Thế nhưng, đây là nơi đi lại của hàng chục hộ dân mỗi ngày, vì cuộc sống mưu sinh nên họ bất chấp sự sợ hãi.
Con đường đặc biệt
Thông tin từ Huyện ủy Thuận Châu cho biết, bản Chùn là một trong 171 bản của huyện chưa có đường giao thông được cứng hóa. Đường qua hang có chiều rộng mặt đường trung bình từ 1,5 - 3 m, đoạn này thuộc đất quốc phòng, muốn tác động vào phải được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng. Để đầu tư nâng cấp cứng hóa đảm bảo cho các phương tiện đi lại được cả 4 mùa cần rất nhiều vốn, vì vậy huyện không đủ khả năng.
Trước mắt, huyện Thuận Châu đang tập trung khắc phục đảm bảo giao thông để người dân đi lại an toàn qua hang Thẳm Luông. Huyện cũng đang khảo sát xác định hướng tuyến, nguồn vốn đầu tư để mở tuyến đường mới không đi qua hang Thẳm Luông vào bản Chùn.
Hang Thẳm Luông thuộc bản Thẳm, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Đứng từ bên vệ đường QL6, đưa mắt nhìn lên ngọn núi đá sừng sững cao vút, giữa vách đá dựng đứng là một hang sâu hun hút.
Từ chân núi, một lối mòn dẫn lên xuyên qua hang. Đối với người lạ, thoạt nhìn vách đá đã thấy rợn người, nổi da gà bởi độ cao của nó. Hang đá xuyên qua lòng núi, cũng chính là con đường mưu sinh của hàng chục hộ dân sống trong thung lũng phía sau dãy núi.
Theo chân một số người dân bản đi qua núi, dù đã được cảnh báo và chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng chúng tôi vẫn không dứt được tâm trạng lo lắng. Càng đi sâu vào hang đá, cảng có cảm giác ớn lạnh đến nổi da gà. Ánh đèn xe máy thường ngày sáng như bưng, nhưng trong lòng hang chỉ sáng mập mờ, lập lòe như đom đóm, phải căng mắt nhìn lấy được điểm bám lối đi mới không bị chệnh đường.
Những ổ gà, ổ voi, những khúc cua trong hang khiến bánh xe nẩy lập bập như sắp đâm vào vách đá. Âm thanh phản xạ phát ra từ chiếc xe máy ù ù xói đập vào tai khiến chúng tôi không khỏi rùng mình. Với người lần đầu tiên đi qua hang tối, cảm giác thật sợ, thế nhưng với người dân nơi đây thì việc này đã thành “cơm bữa”, bất kể là ngày mưa hay nắng.
Phía sau dãy núi đá này là nơi 51 hộ dân bản Chùn (thuộc xã Thôm Mòn, Thuận Châu) đang sinh sống. Tính theo đường chim bay, bản Chùn chỉ cách QL6 chừng 3km và đường bộ khoảng 4km, thế nhưng bản Chùn vẫn thuộc diện bản đặc biệt khó khăn của xã Thôm Mòn. Người dân nơi đây hầu hết là đồng bào dân tộc Thái, có tới 33 hộ nghèo, cận nghèo, còn lại cũng trong diện khó khăn. Nguyên nhân tất cả cũng chỉ vì đường đi lại vào bản quá gian nan, vất vả.
Mong lắm một con đường
Như đã thành thói quen khi xuống chợ hay có việc gì đó ra trung tâm xã, công việc đầu tiên của bà con dân bản phải làm là cầm theo đèn pin, bó đuốc và chiếc bật lửa bên người để thắp sáng khi vào hang.
Theo lời kể của các bậc cao niên, hang Thẳm Luông xưa kia là hang đá tự nhiên, cheo leo giữa vách núi đá dựng đứng nên rất ít người lên được đó. Trong thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hang Thẳm Luông được bà con dân bản Thẳm và một số bản lân cận ở Tông Lạnh chọn làm nơi cất giữ đồ đạc trong nhà khi chạy giặc.
Từ dưới nhìn lên miệng hang cao vút, để trèo lên đó phải chặt tre, nứa, làm thang nối lại thành nhiều khúc mắc lên (nối 6 khúc thang tre, mỗi khúc dài gần 10m mới lên tới cửa hang). Có thang nhưng phải là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh, dũng cảm, mới dám trèo lên.
Ông Lò Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh kể: Năm 1964, khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, hang Thẳm Luông được bộ đội ta chọn làm nơi cất giấu vũ khí. Bộ đội phá đá mở một con đường nhỏ men theo vách đá từ chân núi lên cửa hang. Đến năm 1966, hang được đục thông sang sườn núi bên kia bản Chùn. Vài chục năm trở lại đây, hang Thẳm Luông trở thành đường đi lại của trên 50 hộ đân bản Chùn và một số hộ dân bản Thẳm, bản Cuông Mường ở xã Tông Lạnh.
Anh Lường Văn Thương, Trưởng bản Chùn cho hay, đường lên hang Thẳm Luông vừa dốc, vừa nhiều đá lởm chởm rất khó đi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của người dân. Thế nhưng, người dân nơi đây vẫn lo nhất là việc đi lại của các cháu học sinh. Vào mùa mưa đường trở nên lầy lội, trơn trượt, học sinh phải nghỉ học thường xuyên vì không thể đến lớp. Nhiều gia đình phải mất một lao động chủ lực để chuyên đưa đón con đi học.
“Nhiều trường hợp trong bản có người ốm nặng đi cấp cứu, phải nhờ những thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong bản vừa khiêng vừa dùng xe máy chở 3 người băng qua đường xóc đến bệnh viện. Mùa mưa thì phải cõng. Cả bản hiện trồng 10ha cà phê, trên 5ha ngô, người dân nỗ lực thoát nghèo không ngừng, thế nhưng đường đi lại khó khăn, thương lái không dám vào, bị ép giá thấp hơn bên ngoài 2 - 3 giá. Làm nhiều không thấy có lời lãi thậm chí bị lỗ nên bà con sinh ra nản”, anh Thương nói.
Còn ông Lò Văn Đỉnh, Phó chủ tịch UBND xã Thôm Mòn, cho biết: “Bản Chùn là bản đặc biệt khó khăn của xã. Nguyên nhân thì nhiều nhưng dễ thấy nhất là đường đi lại của bà con quá khó khăn, ngày nào cũng phải đi qua hang, mùa khô còn dễ, mùa mưa bà con hạn chế đi lại. Tuy những năm gần đây, các chế độ chính sách hỗ trợ cũng đã triển khai đến bản để giúp bà con nâng cao đời sống, hỗ trợ điện, nước sinh hoạt, cây trồng, vật nuôi… song chừng đó là chưa đủ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận