Vận tải

Thấy gì sau 1 tuần tổng kiểm tra xe vận tải?

22/08/2023, 06:19

Sau 1 tuần tổng kiểm tra xe vận tải, ý thức của lái xe, doanh nghiệp phần nào được nâng lên, song để xử lý triệt để, còn nhiều việc cần làm.

Từ ngày 15/8, lực lượng CSGT toàn quốc ra quân tổng kiểm tra và xử lý vi phạm giao thông đối với xe kinh doanh vận tải. Qua 1 tuần triển khai, ý thức của lái xe, doanh nghiệp phần nào được nâng lên, song để xử lý triệt để, còn nhiều việc cần làm.

Ký cam kết vẫn vi phạm, đối phó

img

Cảnh sát giao thông Đắk Lắk tăng cường kiểm soát hoạt động của xe kinh doanh vận tải tại cửa ngõ TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Ngọc Hùng.

Chiều 19/8, tổ công tác Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT TP Hà Nội) tiến hành hóa trang, mật phục xử lý xe khách vi phạm trên các tuyến đường Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Lê Đức Thọ...

Những cán bộ CSGT hóa trang chạy xe máy ghi nhận vi phạm của xe khách, sau đó cung cấp về cho cán bộ CSGT ở chốt công khai dừng xe, lập biên bản.

Khoảng 14h50, tổ công tác phát hiện ô tô chở khách BKS 18B - 210.xx dừng đỗ ven đường Hồ Tùng Mậu để đón, trả khách nên đã dừng xe để xử lý. Tài xế Cao Ngọc C trần tình, dù đã được tuyên truyền và cũng đã ký cam kết trước đó, song “thấy khách quen vẫy nên cũng ngại từ chối”.

Chỉ trong khoảng một giờ, tổ công tác phát hiện và xử lý 8 xe khách vi phạm cùng một lỗi dừng đỗ sai quy định.

Tại TP.HCM, trưa 18/8, PV theo chân Đội CSGT Phú Nhuận xử lý vi phạm tại giao lộ Hoàng Minh Giám - Hồng Hà và Đội CSGT trật tự, Công an quận Tân Bình xử lý tại giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý. Theo đó, đã có hàng chục trường hợp bị xử phạt, đa số là xe chở khách không có hợp đồng.

Trong khi đó, các tuyến đường cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất gần như đã vắng bóng xe khách trá hình. Đây là một trong các địa điểm nằm trong danh sách theo dõi đặc biệt của CSGT ngay trong ngày đầu ra quân.

Thượng tá Tân Xuân Tiên, Phó trưởng Công an TP Thủ Đức cho biết, nhìn chung khi có tổng kiểm tra, ý thức của tài xế, chủ phương tiện đã phần nào được nâng lên, vi phạm đã được hạn chế bước đầu.

Theo thiếu tá Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 1, Phòng CSGT tỉnh Yên Bái, quá trình xử lý cho thấy, các lỗi vi phạm chủ yếu là chạy quá tốc độ, vi phạm tải trọng, chở quá số người, vận chuyển khách không có hợp đồng, dừng đỗ sai quy định, để hàng trong khoang chở khách…

Thậm chí, có những tài xế chây ì, không hợp tác. Điển hình là tài xế Q.T.A (SN 1989, ở Thanh Hóa) điều khiển ô tô đầu kéo lưu thông từ Bắc vào Nam không có bằng lái, không có hợp đồng vận tải.

Người này không chịu cung cấp giấy tờ khi tổ công tác Trạm CSGT Tuy Phước (Bình Định) kiểm tra, không ký biên bản. CSGT phải mất 2 giờ mới xử lý xong.

Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng cho biết, vẫn còn không ít tài xế chống đối, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Điển hình, đêm 16/8, Trạm CSGT cửa ô Hòa Phước kiểm tra xe khách BKS 43B - 025.80, tài xế không dừng xe mà vượt đèn đỏ bỏ chạy, sau đó kiểm tra nồng độ cồn thì tài xế vi phạm mức rất cao.

Xử lý khó vì quy định chưa rõ ràng

img

Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, xử lý xe khách vi phạm trên QL3. Ảnh: Nguyễn Thương.

Ngoài việc siết chặt tuần tra xử lý trên đường, lực lượng chức năng tại nhiều địa phương xác định, việc tuyên truyền, kiểm tra ngay từ bến xe, nguồn hàng rất quan trọng. Đồng thời, việc phối hợp liên ngành sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Đại tá Bùi Trung Thành, Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng chia sẻ: “Ngoài việc đến tận các bến xe để phát tờ rơi, đề nghị ký cam kết, Công an TP cũng huy động người dân cung cấp vi phạm của xe container, xe khách để phạt nguội. Hải Phòng đã thành lập tổ công tác đặc biệt do tôi trực tiếp chỉ đạo, với lực lượng CSGT làm chủ công, kiểm soát 24/24h”.

Tại Bắc Ninh, Hải Dương, các tổ công tác liên ngành đã được thành lập với sự phối hợp của CSGT, cảnh sát phòng, chống ma túy và Thanh tra Sở GTVT, kiểm soát thường xuyên trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phong, Phó chánh TTGT, Sở GTVT Hải Dương cho biết, ngoài việc khó xử lý xe hợp đồng trá hình, với loại hình xe ghép cũng chưa có chế tài. “Ít chứng cứ hoặc đơn vị kinh doanh vận tải đẩy trách nhiệm cho tài xế, lúc đó không dễ để lực lượng chức năng lập biên bản”, ông Phong nói.

Cho rằng hiện các quy định đã có, vấn đề xử lý phần lớn thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý vận tải của địa phương, ông Lê Tuấn Giang, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT Yên Bái cho rằng, hiện nay thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, các sở GTVT sẽ có thông báo và quyết định thu hồi phù hiệu các phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên.

Tuy nhiên, do chưa quy định thời hạn thu hồi phù hiệu trong bao lâu nên xảy ra tình trạng hôm trước vừa thu hồi, hôm sau doanh nghiệp đã làm đơn xin cấp lại.

“Hiện nay, vi phạm ghi nhận qua thiết bị giám sát hành trình mới chỉ dùng để xử lý về điều kiện kinh doanh, chưa được coi là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính. Bởi thế, lái xe, doanh nghiệp vẫn chưa biết sợ”, ông Giang nói và cho rằng, để tăng tính răn đe, cần thiết phải sớm nghiên cứu bổ sung quy định này, cũng như nêu rõ thời hạn thu hồi phù hiệu vận tải.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp Hội vận tải ô tô Việt Nam cũng kiến nghị, với những phương tiện tái phạm nhiều lần, cần thu hồi phù hiệu vĩnh viễn. Nếu không, việc ra quân xử lý cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.

Sẽ sớm sửa quy định

img

Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, xử lý xe khách vi phạm trên QL1A. Ảnh: Nguyễn Thương.

Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, dự kiến thời gian tới cơ quan quản lý sẽ sửa đổi Nghị định 10/2020 theo hướng: Khi cơ quan cấp phù hiệu, biển hiệu ban hành quyết định thu hồi, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký, doanh nghiệp vận tải phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu, đồng thời dừng hoạt động kinh doanh vận tải đối với xe bị thu hồi.

Trường hợp quá thời hạn trên mà doanh nghiệp vận tải không nộp, sở GTVT tiếp tục đăng tải quyết định thu hồi trên trang thông tin điện tử của sở. Nếu sau 15 ngày kể từ ngày đăng tải, doanh nghiệp vẫn không nộp, sở GTVT cập nhật vào Chương trình Quản lý kiểm định để cảnh báo và có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Về thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu sẽ sửa đổi theo hướng quy định thời hạn thu hồi 30 ngày. Đối với lỗi vi phạm “sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu” sẽ thu hồi 60 ngày.

Các doanh nghiệp vi phạm quy định bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu nhưng chưa chấp hành quyết định thu hồi sẽ không giải quyết việc cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu.

“Ngoài ra, sau khi xây dựng phần mềm giám sát hành trình theo thời gian thực, các sở GTVT, lực lượng TTGT, CSGT và các đơn vị có liên quan sẽ có tài khoản truy cập để theo dõi, kiểm tra và xử lý vi phạm, đồng thời giám sát chặt chẽ các phương tiện kinh doanh vận tải”, vị này cho biết.

Buộc thôi việc lái xe tái phạm

Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp vận tải, đợt tổng kiểm tra xe kinh doanh vận tải lần này được coi là cơ hội để doanh nghiệp chấn chỉnh, rà soát lại toàn bộ các điều kiện đảm bảo ATGT của tài xế, phương tiện.

Ông Lê Viết Huy, Phó giám đốc Công ty Hà Sơn - Hải Vân cho biết, định kỳ 3 tháng/lần, đơn vị sẽ cập nhật danh sách lái xe để ký cam kết với lực lượng CSGT. Công ty đã quán triệt đến đội ngũ lái xe, trường hợp tái phạm sẽ buộc thôi việc.

Ông Đinh Đăng Khoa, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thủy bộ Yên Bái cho biết, công ty hiện có 185 đầu xe, hoạt động trên 64 luồng tuyến với 36 luồng ngoại tỉnh, còn lại là nội tỉnh.

Đảm bảo ATGT là vấn đề sống còn của doanh nghiệp và từng tài xế, nên công ty đã tuyên truyền, nhắc nhở, tập huấn cho đội ngũ lái xe. Theo ông Khoa, đợt tổng kiểm soát lần này dẹp được xe dù bến cóc sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.