Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Mở rộng lĩnh vực thanh tra
Chiều nay (6/1), Thanh tra Bộ GTVT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, năm 2020 dù phải đối mặt với nhiều điều kiện khó khăn, thách thức, song Thanh tra Bộ GTVT đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
“Quan trọng nhất là Thanh tra Bộ GTVT đã hoàn thành kế hoạch thanh tra được Bộ GTVT phê duyệt và các công việc đột xuất do lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo”, Bộ trưởng nói.
Trong năm qua, ở cấp lãnh đạo Thanh tra Bộ GTVT có sự thay đổi về nhân sự, nhưng theo đánh giá của người đứng đầu ngành GTVT, cơ quan này vẫn cơ bản ổn định được tổ chức, nội bộ có sự đoàn kết thống nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Thanh tra Bộ cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thanh tra GTVT; Tiếp tục xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Thanh tra Bộ GTVT,…
“Biên chế có hạn, trang thiết bị còn thiếu thốn nhưng Thanh tra Bộ GTVT đã vượt khó để hoàn thành các nhiệm vụ. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực lớn của tập thể Thanh tra Bộ GTVT”.
“Xét ở góc độ chuyên môn, việc gì khó ở các cơ quan khác thuộc Bộ, chúng tôi đều chuyển xuống Thanh tra Bộ GTVT tiến hành kiểm tra, yêu cầu báo cáo hoặc đề xuất thanh tra để có sự uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời, không để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng”, Bộ trưởng nói.
Cơ bản thống nhất với phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của Thanh tra Bộ GTVT, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý, cơ quan này cần rà soát lại kế hoạch thanh tra năm 2021 nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả cả về số lượng và chất lượng các cuộc thanh tra.
“Lĩnh vực giao thông vận tải rất rộng, nếu thanh tra chuyên ngành chỉ tập trung vào 1-2 lĩnh vực là không được. Do đó, cần thiết phải mở rộng lĩnh vực của hoạt động thanh tra, chẳng hạn thanh tra công tác bảo trì đường bộ, duy tu nạo vét đường thủy, hàng hải,… Cần mở rộng thanh tra ở cả 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa”, Bộ trưởng nói và cho biết, trong công tác thanh tra hành chính, tiếp nhận phản ánh của công dân, Thanh tra Bộ GTVT cũng phải tập trung xử lý kịp thời để đáp ứng yêu cầu của người dân.
“Thanh tra Bộ GTVT phải chọn một số vấn đề mới để tiến hành thanh tra, kế hoạch thanh tra phải xây dựng có trọng tâm, trọng điểm và cần triển khai ngay từ đầu. Thanh tra phải thể hiện tính nhân văn để giúp đồng chí của mình, các cơ quan, đơn vị trong ngành chấn chỉnh kịp thời, không phải thanh tra là để xử lý cán bộ. Do đó, khi tổ chức thanh tra sớm sẽ góp phần phòng ngừa các sai phạm có thể xảy ra”, Bộ trưởng lưu ý.
Ông Lâm Văn Hoàng, ChánhThanh tra Bộ GTVT cho biết, năm 2021, Thanh tra Bộ GTVT sẽ tiếp tục tăng cường tham mưu xây dựng các nội dung kiểm tra nội bộ có tính chất phòng ngừa đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ sai phạm, tiêu cực như kiểm tra công tác chuẩn bị và triển khai thi công xây dựng công trình đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam
Năm 2021, kiểm tra công tác thi công cao tốc Bắc - Nam
Trước đó, ông Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, năm 2020, Thanh tra Bộ GTVT đã thực hiện 24 cuộc thanh tra, kiểm tra, gồm: 10 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và 14 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đạt 100% kế hoạch.
Thanh tra Bộ GTVT đã ban hành hoặc tham mưu Bộ GTVT ban hành 13 kết luận thanh tra, kiểm tra và một số văn bản chỉ đạo. “Qua kết luận thanh tra kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 663 triệu đồng, giảm trừ giá trị thanh toán trên 338 triệu đồng; tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan”, ông Hoàng thông tin.
Trong năm qua, Thanh tra Bộ GTVT tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 cơ sở đào tạo lái xe (trong đó có 7 cơ sở bị đình chỉ tuyển sinh), 6 đơn vị kinh doanh vận tải, 6 đăng kiểm viên (6 đăng kiểm viên bị đình chỉ hoạt động kiểm định),…
Về công tác thanh tra chuyên ngành do lực lượng thanh tra chuyên ngành GTVT trên toàn quốc thực hiện, năm 2020, các đơn vị đã thực hiện 62.758 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt 62.610 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt trên 208,3 tỷ đồng,…
“Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đơn thư được phân loại, xử lý kịp thời, dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài. Công tác phòng chống tham nhũng được chú trọng thực hiện”, ông Hoàng nói và dẫn chứng, trong năm 2020, Thanh tra Bộ GTVT tiếp nhận và xử lý 496 đơn thư, gồm: 64 đơn khiếu nại, 143 đơn tố cáo, 289 đơn kiến nghị, phản ánh,…
Đề cập đến công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2021, ông Hoàng cho biết, đối với công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, Thanh tra Bộ GTVT sẽ bám sát các nội dung định hướng xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu quản lý của Bộ GTVT.
Trong năm 2021, Thanh tra Bộ GTVT sẽ giảm số cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ chủ trì (giảm khoảng 40% so với kế hoạch các năm trước) để tập trung nguồn lực thực hiện công tác kiểm tra mang tính phòng ngừa và các nhiệm vụ đột xuất do lãnh đạo Bộ GTVT giao.
“Thanh tra Bộ GTVT sẽ tiếp tục tăng cường tham mưu xây dựng các nội dung kiểm tra nội bộ có tính chất phòng ngừa đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ sai phạm, tiêu cực như kiểm tra công tác chuẩn bị và triển khai thi công xây dựng công trình đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam”, ông Hoàng chia sẻ.
Đặc biệt, trong năm nay, Thanh tra Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh việc giao những nội dung thanh tra chuyên ngành mà lực lượng Thanh tra các Sở GTVT, Tổng cục Đường bộ VN, các cục có thể đảm đương được. “Thanh tra Bộ sẽ chủ trì những nội dung thanh tra toàn diện, chuyên sâu, có tính lan tỏa, thể hiện rõ vai trò bao quát, định hướng của Thanh tra Bộ GTVT”, ông Hoàng nói và cho biết, trong năm 2021, Thanh tra Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.
Trong năm 2021, Thanh tra Bộ GTVT cũng sẽ tập trung xây dựng kế hoạch thanh tra đối với công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trong các lĩnh vực đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa,… trọng tâm là những vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức quản lý, xây dựng kế hoạch phân bổ và tính hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận