Dự án đã được Thanh tra Bộ KH&ĐT, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Bộ GTVT tiến hành thanh tra, kiểm toán |
Cụ thể, dự án được Thanh tra Bộ KH&ĐT ban hành kết luận thanh tra số 421 ngày 16/1/2017, Kiểm toán Nhà nước ban hành báo cáo kiểm toán ngày 29/9/2017 và Thanh tra Bộ GTVT ban hành kết luận thanh tra số 15 ngày 9/1/2018.
Đầu tư dự án tuân thủ quy định hiện hành
Trong các kết luận thanh tra, kiểm toán các cơ quan có thẩm quyền đều đánh giá dự án BOT Cai Lậy triển khai thực hiện đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ quy định của pháp luật; dự án đầu tư bằng hình thức BOT là cần thiết và phù hợp với quy định hiện hành; công trình mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội.
Cụ thể, tại báo cáo kiểm toán ngày 29/9/2017, Kiểm toán Nhà nước khẳng định: Việc đầu tư xây dựng mới truyến tránh Cai Lậy và cải tạo nâng cấp mặt đường QL1 đoạn qua TX.Cai Lậy đã bị hư hỏng xuống cấp (41% diện tích mặt đường) theo hình thức hợp đồng BOT là cần thiết và phù hợp với sự phát triển giao thông, KT-XH của các tỉnh Tây Nam bộ nói chung và TX.Cai Lậy nói riêng; phù hợp với chủ trương thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách của Nhà nước quy định tại Điều 1, Nghị định 24 ngày 5/4/2011 của Chính phủ.
“Dự án hoàn thành đi vào khai thác sẽ góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp vận tải, chỉnh trang hệ thống giao thông trong khu vực, đảm bảo ATGT trên tuyến”, Kiểm toán Nhà nước đánh giá.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, trong điều kiện nguồn lực ngân sách Nhà nước huy động cho các công trình kết cấu hạ tầng ngày càng hạn chế, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là một chủ trương đúng đắn nhằm huy động nguồn lực tài chính từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, doanh nghiệp góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển KT-XH, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Đánh giá về tính kinh tế của dự án BOT Cai Lậy, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh: Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, đơn vị tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan đã có sự phối hợp, áp dụng các biện pháp quản lý cần thiết, đồng bộ để đảm bảo quản lý vốn đầu tư, chi phí đầu tư cơ bản đảm bảo tính kinh tế. “Lãi suất vay thực tế phát sinh trong thời gian xây dựng từ 10 - 10,7%/năm nhỏ hơn lãi suất xác định tại hợp đồng BOT (11%/năm) là một yếu tố làm tăng tính kinh tế của dự án”, báo cáo kiểm toán nêu rõ.
Liên quan đến quá trình thực hiện đầu tư dự án, tại kết luận 421 ngày 16/1/2017, Thanh tra Bộ KH&ĐT cho biết: Công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án được thực hiện theo trình tự quy định, công tác triển khai thực hiện dự án có nhiều cố gắng.
Dự án đã lắp đặt xong hệ thống thu giá tự động không dừng, dự kiến cuối tháng 5/2018, công trình sẽ hoàn thành công tác quyết toán |
Vẫn còn tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, qua quá trình thanh tra, kiểm toán, các cơ quan liên quan cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng dự án BOT Cai Lậy.
Trong đó, Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư khi báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt (sau 3 tháng mới phê duyệt) là chưa phù hợp với quy định; tiến độ thực hiện dự án bị chậm làm giảm tính kinh tế của dự án do chậm hoàn thành, đưa vào khai thác, thu giá dịch vụ hoàn vốn, kéo dài vòng đời dự án BOT,…
Thanh tra Bộ KH&ĐT cũng nêu rõ tồn tại của dự án là phê duyệt quyết định đầu tư trước khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa kịp thời đôn đốc, kiểm tra nhà đầu tư trong việc góp vốn theo cam kết; dự án bị chậm tiến độ hoàn thành,…
Theo quyết định phê duyệt đầu tư của Bộ GTVT, dự án xây dựng công trình QL1 đoạn tránh TX Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000 có tổng chiều dài 38,5km, với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu hơn 1.398 tỷ đồng. Dự án gồm hai hợp phần: Hợp phần 1 - Cải tạo, tăng cường mặt đường QL1 dài 26,4km, sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến; Hợp phần 2 - Xây dựng tuyến tránh TX Cai Lậy dài 12,1km và xây dựng 7 cầu (trong quá trình triển khai thực hiện có 2 cầu chuyển thành cống để đảm hiệu quả đầu tư theo đề nghị của địa phương). Vị trí trạm thu giá dịch vụ để hoàn vốn đặt tại khoảng Km 1999+900, QL1 nằm trong phạm vi đầu tư dự án.
Cuối tháng 5/2018, dự án hoàn thành quyết toán Theo thông tin từ Bộ GTVT, hiện nay, dự án BOT Cai Lậy đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống thu giá tự động không dừng để đảm bảo minh bạch, công khai trong quá trình thu giá và tạo thuận lợi cho các phương tiện lưu thông. Bộ GTVT cũng cho biết, dự kiến, cuối tháng 5/2018, dự án sẽ hoàn thành công tác quyết toán để xác định chi phí thực tế đầu tư, làm cơ sở xác định thời gian hoàn vốn công trình. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận