Ngày 6/5, tại Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố 8 tỉnh trong khu vực.
Hệ thống giao thông chưa tương xứng
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của cả nước. Đến nay, TP.HCM vẫn đang là địa phương đóng góp ngân sách nhiều nhất, là “đầu tàu” của nền kinh tế trọng điểm của vùng. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng mặc dù được cải thiện nhưng thiếu đồng bộ. Việc kết nối giao thông của các tỉnh trong vùng vẫn chưa được sự hỗ trợ và đồng thuận cao.
Để kết nối giao thông các tỉnh, thành trong vùng đã thành lập Tổ điều phối kết nối giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2016 – 2020. Đến nay, nhiều dự án đã, đang được phối hợp triển khai gồm nhiều tuyến đường kết nối gồm: Vành đai 3, Vành đai 4 – TP.HCM, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, QL22, đường Trần Đại Nghĩa, cầu Cát Lái…
“Trung ương cần tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm. Tập trung vốn cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống logistics trong vùng, có sự kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh”, ông Phong kiến nghị.
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối đang trở nên rất cấp thiết, đặc biệt trên địa bàn tỉnh đang triển khai dự án CHK quốc tế Long Thành.
“Trước mắt, kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối liên vùng để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội như: cao tốc Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Liên Khương, Phan Thiết – Dầu Giây, mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Sớm triển khai hệ thống đường vành đai, kéo dài tuyến đường sắt đô thị từ TP.HCM đến Bình Dương và TP Biên Hòa, hệ thống cảng biển nhóm 5 nhằm kết nối có hiệu quả với CHK Long Thành”, ông Thái nói.
Tập trung mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, hiện hệ thống hạ tầng giao thông vẫn đang là “điểm nghẽn” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, trong tương lai, nếu không đầu tư đúng mức cho hệ thống giao thông thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng sẽ giảm dần và đi đến giai đoạn gặp nhiều khó khăn. Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải chuẩn bị được mở rộng đáp ứng 50 triệu lượt hành khách/năm, sân bay Côn Đảo cũng không thể đáp ứng được những máy bay loại lớn… Riêng sân bay quốc tế Long Thành, hiện Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp vào cuối năm về dự án để có khởi công đúng tiến độ vào cuối năm 2020.
Hiện nay hệ thống cảng biển tương đối phát triển nhưng chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển. Cụ thể như cụm cảng Cái Mép – Thị Vải hoạt động tương đối tốt nhưng giao thông kết nối chưa tốt. Một số cảng ở Đồng Nai, Bình Dương đang quá tải cần phải sắp xếp lại để làm sao phát triển tốt hệ thống cảng biển. Hệ thống vận tải biển cùng với hàng không phát triển sẽ thu hút nhà đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực. Về đường thủy nội địa, Bộ GTVT đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu 2 dự án kết nối hệ thống vận tải biển, đường thủy giữa TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Về giao thông đường sắt, Bộ đang trình dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam nếu được Chính phủ và Quốc hội chấp thuận sẽ triển khai.
Riêng đường sắt tuyến TP.HCM – Cần Thơ đang lựa chọn các phương án để báo cáo Chính Phủ thông qua triển khai. Hiện giao thông đô thị khu vực vùng đang quá tải, nếu giao thông tắc nghẽn là cản trở lớn cho sự phát triển của khu vực. Để giải quyết vấn đề giao thông Bộ GTVT đang phối hợp với địa phương triển khai các dự án đường vành đai.
“Ngoài các dự án cao tốc thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam đã và đang sắp triển khai, còn 3 tuyến cao tốc cần phải triển khai gồm Biên Hòa – Vũng Tàu, TP.HCM – Tây Ninh, TP.HCM – Chơn Thành cùng với các đường vành đai nếu không sớm triển khai sẽ tiếp tục là điểm nghẽn lớn của vùng. Chúng tôi ủng hộ các kiến nghị của địa phương. Để thực hiện phải tập trung các nguồn lực, sự quan tâm của Trung ương và huy động nguồn vốn địa phương, xã hội hóa… để đồng bộ hệ thống giao thông”, Bộ trưởng Thể nói.
Cùng chung quan điểm, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng bên cạnh những thành quả đạt được, vùng kinh tế trọng điểm còn tồn tại nhiều vướng mắc, hạn chế. Một trong những điểm nghẽn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần được khắc phục là hệ thống giao thông còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chưa phát huy tiềm năng lợi thế, thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa các địa phương trong vùng.
Bộ trưởng Dũng dẫn chứng các tuyến đường liên vùng, hướng tấm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không (CHK) và các cửa khẩu quốc tế chưa hoàn chỉnh. Mạng đường sắt đầu mối chưa phát triển, chưa có đường sắt tốc độ cao. Đến nay vẫn chưa hình thành được các trung tâm logistic, cảng cạn có quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng, đặc biệt là cho các trung tâm sản xuất, tiêu thụ, tiếp nhận hàng hóa lớn như: TP.HCM. Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai.
“Tình trạng quá tải diễn ra cả giao thông đô thị và trên một số tuyến đường bộ, CHK, cảng biển và đường thủy nội địa. Các hành lang vận tải tuy đã được đầu tư nhưng tổ chức vận tải chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển toàn Vùng. Đây chính là điểm nghẽn sự phát triển kinh tế xã hội toàn vùng nếu không sớm được cải thiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được của các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, việc phát triển cần đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Cần phát triển mạnh mẽ đô thị thông minh, đô thị sân bay cùng với phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực này. Về vấn đề thu nộp ngân sách, Thủ tướng giao Bộ Tài chính cần xây dựng và điều chỉnh cho phù hợp tương ứng với vai trò đóng góp của từng tỉnh, thành phố… tạo nguồn lực cho địa phương đầu tư phát triển hạ tầng.
Bộ GTVT tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hóa hệ thống giao thông các dự án trọng điểm tạo sự lan tỏa liên kết vùng như: các tuyến đường vành đai, các trục đường hướng tâm, các tuyến đường kết nối cảng biển. Ngoài nguồn vốn Nhà nước cần phải thu hút vốn đầu tư bằng các tranh thủ nguồn vốn ODA, PPP… , các nguồn vốn khác để đầu tư hạ tầng để phát triển đô thị đảm bảo công khai minh bạch.
“Đối với các dự án trọng điểm quốc gia như dự án CHK quốc tế Long Thành phải khởi công cho bằng được cuối năm 2020, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận phải khánh thành trong năm 2021. Đây là tuyến cao tốc huyết mạch kết nối miền Tây – miền Đông được Quốc hội, Chính phủ thời gian qua hết sức quan tâm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận