Chính trị

Tháo gỡ “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”

Phát biểu trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế chính là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn".

Trao đổi với Báo Giao thông, ĐBQH Phạm Văn Thịnh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc đổi mới tư duy lập pháp ở thời điểm này là rất cấp thiết, tạo động lực đưa đất nước bứt phá.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”- Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh.

Quy định chồng chéo gây lãng phí nguồn lực

Thời gian qua, một số luật mới ban hành đã phải sửa, nhiều quy định còn chồng chéo, khó thực thi… gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Ông có thể dẫn chứng một vài ví dụ cụ thể?

Quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn được thể hiện cụ thể tại Báo cáo số 587 ngày 20/10/2023 của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật trình tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV với 18 lĩnh vực có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc.

Thực tiễn phát triển thường đi trước, các quy định luật pháp không phải lúc nào cũng theo kịp nên việc hoàn thiện pháp luật là công việc thường xuyên, liên tục.

Chẳng hạn, trong quản lý sử dụng tài sản công, có nhiều công trình thể thao, văn hóa như sân vận động cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia, nhà thi đấu các cấp, trung tâm triển lãm, hội trường, nhà hát, bảo tàng… có công suất sử dụng rất thấp, thậm chí còn bỏ hoang, trong khi nhu cầu của người dân lớn.

Hay trong sử dụng nguồn vốn đầu tư công, rõ ràng xét theo các tiêu chí hiệu quả về chi phí, thời gian thi công, chất lượng công trình thì còn nhiều vấn đề. Ví dụ, công trình quy mô khoảng 3.000 tỷ đồng, nếu đầu tư công làm 10 năm chưa xong, trong khi tư nhân họ làm chỉ một năm là xong, sau 10 năm đã thu hồi đủ vốn để làm tiếp công trình khác.

Đó chính là dấu hiệu cho thấy quy định cũng như việc thực thi còn vướng mắc, gây lãng phí nguồn lực rất lớn.

Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Thủ tục hành chính cũng được đánh giá còn rườm rà, theo ông vì sao chúng ta cải cách mãi mà vẫn chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân do đâu?

Có ba yếu tố để đảm bảo thành công cải cách thủ tục hành chính. Đầu tiên là quyết tâm chính trị cần phải rõ ràng, cụ thể, có mục tiêu và đưa ra các nguyên tắc.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”- Ảnh 2.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

Hai là, phải chuyển đổi số toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Đây là phương thức bắt buộc nếu muốn thành công.

Thứ ba là dựa vào người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan dân cử để đánh giá, nêu sáng kiến, giám sát và thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính.

Thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính đã có những bước tiến đáng ghi nhận, song như đã thấy, vẫn còn nhiều bất cập, chưa bền vững, chưa dễ giám sát, đánh giá.

Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi cải cách thủ tục hành chính phải mạnh mẽ hơn nữa.

Ông nhìn nhận thế nào về khâu tổ chức thực thi pháp luật, chính sách? Việc phân cấp, phân quyền đã triệt để, đã rõ trách nhiệm chưa?

Quy định của pháp luật đã khá đầy đủ nhưng có nơi không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ; hoặc có nơi làm tốt, có nơi không làm tốt, thậm chí không làm được. Hoặc khi triển khai thực hiện phát sinh vướng mắc nhưng không tháo gỡ hoặc không báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền phương án tháo gỡ.

Nói vướng mắc quy định nhưng đôi khi không đi đến tận cùng. Việc thực thi pháp luật yếu còn liên quan mật thiết đến quy định về phân cấp, phân quyền. Nếu phân cấp, phân quyền khoa học thì hiệu lực của chính sách, quy định pháp luật sẽ được nâng cao.

Phân cấp, phân quyền phải bám sát các nguyên tắc như: Việc gì cấp dưới có khả năng làm thì phân cấp; Chuyển tối đa các thủ tục từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Việc phân cấp, phân quyền đã được thực tiễn chứng minh là tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 vừa qua, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Vì vậy, ngay từ bây giờ, việc thiết kế mới hoặc rà soát, chỉnh sửa các chính sách, quy định của hệ thống pháp luật cần bám sát nguyên tắc phân cấp, phân quyền theo đúng tinh thần này.

Phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát

Để đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", theo ông chúng ta cần phải làm gì?

Mục đích cuối cùng của công tác lập pháp là phải đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, phục vụ xã hội phát triển, hướng đến các giá trị tốt đẹp, không làm cản trở phát triển.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”- Ảnh 3.

Để đảm bảo thành công cải cách thủ tục hành chính, ngoài việc đưa ra các nguyên tắc cụ thể, cần chuyển đổi số toàn bộ quy trình giải quyết (ảnh minh họa).

Vì vậy, khi đã phát hiện bất cập thì cần sửa ngay, không nên vì lý do mới ban hành nên không sửa hay đợi thời gian để tổng kết rồi mới sửa.

Thứ hai là cần duyệt kỹ mục tiêu (các mục tiêu cụ thể) của văn bản pháp luật dự kiến ban hành; sau đó mới đến thể hiện bằng ngôn ngữ luật. Điều này giúp đảm bảo kiểm soát được mục tiêu của văn bản pháp luật ngay từ đầu và trong quá trình soạn thảo; giữ được tính logic, hệ thống của vấn đề trong suốt quá trình xây dựng.

Ngoài ra, việc tách bạch hai khâu này cũng giúp chuyên môn hóa đội ngũ dự thảo ngôn ngữ luật, đảm bảo chất lượng thuật ngữ luật trong văn bản luật.

Về việc từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, pháp luật phải thúc đẩy với những gì đem lại giá trị tích cực cho cộng đồng, cho người dân, dù khó quản lý cũng không nên cấm. Còn với những gì có tác động xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến người dân và cộng đồng thì đương nhiên phải cấm.

Theo ông, làm thế nào để các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài, thay vì vừa ban hành đã sửa?

Như Tổng Bí thư đã gợi mở, luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, những vấn đề cụ thể giao Chính phủ, địa phương quy định.

Quốc hội cũng cần có quy định mang tính nguyên tắc để kiểm soát, định hướng nội dung nghị định, thông tư theo hướng đảm bảo quyền và lợi ích của công dân, tổ chức không bị thu hẹp, không bị ảnh hưởng so với quy định tại luật.

Theo ông, để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cơ chế giám sát chặt chẽ cần được đặt ra thế nào?

Nếu được, Trung ương có thể có một kết luận nêu những yêu cầu, nguyên tắc trong phân cấp, phân quyền, trách nhiệm người đứng đầu, phương thức kiểm tra giám sát của cơ quan cấp trên, dựa vào nhân dân giám sát, phản biện để thể hiện đầy đủ các quan điểm trong quản lý Nhà nước và quản trị quốc gia.

Văn bản đó sẽ là căn cứ chính trị quan trọng để Quốc hội, Chính phủ và các địa phương xây dựng, rà soát, chỉnh sửa các văn bản pháp luật liên quan đến đổi mới quản lý.

Khi đó việc phân cấp, phân quyền sẽ được thường xuyên cải tiến, đảm bảo đồng bộ và đi cùng với cơ chế giám sát của cấp trên, của nhân dân và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Cảm ơn ông!

ĐBQH Trần Công Phàn (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia VN):

Chú trọng đánh giá tác động của luật

Tháo gỡ “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”- Ảnh 4.

Quốc hội là cơ quan làm luật, nhưng chỉ quy định những vấn đề nguyên tắc, định hướng. Để hoàn thiện, cần có sự vào cuộc của các cấp, ban hành văn bản hướng dẫn, giải thích.

Chúng ta cần phản ứng linh hoạt hơn trong xây dựng pháp luật. Có thể luật đúng rồi nhưng hướng dẫn, giải thích chưa đồng bộ dẫn đến hiểu luật chưa thống nhất.

Nếu như mọi thứ đều quy định trong luật thì việc sửa đổi sẽ khó linh hoạt, còn nếu quy định chi tiết ở các văn bản dưới luật, việc sửa đổi, bổ sung có thể nhanh và dễ hơn. Tất nhiên, văn bản hướng dẫn phải tuân theo luật.

Tôi cho rằng, trong xây dựng pháp luật cần chú trọng việc đánh giá tác động. Để thực hiện điều này đội ngũ làm luật phải chuyên nghiệp và chuyên môn hóa. Họ vừa phải am hiểu về pháp luật và phải có chuyên môn. Vì thế, số đại biểu Quốc hội chuyên trách cần tăng hơn nữa.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội):

Luật không cần quá dài

Tháo gỡ “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”- Ảnh 5.

Luật chỉ nên quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài và nguyên tắc này cần được thực hiện hiệu quả từ khi còn đang soạn thảo. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành.

Đồng thời, cần thường xuyên đánh giá hiệu quả chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.