Lực lượng CSGT kiểm tra các phương tiện vi phạm chở quá tải trọng trên tuyến QL45 |
Tình trạng phương tiện chở vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi, xi măng…) quá tải trọng cho phép hoạt động nhộn nhịp trên các tuyến QL45, QL47, QL47C, QL1A, đường Hồ Chí Minh, tuyến Nghi Sơn - Bãi Trành, QL10, QL15A, QL15C, QL217; tỉnh lộ 515A, 515C, 506B, 51A, 518, 518B, 522; các tuyến đê tả, hữu sông Chu; các tuyến đường dẫn vào khu vực khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng... thuộc địa bàn các huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hoá, Tĩnh Gia, Triệu Sơn, Hoằng Hoá, Nông Cống, Đông Sơn, Yên Định, Thạch Thành, Hậu Lộc, TX Bỉm Sơn. Đa phần các phương tiện hoạt động ngoài giờ hành chính, ban đêm để né tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng. Tình trạng này diễn ra trong thời gian khoảng 3 tháng trở lại đây, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT và bức xúc trong dư luận.
Ghi nhận tại tuyến QL1, QL45, QL47, QL10 và QL217 (qua các huyện Nông Cống, Triệu Sơn, Hậu Lộc và Hà Trung), nhiều xe tải hạng nặng từ 3-4 chân thuộc các dòng xe như: Howo, Dongfeng, Cửu Long mang BKS: 36C-157.75; 36C-151.24; 36C.115.02; 36C-158.77... chở hàng đầy ắp, có dấu hiệu vi phạm về tải trọng. Mặc dù trên các tuyến đường thường xuyên có các chốt chặn của CSGT nhưng để không bị phạt, các phương tiện tìm “giờ vàng” hoặc lợi dụng lực lượng chức năng đang tiến hành xử lý phương tiện khác thì nhanh chóng đi qua.
Được biết, tính từ tháng 10 đến đầu tháng 12/2017, các lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý trên 4.000 phương tiện vi phạm. Trong đó, có 255 trường hợp vi phạm chở quá tải trọng, phạt tiền 2,2 tỷ đồng. Có 19 trường hợp vi phạm quá kích thước thành thùng xe với số tiền phạt trên 123 triệu đồng. |
Đại úy Tống Xuân Cường, Tổ trưởng Tổ TTKS giao thông trên tuyến QL47 (Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Thanh Hóa) cho biết, tình trạng các phương tiện chở hàng hóa, vật liệu xây dựng có dấu hiệu quá tải tái diễn gần đây. “Khi xử lý một phương tiện, các phương tiện khác tìm cách né tránh. Có hôm chúng tôi “phục” một xe chở cát từ 5h sáng nhưng đến 10h trưa cùng ngày mới bắt được vì tài xế tìm cách trốn đi đường khác để ra quốc lộ. Bắt được là một chuyện, xử lý lại càng khó khăn. Có những trường hợp khóa cửa xe bỏ đi, chống đối, chây ỳ, gọi điện cho người thân kéo dài thời gian xử lý đến cả tiếng đồng hồ”, Đại úy Cường cho hay.
Còn trên QL1, Trung tá Tống Thành Văn, Trạm trưởng Trạm CSGT QL1 cho hay, để chấn chỉnh và xử lý các vi phạm pháp luật về chở quá tải trọng, cơi nới thành thùng trên tuyến, đơn vị đã cắt cử 2 tổ chốt ở hai đầu tuyến QL1 và 1 tổ chuyên đề TTKS lưu động ở khu vực trọng điểm phía Nam Thanh Hóa (thuộc địa phận huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Ngoài ra, ngay trước cổng trạm có một tổ xử lý quá tải qua hệ thống cân cố định được Bộ Công an trang bị. Theo Trung tá Văn, từ ngày 1/1/2017 đến nay, Trạm CSGT QL1 đã chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch phương án, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, xử lý lập biên bản 2.400 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước gần 16 tỷ đồng và tước GPLX 512 trường hợp.
Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tá Lê Đức Thắng, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng CSGT Công an Thanh Hóa cho biết: Thời gian qua, Phòng CSGT đã chủ động triển khai các biện pháp đồng bộ, giao các Đội tuần tra tăng cường xử lý vi phạm đối với các phương tiện trên địa bàn toàn tỉnh. Quan điểm của Công an tỉnh Thanh Hóa là xử lý nghiêm, xử lý triệt để trong những tháng cuối năm 2017.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận