Đại tá, TS. Đỗ Cảnh Thìn |
Sự xuống cấp về đạo đức và lối sống, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá, sự hạn chế và lệch lạc nhận thức về các giá trị cuộc sống… là những nguyên nhân cốt lõi khiến tội phạm diễn biến ngày một phức tạp và manh động hơn.
Đại tá, TS. Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) đưa ra quan điểm như trên trong cuộc trao đổi với Báo Giao thông sau hai vụ thảm sát ở Nghệ An và Bình Phước làm 10 người trong hai gia đình thiệt mạng chỉ trong vòng một tuần, gây rúng động dư luận.
Hiện tượng không bình thường trong đời sống hiện nay
Trong vòng chưa đầy một tuần đã xảy ra hai vụ thảm sát gây rúng động dư luận: Một ở Nghệ An, hung thủ giết chết bốn người trong gia đình rồi vứt xác ra bờ suối và mới đây là vụ giết chết 6 người trong gia đình ở Bình Phước. Đón nhận những thông tin trên, ông có suy nghĩ như thế nào?
Thông tin về hai vụ thảm sát xảy ra mới đây khiến bất cứ ai cũng đều bàng hoàng, bức xúc, căm phẫn tội phạm và có cả cảm giác lo lắng. Những vụ án xảy ra, dù bất kỳ ở mức độ nào thì nó cũng gây ra những thiệt hại cho con người và xã hội, ảnh hưởng đến ANTT, cuộc sống bình yên của mỗi nhà, mỗi người.
Điều này cũng phản ánh một hiện tượng không bình thường trong đời sống xã hội hiện nay. Xét dưới góc độ tội phạm học, có thể nhận thấy những vụ tàn sát man rợ như vừa qua thể hiện sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, sự chai sạn cảm xúc của các đối tượng gây án. Chúng hành động vì mục đích tối thượng là thỏa mãn nhu cầu của bản thân một cách bản năng mà không suy nghĩ đến những hậu quả đối với nạn nhân, xã hội và cho chính đối tượng.
Vụ thảm sát khiến 6 người trong gia đình tử vong tại Bình Phước mới đây đang khiến dư luận vô cùng hoang mang. Dưới góc độ nghiên cứu về tội phạm, ông nhận định thế nào về tính chất, phương thức, thủ đoạn của các hung thủ?
CQĐT đã nhanh chóng phát hiện, bắt giữ các đối tượng nghi can, thu giữ những tang vật và đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để đưa thủ phạm ra xử lý kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật. Theo thông tin từ CQĐT, các đối tượng này đã giết người nhằm mục đích cướp tài sản (có thể ngụy trang bằng lý do trả thù vì bị cản trở chuyện yêu đương). Qua những gì mà chúng ta biết được từ vụ án cho thấy, hành vi phạm tội của thủ phạm đã được chuẩn bị, tính toán rất kỹ; hành động manh động nhưng rất lạnh lùng, quyết liệt, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Việc sát hại tất cả những người trong một gia đình như vậy cũng là một phương thức để bịt đầu mối theo kiểu “giết người diệt khẩu” nhằm đối phó với CQĐT.
Theo ông vì sao tội phạm hiện nay có chiều hướng gia tăng? Ông có thể lý giải về tâm lý của những tên tội phạm khi gây ra những vụ án man rợ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, điển hình như vụ thảm sát ở Bình Phước vừa qua?
Theo tôi, những vụ án đặc biệt nghiêm trọng như ở Nghệ An, Bình Phước hay một số vụ đã từng gây xôn xao trong dư luận trong những năm qua chỉ mang tính đơn lẻ. Mặc dù tình hình hoạt động của các loại tội phạm luôn có những diễn biến phức tạp, nhưng ANTT cơ bản vẫn được đảm bảo, giữ gìn sự ổn định xã hội.
Điều đáng quan tâm là số vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, sát hại nhiều người có xu hướng gia tăng. Đối tượng gây án với các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyết, dã man, lạnh lùng, sử dụng vũ khí nóng hoặc các phương tiện có khả năng gây sát thương cao… Điều này thể hiện nhận thức, tâm lý, đạo đức, lối sống của các đối tượng này đã có sự biến đổi nguy hiểm, tiêm nhiễm của những trào lưu, lối sống tiêu cực. Các đối tượng thực hành tội phạm theo các “hình mẫu” của tội phạm được xuất hiện tràn lan trên các phim ảnh, internet, mạng xã hội, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa (trong đó có toàn cầu hóa tội phạm), hội nhập quốc tế.
Khám nghiệm hiện trường vụ thảm sát tại Bình Phước |
Xuống cấp đạo đức là nguyên nhân cốt lõi
Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho diễn biến phạm tội ngày càng phức tạp như hiện nay, nhưng theo ông, đâu là nguyên nhân cốt lõi?
Tôi cho rằng, sự xuống cấp đạo đức, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá; đua đòi, ăn chơi sa đọa; muốn hưởng thụ không bằng sự lao động, cống hiến mà bằng sự tước đoạt tài sản của người khác; sự hạn chế và lệch lạc về nhận thức về các giá trị cuộc sống… là những nguyên nhân cốt lõi khiến cho tình hình tội phạm diễn biến ngày một phức tạp hơn.
Có ý kiến cho rằng, kinh tế khó khăn cũng là một trong những yếu tố tác động khiến tình hình tội phạm gia tăng? Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Thời nào cũng có những khó khăn của thời đó. Nhưng khách quan nhìn nhận thì ngày nay mặt bằng đời sống của người dân đã có sự cải thiện rất lớn so với trước đây. Không loại trừ yếu tố khó khăn về kinh tế, nhưng coi đó là yếu tố làm gia tăng tội phạm thì chưa thuyết phục. Có những người gặp hoàn cảnh khó khăn vẫn sống lương thiện. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng: Những sự căng thẳng, mâu thuẫn, tranh chấp, cạnh tranh, sức ép trong cuộc sống, cùng với những ảnh hưởng từ văn hóa, lối sống thiếu lành mạnh cũng là những tác nhân làm cho tình hình tội phạm diễn biến phức tạp.
Vậy theo ông, làm thế nào để có thể ngăn chặn tội ác từ mầm mống, thay vì để chúng có cơ hội phát triển và gieo rắc kinh hoàng cho xã hội?
Tội phạm là hiện tượng xã hội tiêu cực. Không thể có một phép màu nào triệt tiêu được hiện tượng này trong một thời gian xác định. Tuy nhiên, để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm thì phải tiến hành kiên trì, đồng bộ nhiều giải pháp.
Giải pháp chiến lược là phải phát triển KT-XH để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo điều kiện để người dân có cuộc sống tốt hơn. Phải xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, khơi dậy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đấu tranh, bài trừ, hạn chế, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, những xu hướng, trào lưu, biểu hiện lệch chuẩn. Cần phát huy sức mạnh, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội trong phòng ngừa tội phạm, giữ gìn ANTT. Phải chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, các chuẩn mực xã hội qua đó tạo sự “đề kháng” với tình trạng tội phạm.
Một khi người ta biết rõ hành vi đó nhất định bị lên án, nhất định bị xử lý, bị trừng phạt… hẳn người đó sẽ có những điều chỉnh hành vi của mình. Vai trò của gia đình, của nhà trường và cộng đồng dân cư là hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao năng lực phòng ngừa và đấu tranh, xử lý tội phạm đạt hiệu quả cao hơn.
Cảm ơn ông!
Phải làm gì khi đối mặt trộm, cướp? Khi đối mặt với những tên trộm, cướp, đặc biệt là những tên trộm, cướp có mang theo hung khí, trong trường hợp bọn chúng tấn công từ bên ngoài vào, nhưng mới chỉ có lời nói, cử chỉ để hăm dọa khống chế yêu cầu đưa tài sản, phương án ứng xử tối ưu nhất đó là tỏ ra ngoan ngoãn phục tùng. Hãy mềm mỏng trong ứng xử và làm theo tất cả yêu cầu của chúng, không để chúng có cảm giác bất an hay bị kích động. Hãy ngoan ngoãn giao tiền, vàng, hoặc chỉ nơi để ví, túi xách, đọc mã số hoặc tự mở két sắt cho chúng, phải cho chúng có một số ít tiền hoặc gì đó để ra đi. Không nên nhìn thẳng và đừng bao giờ tỏ ra vẻ cố gắng ghi nhớ mặt chúng. Nếu có nhận ra người quen cũng tuyệt đối vờ như không biết. Tuyệt đối không nên phản ứng ngay lập tức như giằng co, đánh lại đối tượng, hoặc hô hoán kêu cứu, hay có lời nói đe dọa sẽ báo công an. Bởi vì cách này càng kích động đối tượng dẫn đến việc sử dụng vũ lực ngay tức khắc. Hãy cố gắng ứng xử khéo léo để chúng lơ là, chủ quan, rồi tận dụng sơ hở để bỏ chạy đến nơi an toàn trong nhà, chốt khóa cửa phòng lại. Nếu có thể thì bỏ chạy thoát thân ra khỏi nhà, hô hoán rồi gọi điện báo công an. Tình huống có thể tự vệ (đánh giá về tương quan lực lượng, hung khí đối tượng cầm theo), thì trước tiên vẫn nên tỏ ra hợp tác với chúng, rồi nhân lúc sơ hở bấm chuông báo động rồi cầm vũ khí (đã để sẵn trong nhà) tấn công đối tượng vào đầu, mặt, cánh tay cầm hung khí, ống cẳng chân. Nếu không có hung khí thì nhân lúc đối tượng không để ý, dùng tay chọc vào mắt hoặc đá vào bộ hạ, cẳng chân (ống đồng) của đối tượng thật mạnh. Lưu ý, việc bất ngờ tấn công lại đối tượng chỉ nhằm mục đích để chạy thoát thân ra bên ngoài kêu gọi sự trợ giúp, chứ không nên một mình đánh bắt tội phạm. Tình huống đã bị đối tượng lạ mặt đánh đòn phủ đầu, choáng váng và gục xuống sàn thì hãy nằm bất động giả chết, mặc cho chúng lục lọi, cho đến khi rút đi. Vì cái đối tượng hướng đến là tài sản, chứ không phải là tính mạng chủ nhà. Phương châm ứng xử trong tình huống bị đột nhập, ưu tiên số 1 là phải bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe của bản thân và gia đình. Không vì tâm lý luyến tiếc tài sản mà ứng xử manh động, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Trung tá Đào Trung Hiếu |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận