VN đã xác nhận sẽ làm việc với Boeing thời gian tới để hoàn toàn đủ năng lực giám sát loại tàu bay này theo đúng tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO”, ông Sơn cho hay.
Đối với hạ tầng, được biết, TCT Cảng hàng không VN (ACV) đã có văn bản khẳng định có thể đáp ứng 5 vị trí đỗ qua đêm cho các tàu bay chở hàng của IPP trong năm đầu tiên (mỗi sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ 1 vị trí đỗ qua đêm). Cảng HKQT Vân Đồn cũng nhất trí cung cấp dịch vụ cho đội tàu bay của IPP Air Cargo.
Liên quan đến năng lực điều hành bay, TCT Quản lý bay VN (VATM) cũng thông báo “bảo đảm việc cung cấp dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay cho các chuyến bay của IPP Air Cargo khai thác trong khu vực đường hàng không, khu vực kiểm soát của các cơ sở điều hành bay thuộc VATM quản lý”.
Đủ “thiên thời, địa lợi”
Thông tin thêm về thị trường hàng không, ông Sơn cho hay: Từ ngày 15/2/2022, hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế đi/đến Việt Nam được khôi phục như giai đoạn trước dịch Covid-19. Cho đến nay, Việt Nam đã khôi phục lại đường bay tới trên 20 quốc gia vùng lãnh thổ truyền thống trước dịch Covid-19 như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Philippines, Lào, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), Pháp, Đức, Anh, Nga, Úc, Hoa Kỳ... Dự kiến các thị trường sẽ tiếp tục được khôi phục cũng như tăng dần tần suất đường bay khai thác.
Đối với thị trường nội địa, sau khi được dỡ bỏ các hạn chế về tần suất, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác trở lại gần 60 đường bay nội địa với trung bình tổng số chuyến bay nội địa thực hiện hàng ngày từ 700 - 800 chuyến bay.
Dự báo năm 2022, sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 42 - 47 triệu lượt hành khách, tăng từ 170 - 200% so với năm 2021 nhưng giảm trên 40% so với năm 2019.
Tính riêng thị trường nội địa, lượng hành khách nội địa vận chuyển ước đạt từ 33 - 35 triệu lượt khách giảm từ 6 - 10% so với năm 2019.
Sản lượng hàng hoá vận chuyển đạt 1,524 triệu tấn hàng hoá, tăng 16,4% so với năm 2021 và tăng 21,2% so với năm 2019.
Cũng theo ông Sơn, trước đó, Chính phủ có ý kiến đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ GTVT. Cụ thể, việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)”.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thị trường hàng không Việt Nam đang từng bước phục hồi, đặc biệt là hoạt động vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không, theo đúng chủ trương thích ứng linh hoạt của Chính phủ, Cục Hàng không VN đánh giá việc xem xét, thẩm định hồ sơ để cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chuyên chở hàng hoá cho IPP Air Cargo là phù hợp.
Đáng chú ý, theo ông Sơn, kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chuyên chở hàng hoá của IPP Air Cargo là phù hợp với các quy định tại các Nghị định 30, 92 và 89.
Do vậy, Cục Hàng không VN kiến nghị Bộ GTVT xem xét kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chuyên chở hàng hoá cho IPP Air Cargo và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc cấp giấy phép cho DN này.
IPP Air Cargo đã ký thỏa thuận mua 10 chiếc Boeing 777 Freighter trị giá 3,5 tỷ USD. IPP Air Cargo cho biết sẽ đào tạo một đội bay hùng hậu để triển khai kinh doanh, đồng thời có tham vọng đưa hãng bay này thành hãng hàng không vận tải hàng hóa lớn bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Dự án lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.
Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng; đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3.
Năm đầu khai thác, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. Doanh nghiệp dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận