Đây là điều dễ hiểu khi lĩnh vực vận tải đã phải đối mặt với khó khăn suốt thời gian dài do dịch Covid-19.
Mức thưởng cao nhất lên tới 100 triệu
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2022, gần 50 cán bộ, công nhân thi công hầm Thung Thi lại bắt tay xây dựng kế hoạch làm xuyên Tết, quyết tâm đưa một trong những hạng mục phức tạp nhất dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 cán đích trước thời hạn.
Cán bộ, công nhân thi công hầm Thung Thi làm xuyên Tết, ngoài tháng lương thứ 13 còn được hưởng 300% lương thời gian từ ngày 27/12 - 5/1 Âm lịch
Ông Trương Công Đạt, Phó giám đốc điều hành thi công hầm Thung Thi cho biết, theo kế hoạch, Tập đoàn Đèo Cả sẽ duy trì 50% quân số mở hầm trong dịp Tết với thời gian thi công duy trì 24/7 gồm 3 ca.
Dịp Tết năm nay, người lao động làm việc xuyên Tết ngoài nhận tháng lương thứ 13 sẽ được tính 300% lương, còn lại đều nhận được tháng lương 13 kèm phần quà 1 triệu đồng và được bố trí xe đưa đón về quê ăn Tết/quay trở lại công trường.
Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Công ty Phương Thành) thông tin, đơn vị cố gắng đảm bảo lương thưởng tương đương năm 2021.
Với cán bộ kỹ sư, công nhân thấp nhất là 20 triệu đồng, cao nhất là 100 triệu đồng. Những lao động có thành tích xuất sắc sẽ được nhận thêm phần thưởng khích lệ.
Còn tại Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), ông Trần Công Tâm, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty cho biết, riêng lao động của Công ty mẹ, mức thưởng Tết là 5 triệu đồng/người, lương tháng thứ 13 (theo mức lương chức danh) và 1 triệu đồng/người tri ân gia đình cán bộ, nhân viên.
Tổng kinh phí chi trả cho người lao động dịp Tết Nguyên đán 2022 là khoảng 13,5 tỷ đồng. Với các cán bộ, kỹ sư, người lao động làm việc trong dịp Tết, ngoài chế độ tiền lương theo quy định, TEDI chi trả hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ngày.
Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long cũng cho biết, ngoài chế độ lương theo quy định, người lao động sẽ được thưởng tháng lương thứ 13, dao động từ 10 - 15 triệu đồng.
Đường sắt cố co kéo lo cho người lao động
Những ngày cuối tuần, ga Hà Nội nhộn nhịp hơn, bởi từ ngày 20/1, ngành Đường sắt chính thức bước vào chiến dịch vận tải Tết. Dù công việc nhiều hơn, nhưng anh Nguyễn Văn Phan, nhân viên điều độ ga Hà Nội lại thấy vui hơn, bởi “vất vả hơn nghĩa là có việc để làm”.
Anh Phan chia sẻ, năm qua do ảnh hưởng dịch, nhiều tháng không có tàu khách, lương người lao động đường sắt vốn đã thấp, lại càng thấp. Bản thân anh, dẫu làm đủ công cũng chỉ được khoảng 5 triệu đồng/tháng thực lĩnh.
Chị Nguyễn Thị Hoa, nhân viên phục vụ ăn uống trên tàu (Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội) chia sẻ, từ năm ngoái đến nay, tháng nào đi làm thì thu nhập của chị chỉ khoảng 3 - 3,2 triệu đồng, từ khi dịch bùng phát nghỉ việc. Trong khi chị đang phải điều trị bệnh ung thư giai đoạn I.
“Năm nay dù nghỉ việc tôi vẫn được tin đơn vị chi cho ít nhất 3 triệu đồng. Công đoàn cũng chuyển khoản 300.000 đồng tiền hỗ trợ dịp Tết... Đang lúc khó khăn thế này, được như vậy chúng tôi rất vui, thế là tết này có bánh chưng...», chị Hoa phấn khởi.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, dù khó khăn đơn vị vẫn quyết định chi tiền Tết bình quân 2 triệu đồng/người cho toàn bộ hơn 6.000 CBCNV Công ty Mẹ gồm cơ quan tổng công ty, các chi nhánh khai thác ga, các chi nhánh đầu máy... Các chi nhánh tùy thuộc nguồn quỹ lương còn lại để chi trả tiền Tết cho người lao động.
Ông Nguyễn Tất Thương, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội cho biết, ngoài khoản 2 triệu đồng từ Tổng công ty, đơn vị đã cân đối chi cho người lao động trung bình trên dưới 10 triệu đồng/người. “Đây là nguồn quỹ lương còn lại của năm 2021, cũng do tiết kiệm chi mới còn vậy”, ông Thương nói.
90% đơn vị ngành GTVT công bố lương, thưởng Tết
Lãnh đạo Công đoàn GTVT VN cho biết, qua khảo sát tình hình chăm lo lương, thưởng Tết cho người lao động, tình hình chung là nhiều đơn vị còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Trong đó, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không, khối vận tải và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nhất nên nhiều người lao động phải nghỉ việc không hưởng lương, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Các đơn vị đã thanh toán lương cơ bản đến tháng 12/2021 hoặc tạm ứng lương tháng 1/2022 như: Tổng công ty Cảng hàng không VN, Công ty CP Du lịch và tiếp thị GTVT...
Với các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, đời sống, việc làm người lao động được đảm bảo ổn định, dự kiến thưởng Tết bình quân từ 2,5 - 5 triệu đồng/người.
Khối sản xuất công nghiệp thanh toán lương đến tháng 12/2021, một số đơn vị khó khăn thanh toán lương đến tháng 11/2021 hoặc tạm ứng lương tháng 12/2021.
Các doanh nghiệp xây dựng phần lớn đã thanh toán lương đến tháng 12/2021 và tạm ứng lương đến tháng 1/2022; một số đơn vị khó khăn thanh toán lương đến tháng 11/2021 và tạm ứng lương tháng 12/2021. Dự kiến chi tiền Tết bình quân từ 1 - 3 triệu đồng/người.
Các doanh nghiệp quản lý và sửa chữa đường bộ, thanh toán lương đến tháng 12/2021, một số đơn vị tạm ứng lương đến tháng 1/2022; dự kiến thưởng Tết bình quân từ 2 - 4 triệu đồng/người.
“Đến nay, có trên 90% các đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện chăm lo Tết cho CNLĐ, các đơn vị có dự kiến tiền tết trung bình ở mức 2 triệu đồng/người”, đại diện Công đoàn GTVT VN thông tin.
Riêng đối với hoạt động chăm lo đoàn viên, người lao động dịp Tết của tổ chức công đoàn, Công đoàn GTVT VN đã có kế hoạch gửi các đơn vị triển khai sớm.
Ở cấp Công đoàn GTVT VN, đã trích nguồn Quỹ Từ thiện Công đoàn GTVT VN thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà tết 40 đơn vị, 1.104 cá nhân là CBCNVC-LĐ, cựu TNXP, cựu bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh với tổng kinh phí đến ngày 19/1/2022 là hơn 2,4 tỷ đồng.
Hàng không vẫn “im ắng”, đăng kiểm thưởng 1 tháng lương
Đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều thông tin liên quan đến việc thưởng Tết tại các doanh nghiệp hàng không. Hiện tại, mới có duy nhất Vietnam Airlines đã công bố mức thưởng Tết. Cụ thể, doanh nghiệp này quyết định chi tiền lương bổ sung cho CBNV tối đa 1,5 tháng lương/người; chi quỹ phúc lợi thêm 3 triệu đồng cho mỗi người lao động.
Lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) cho hay, để đảm bảo cân đối thu chi, quỹ tiền lương năm 2021, VATM phải tiếp tục cắt giảm 367 tỷ đồng so với thực hiện năm 2020 (chỉ đạt 64,6% so với thực hiện năm 2020 và đạt 47% so với quỹ lương thực hiện 2019). Bên cạnh các khoản như tiền thưởng, lương năng suất cho người lao động, các khoản chi mang tính phúc lợi khác không có nguồn chi trả.
Với lĩnh vực đăng kiểm, lãnh đạo Công đoàn Cục Đăng kiểm VN thông tin, các đơn vị đăng kiểm hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp đều hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu đề ra. Vì vậy, người lao động được thưởng Tết 1 tháng lương, bằng với năm trước.
Vận tải khách đường thủy không có thưởng
Trong lĩnh vực vận tải thủy, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN cho biết, các doanh nghiệp vận tải khách năm nay gặp khó khăn, không có doanh thu trả lương, thưởng ngày Tết cho người lao động.
Trong khi đó, lĩnh vực vận tải hàng hóa tiếp tục duy trì, có doanh thu. Hội Vận tải thủy nội địa VN có hơn 100 đơn vị thành viên là doanh nghiệp, hợp tác xã. Năm nay mức thưởng Tết trung bình ở các đơn vị vận tải hàng hóa ở mức 5 - 6 triệu đồng hoặc một tháng lương tối thiểu theo vùng.
Với khối doanh nghiệp bảo trì đường thủy, lãnh đạo một số đơn vị cho biết, mức thưởng Tết năm nay thấp nhất 1 triệu đồng hoặc 1 tháng lương.
Ông Trần Trọng Đức, Phó Chủ tịch Công đoàn Cục Hàng hải VN cho biết, với những đơn vị quản lý hành chính và sự nghiệp có thu trực thuộc Cục, ngoài tiền lương, các cán bộ, viên chức, người lao động còn có khoản thưởng Tết dự kiến hơn 6 triệu đồng/người. Công đoàn Cục cũng hỗ trợ các gia đình cán bộ, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với phần quà trị giá từ 2 - 3 triệu đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận