Một cảnh trong tiểu phẩm “Bạn thân” của chùm hài kịch “Tốc độ”. Ảnh: Tạ Hải
“Tốc độ” là chùm hài kịch mới của Nhà hát Tuổi trẻ, phản ánh những vấn đề, thực trạng nhức nhối đang tồn tại trong câu chuyện giao thông ở Việt Nam. Sau những tiếng cười, mỗi người nhận được cho mình một bài học ý nghĩa khi tham gia giao thông.
Sân khấu độc đáo với hiệu ứng thị giác
Một anh CSGT phải đối mặt với nhiều câu hỏi “khó nhằn” từ bố mẹ của người yêu (tiểu phẩm Đường tắc mắc duyên); một bà bán nước lấn chiếm vỉa hè nhưng luôn tự nhận mình là ân nhân của rất nhiều người bị TNGT (tiểu phẩm Quán ân nhân).
Một nhóm bạn thân luôn “hết mình” với nhau bằng rượu bia, rồi lái xe, khiến vợ con phải chịu hệ lụy đau buồn (tiểu phẩm Bạn thân); một thanh niên uống rượu lái xe, gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn và phải ngồi tù.
Không chỉ anh mà cả gia đình của anh ta đều tan tành tương lai chỉ vì “mù nhận thức” về tham gia giao thông an toàn (tiểu phẩm Sương mù).
Đó là 4 câu chuyện điển hình về thực trạng tham gia giao thông kém ý thức, dễ gây ra những hậu quả khôn lường đang xảy ra tại Việt Nam. Những vấn đề nổi cộm đã được tái hiện trong chùm hài kịch “Tốc độ” (kịch bản: Đinh Tiến Dũng, đạo diễn: Sĩ Tiến) thông qua 4 tiểu phẩm kịch ngắn.
Qua diễn xuất của dàn diễn viên tên tuổi lẫn trẻ trung của Nhà hát Tuổi trẻ như: Vân Dung, Thanh Dương, Thu Hương, Lý Chí Huy, Thu Quỳnh, Hoàng Du Ka… các vấn đề lần lượt hiện lên sống động mang theo những tiếng cười tếu táo, nhưng để lại cái ngậm ngùi dành cho mỗi số phận, gia đình khi được phác họa trên sân khấu hài kịch.
Không còn đơn điệu chỉ với bục bệ thông thường cùng phông nền, sân khấu của “Tốc độ” được thể nghiệm để mang tới sự mới mẻ.
Trên phông nền chính là hình ảnh giao thông “hỗn loạn” với những làn đường, vết bánh xe… Sân khấu còn được thiết kế kết hợp công nghệ, máy chiếu, hiệu ứng ngược sáng để truyền tải nhiều hơn các hình ảnh tượng trưng.
Khán giả có thể cảm nhận rõ sự nhộn nhịp của đường phố, những tiếng còi xe, tiếng phanh kít, tiếng xe va chạm… và dường như thấy xe đang chạy trước mặt mình.
Đạo cụ sân khấu cũng khá linh hoạt khi có thể liên tục biến chuyển, lúc thành tấm cửa bệnh viện, lúc trở thành dải phân cách, lúc lại tượng trưng bức màn sương mù mờ mịt.
Đạo diễn Sĩ Tiến cho biết, đã suy nghĩ nhiều để đưa ra được giải pháp dàn dựng vở diễn. Anh muốn mang tới khung cảnh mới tiết tấu hơn, tiếp cận với xu hướng sân khấu mới.
Trên thực tế, công nghệ áp dụng khá đơn giản với máy chiếu nhưng từ trước tới nay chưa ai làm. Anh muốn thực hiện để các vở kịch bớt nhàm chán và vì “phần nghe và hiệu ứng thị giác rất quan trọng”.
NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ hé lộ, ban đầu lẽ ra anh là người dựng chương trình. Chùm hài kịch được đặt hàng tác giả Đinh Tiến Dũng viết theo suy nghĩ của anh xuất phát từ một số sự kiện thời sự. Nhưng sau đó, anh từ chối vì sợ nếu vẫn làm theo cách dân dã mang dấu ấn của bản thân thì sẽ không nâng tầm được vở kịch.
Yêu cầu được đặt ra là dù vở mang tính tuyên truyền nhưng vẫn phải có dấu ấn nghệ thuật, từ hình thức thể hiện, cách dàn dựng phải đổi mới và khác biệt và đạo diễn Sĩ Tiến đã làm được điều đó.
Hài kịch giúp chủ đề giao thông bớt khô cứng
Nhắc tới đề tài giao thông, người ta thường nghĩ ngay tới việc tuyên truyền, hô hào khẩu hiệu có phần khô cứng.
Khi đưa giao thông vào thể loại hài kịch, nhiều người có thể nghĩ sẽ phê phán hoặc nói xấu. Nhưng đóng Táo Giao thông nhiều năm, tôi có kinh nghiệm rằng dù ở góc nhìn nào, phản ánh tiêu cực hay khen ngợi mà nhìn qua lăng kính vui vẻ sẽ tạo hiệu quả tốt hơn so với các hình thức truyền tải khác.
NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ
Đạo diễn Sĩ Tiến thừa nhận, những vấn đề về giao thông không phải để mang ra đùa giỡn nhưng chọn cách thể hiện dí dỏm, hài kịch sẽ giúp các câu chuyện xâu chuỗi nhẹ nhàng hơn và giá trị kịch được nhấn mạnh hơn.
Đó là cách thức để hấp dẫn khán giả và để họ chiêm nghiệm được ý nghĩa tác phẩm muốn truyền tải, vì với giao thông, mỗi người sẽ không có cơ hội sửa sai.
Đạo diễn Sĩ Tiến cho rằng, điều tất cả mọi người cần làm là ngăn chặn tình huống xảy ra chứ không phải giải quyết tình huống. Nếu mỗi người có nhận thức thay đổi thì sẽ không có tai nạn xảy ra.
Thế nhưng, để làm hài kịch cho một chủ đề có phần khô khan như giao thông không phải dễ dàng, như lời của diễn viên Hoàng Du Ka: “Làm sao để tạo được tiếng cười nhưng sau đó lại có suy ngẫm, để người ta học được, thấy được điều gì ở những tiểu phẩm, tiếng cười đó”.
Theo tiết lộ của diễn viên Thu Quỳnh, ban đầu, “Tốc độ” có một phiên bản khác tập trung nhiều hơn vào tâm lý nhân vật, ít tình huống hài. Tuy nhiên, ê-kíp nhận ra nếu cứ bi đát thì không thể làm khán giả lĩnh hội được các vấn đề muốn nói.
Do đó, kịch bản và cách dàn dựng phải thay đổi nhiều lần để cân đối giữa hài kịch, sâu lắng, kết hợp tuyên truyền sao cho mượt mà nhất.
Nữ diễn viên cũng cho hay, thông qua sự hài hước, dí dỏm của diễn viên, những cấu tứ của từng kịch mục, khán giả sẽ có những phút vui vẻ nhưng vẫn lưu được các thông điệp một cách nhẹ nhàng.
“Có khóc, có cười giúp người xem có thể nhận thức được tốt hơn những hậu quả của việc tham gia giao thông thiếu ý thức. Hệ lụy sẽ không chỉ cho người trong cuộc mà cả những người thân của bạn. Chúng tôi chỉ mong muốn đóng góp một phần để mong ý thức tham gia giao thông của người dân văn minh và tốt đẹp hơn”, Thu Quỳnh tâm sự.
“Nhu cầu di chuyển của con người là vô hạn, đừng để dừng lại đột ngột một cách vô nghĩa. Cả thế giới nằm trên những chiếc bánh xe. Khi lên xe, chọn tốc độ thế nào sẽ là vận mệnh của bạn và cả những người khác”, đạo diễn Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ.
Ở vai trò một khán giả mê kịch, luật sư Đào Ngọc Lý (Hà Nội) sau khi theo dõi chùm hài kịch cho biết, những vở kịch như “Tốc độ” rất quý để thức tỉnh mỗi người ý thức hơn, nghiêm túc và cẩn trọng hơn khi tham gia giao thông. Anh khen ngợi thông điệp mà tác phẩm truyền tải nhưng vẫn có điểm chưa hài lòng.
“Cách thể hiện có lúc hơi thái quá mang tới cảm giác nặng nề, nếu hài hơn nữa thì tốt. Tôi kỳ vọng tác phẩm có nghệ thuật cao hơn, sâu hơn để người xem có thể nhớ mãi, có thể thông qua giao thông để nói về cách ứng xử của mỗi con người”, anh cho hay.
“Tốc độ” là vở diễn được Bộ VH, TT&DL đặt hàng với các đơn vị nghệ thuật, để dàn dựng chương trình tuyên truyền về ATGT. Lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, theo kế hoạch, các suất diễn cho “Tốc độ” sẽ diễn thường xuyên từ nay tới Tết Nguyên đán, đồng thời mong muốn sẽ kết hợp cùng Ủy ban ATGT Quốc gia và các tỉnh, thành đưa chùm hài kịch đi lưu diễn, nhằm lan truyền thông điệp rộng rãi hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận