Việc này không chỉ khiến ùn tắc thêm trầm trọng mà còn gây ức chế tâm lý, thậm chí dễ xảy ra tranh cãi, xô xát giữa những người tham gia giao thông.
Ghi nhận của PV trên các tuyến đường phố trọng điểm của Hà Nội như: Nguyễn Trãi, Ngã Tư Sở, Lê Văn Lương, Láng... mặc dù tại một số nút giao đèn tín hiệu có lắp biển báo “Đèn đỏ được phép rẽ phải, chú ý nhường đường cho người đi bộ” nhằm tăng khả năng lưu thông, giảm bớt ách tắc nhưng nhiều người muốn rẽ phải tại nơi cho phép đành bất lực vì bị các chủ phương tiện phía trên dừng đèn đỏ đang chặn làn đường của mình. Để qua được các phương tiện đang chặn làn phía trên không ít ô tô, xe máy liên tục phải bóp còi inh ỏi. Việc bóp còi xin đường hay thể hiện sự phản ứng nhiều khi cũng không được các chủ phương tiện dừng sai làn “nhường” lại do phần diện tích bên cạnh đã “ken kín”.
Đơn cử gần đây trên đường Lê Văn Lương, dù có biển được phép rẽ phải và có vạch sơn kẻ rất rõ nhưng nhiều xe máy vẫn đỗ tràn hết làn rẽ. Chiếc ô tô 4 chỗ dù đã đi sát mép vỉa hè, căn chỉnh rất cẩn thận nhưng không may lái xe vẫn chèn vào giày của một người đi xe máy. Lập tức, người đi xe máy xuống xe, tháo mũ bảo hiểm và lao vào chiếc ô tô để đòi ăn thua đủ. Dù liên tục thanh minh việc mình đang được rẽ phải và đã rất cẩn thận nhích từng chút một, nhưng người lái xe máy vẫn bất chấp đúng sai quyết ăn thua đủ. Rất may, sau đó có CSGT và người xung quanh can ngăn nên không xảy ra xô xát lớn.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội), ở ngã tư có cắm biển báo hoặc tín hiệu cho phép rẽ phải và trên mặt đường có kẻ vạch liền, vạch mặt võng, thì làn bên phải chỉ dành cho rẽ phải, những người đứng chờ đèn đỏ lấn sang là phạm luật. Và lỗi này là lỗi không tuân thủ biển báo, tín hiệu và vạch kẻ đường. Với những hành vi không chấp hành vạch kẻ đường sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với ôtô, từ 60.000 - 80.000 đồng với xe máy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận