Doanh nghiệp

Thanh Hóa sẽ có nhà máy ô tô điện đầu tiên

23/05/2017, 11:24

Việt Nam chuẩn bị có nhà máy ô tô điện đầu tiên, đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa...

15

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện DiMora Enterprises, LLC, Mai Linh và các doanh nghiệp tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa ngày 18/5

Việt Nam chuẩn bị có nhà máy ô tô điện đầu tiên, đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa, công suất dự kiến 10.000 xe trong năm đầu tiên và hướng tới 50.000 xe/năm. Dự án SunSource trị giá 500 triệu USD này là của Tập đoàn DiMora Enterprises, LLC (Mỹ) liên doanh với Tập đoàn Mai Linh (Việt Nam).

Tối ưu công nghệ sản xuất siêu xe vào nhà máy tại Việt Nam

DiMora Enterprises LLC là doanh nghiệp xuất thân từ công nghệ và là một trong 5 nhà sáng lập về công nghệ ngôn ngữ cho máy tính siêu nhanh trên thế giới. Hiện, tập đoàn có 5 đơn vị thành viên, chuyên nghiên cứu, sản xuất siêu xe cho những khách hàng đẳng cấp nhất, trong đó có chiếc lên tới 15 triệu USD.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Alfred J. Dimora, nhà sáng lập DiMora Enterprises, LLC cho biết, dự án SunSource là nhà máy ô tô điện đầu tiên của tập đoàn trên toàn thế giới. Những thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm sản xuất siêu xe của tập đoàn sẽ được tối ưu hóa, ứng dụng cho nhà máy ô tô điện tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Thanh Hoá tối 18/5, UBND tỉnh Thanh Hoá, Tập đoàn DiMora Enterprises và Tập đoàn Mai Linh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư về việc xây dựng nhà máy sản xuất ôtô điện trị giá 500 triệu USD, đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Ông Alfred J. Dimora - sáng lập viên và CEO của DiMora Enterprises, LLC, là một nhà thiết kế, sản xuất và doanh nhân điển hình trong lĩnh vực công nghệ, ô tô. DiMora Enterprises, LLC đầu tư vào nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là sản xuất ô tô cao cấp, phát triển bất động sản, năng lượng mặt trời, điện thoại di động…

Chia sẻ về việc lựa chọn Việt Nam, cụ thể là Thanh Hóa làm điểm đến, ông Alfred J. Dimora kể, “lương duyên” từ việc Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh Hồ Huy chủ động tìm đến DiMora Enterprises, LLC để lựa chọn sản phẩm có công nghệ mới, tiết kiệm chi phí, thân thiện môi trường thay thế cho toàn bộ taxi của Mai Linh hiện nay. Lãnh đạo 2 tập đoàn đã nhanh chóng tìm được tiếng nói chung và đi đến quyết định hợp tác sản xuất, phân phối ô tô điện tại Việt Nam.

Sau quá trình tìm kiếm nơi đặt nhà máy, hai bên quyết định chọn Thanh Hoá bởi địa phương đáp ứng nhiều yêu cầu như hạ tầng (cảng biển, hàng không, đường bộ, đường sắt); nguồn nhân lực dồi dào, và đặc biệt là lãnh đạo địa phương đã rất năng động, không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho dự án của doanh nghiệp.

Thông tin về dự án này, ông Nick Jaksa, Chủ tịch SunSource Việt Nam cho hay, nhà máy có công suất dự kiến 10.000 xe trong năm đầu tiên, hướng tới đạt công suất 50.000 xe/năm.

Cũng theo ông Nick Jaksa, trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, doanh nghiệp đã nghiên cứu, tiếp xúc với nhiều đối tác, tìm kiếm cơ hội cung cấp linh, phụ kiện để tối đa hóa sản phẩm nội địa, cung cấp nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt quan tâm tới các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. “Với những yêu cầu Việt Nam chưa đáp ứng, chúng tôi sẽ tìm kiếm từ các nhà cung ứng trong khu vực, Bắc Mỹ, châu Âu. Song ngay cả khi đó, chúng tôi cũng hướng tới việc “kéo” họ vào Việt Nam và có lộ trình đào tạo, chuyển giao công nghệ để từng bước nâng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm, dịch vụ”, ông Nick Jaksa nói.

Nhiều sự lựa chọn cho người dùng

Về thị trường đầu ra, Chủ tịch SunSource Việt Nam Nick Jaksa cho biết, sản phẩm sản xuất ra trong 1-2 năm đầu sẽ cung cấp cho Tập đoàn Mai Linh để thay thế toàn bộ 20.000 xe taxi hiện nay của tập đoàn. Hướng tới, trong vòng 2-4 năm tới, SunSource sẽ mở rộng thị trường vận tải chạy bằng điện, cung cấp cho người tiêu dùng tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực.

Về giá bán sản phẩm, ông Nick Jaksa cho hay, dù chưa thiết lập mức giá cụ thể, song mục tiêu đầu tiên của doanh nghiệp là phải đảm bảo cạnh tranh. Một số thông số kỹ thuật khác như tốc độ tối đa, tuổi thọ ắc quy cũng còn khá sớm để công bố cụ thể, song theo ông Nick Jaksa, doanh nghiệp sẽ có nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, theo những nhu cầu khác nhau và mức giá khác nhau. Ví dụ, sẽ có những chiếc xe có tuổi thọ ắc quy bền, phù hợp chặng đi dài. Với những người thường đi chặng ngắn có thể lựa chọn loại có tuổi thọ ắc quy thấp hơn. Song đi kèm với đó, nhà sản xuất cũng cung cấp phương án sạc nhanh, chẳng hạn có thể vào một quán cà phê sạc một lúc là đầy và tiếp tục sử dụng.

“Điểm chúng tôi quan tâm là mang đến công nghệ mà mục tiêu số 1 là bảo vệ người sử dụng phương tiện cũng như bảo vệ những người tham gia giao thông bằng việc tối ưu hoá các phương án đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn”, ông Nick Jaksa nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.