"Thổi giá, lùa gà, úp sọt"
Đây là các bước tinh vi trong kịch bản mà ông Trịnh Văn Quyết với tư cách là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) đã kỳ công xây dựng để thao túng giá chứng khoán chính cổ phiếu FLC để thu lợi.
Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì thao túng chứng khoán
Theo thông tin ban đầu, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã làm rõ, hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết được thực hiện từ đầu tháng 12/2021 đến 10/1/2022, phiên giao dịch ông Quyết đã bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC.
Theo kịch bản tinh vi mà ông Quyết đã vẽ ra, cá nhân này đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên CTCP Chứng khoán BOS (một công ty trong hệ sinh thái FLC) và các công ty con của FLC sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu FLC.
Cụ thể, những cá nhân này đã thông đồng sử dụng các tải khoản trên để liên tục mua và bán cổ phiếu FLC với tần suất dày đặc để tạo cung cầu giả. Trong 28 phiên giao dịch trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022, số lượng đặt mua chiếm 12% và số lượng đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng thị trường.
Dưới tác động của các lệnh mua bán dày đặc nói trên, giá cổ phiếu FLC đã tăng liên tục từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu lên gần gấp đôi là 24.000 đồng/cổ phiếu, trong đó nhiều phiên tăng trần.
Sau khi giá cổ phiếu tăng cao, Chủ tịch Tập đoàn FLC đã chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu. Trong đó, tổng số cổ phiếu FLC nhóm ông Quyết bán ra đã khớp lệnh thành công là 74,8 triệu đơn vị, giá trung bình là 22.500 đồng/cổ phiếu.
Toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu này đã được bán "chui", không công bố công khai trước khi thực hiện giao dịch theo quy định.
Tổng số tiền mà ông Trịnh Văn Quyết và nhóm làm giá thu về là gần 1.700 tỷ đồng, số tiền hưởng lợi bất chính là hơn 530 tỷ đồng.
Kịch bản dùng nhiều tài khoản để mua đi bán lại tạo cung cầu giả, thổi giá chứng khoán trước đó cũng đã được nhiều đối tượng sử dụng để thao túng giá chứng khoán chiếm lợi bất chính.
Mới nhất, ngay trong thời gian ông Trịnh Văn Quyết thao túng giá chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ra quyết định phạt hành chính hai cá nhân thao túng giá cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (mã chứng khoán: TTB).
Hai cá nhân này là Dương Thanh Xuân (Thái Nguyên) và Nguyễn Thành Nam (Bắc Giang) đã cùng sử dụng 102 tài khoản để mua đi bán lại cổ phiếu TTB nhằm tạo cung cầu giả, đẩy giá cổ phiếu sau đó bán ra. Hai cá nhân này đã bị phạt hành chính 600 triệu đồng mỗi người.
Lỗ hổng ở đâu?
Ngoài xử phạt hành chính, cá nhân thao túng thị trường chứng khoán có thể bị phạt hình sự. Ảnh minh hoạ
Ngoài quy định về xử phạt hành chính quy định trong Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng có quy định xử phạt nặng đối với hành vi thao túng giá.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã không làm tốt nhiệm vụ giám sát thị trường chứng khoán.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng phải có trách nhiệm về hành vi thao túng thị trường chứng khoán nếu để xảy ra vụ việc.
Ông Hải cũng đề nghị phải thay đổi cơ chế điều hành của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tăng cường hơn nữa công tác giám sát và thanh tra thị trường chứng khoán.
Cụ thể, theo Điều 221 quy định cá nhân hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội "Thao túng thị trường chứng khoán".
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật ANVI, cho biết về cơ bản các quy định pháp luật hiện nay đã “lấp” được các lỗ hổng trên thị trường.
“Trước đây Nghị định quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Sau đó, Luật Hình sự quy định thêm tội danh “Thao túng giá chứng khoán”, nay mở rộng thành “Thao túng thị trường chứng khoán” trong đó mô tả rõ nét nhiều hành vi vi phạm”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Với trường hợp của Trịnh Văn Quyết, ông Đức cho rằng, khả năng thứ nhất ông Quyết sẽ bị phạt tù 7 năm vì hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”; Khả năng hai là 12 năm tù nếu thêm tội “Che dấu thông tin giao dịch chứng khoán” theo Điều 209 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp nếu có thêm tội danh khác nữa, ông Quyết sẽ chịu hình phạt cao hơn.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết nhiều nước trên thế giới xử phạt tội thao túng chứng khoán rất mạnh tay. Ông Truyền lấy ví dụ, tại Mỹ nếu các cá nhân phạm tội thao túng chứng khoán có thể bị phạt tù đến 20 năm, phạt hành chính lên đến 5 triệu USD.
Chiếu với mức xử phạt tại Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, ngoại trừ việc xử lý hình sự, số tiền phạt hành chính vài tỷ đồng còn khá khiêm tốn so với số tiền thu lợi bất chính nếu thao túng chứng khoán trót lọt.
Do đó, Luật sư Truyền đề xuất cân nhắc nâng mức xử phạt hành chính theo phần trăm tổng số tiền dùng để thao túng giá cổ phiếu để tăng tính răn đe.
Mặc dù quy định về cơ bản đã khá đầy đủ, song theo Luật sư Trương Thanh Đức vẫn phải tăng tính giám sát thị trường, bởi có quy định nhưng giám sát không chặt, không phát hiện được hành vi vi phạm thì sẽ vẫn còn nhiều vụ việc thao túng giá chứng khoán.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận