Thị trường

Thấy gì từ mức tăng trưởng đột biến của GDP quý III?

04/10/2022, 19:15

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, dù GDP quý III tăng đột biến song doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng, cần được tiếp tục hỗ trợ để phục hồi.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2022 tăng ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng mạnh của quý III, giúp GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022…. Thấy gì từ con số tăng trưởng này là nội dung cuộc trao đổi giữa Báo Giao thông và TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

GDP đột biến... nhưng không có gì khác biệt!

Ông đánh giá như thế nào về chỉ số tăng trưởng của quý III và 9 tháng đầu năm 2022?

Thực tế, nền kinh tế Việt Nam quý III năm ngoái gần như bị đình trệ do Covid-19, đặc biệt là 2 trung tâm lớn Hà Nội và TP.HCM bị giãn cách, còn quý III năm nay nền kinh tế phục hồi nhờ một loạt các gói hỗ trợ chính sách và sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Do đó, kết quả quý III năm nay cao cũng dễ hiểu. Không riêng Việt Nam, quay lại nhìn các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ hay Trung Quốc cũng lý giải được thực trạng này.

Cụ thể, năm 2020, nền kinh tế lớn nhất thế giới co lại 3,5% - tệ nhất kể từ năm 1946 và cũng là năm giảm đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính; Trung Quốc không giảm âm nhưng cũng suy giảm mạnh.

Nhưng đến năm 2021, Mỹ tăng trưởng vượt bậc 5,7%, cao hơn cả tăng trưởng 3,1 % vào năm 2019 (trước đại dịch). Trong khi đó, 1% tăng trưởng của kinh tế Mỹ là cực kỳ lớn, vì quy mô nền kinh tế lớn.

Thường họ chỉ đặt ra mức tăng trưởng 2%/năm, bởi vậy, mức tăng trưởng 5,7% đã gấp rất nhiều lần bình thường. Vì lẽ đó, quay trở lại giải thích cho con số tăng trưởng của Việt Nam quý III là hoàn toàn bình thường.

Nếu nói về con số tương đối của tăng trưởng thì cao, nhưng lý giải thì không có gì khác biệt!.

img

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Thúy Hiền (TTXVN)

Theo ông, lĩnh vực nào đóng góp vào tăng trưởng GDP hiện nay?

Trong bức tranh tăng trưởng chung 8,83%, khu vực nông nghiệp và thuỷ sản tăng 2,99%, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực thực phẩm của nền kinh tế với giá ổn định; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%; Đặc biệt khu vực dịch vụ tăng 10,57%, là khu vực quan trọng quyết định mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả phục hồi tăng trưởng kinh tế bù đắp cho suy giảm xuất khẩu.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Dịch vụ ở đây đa phần là dịch vụ du lịch và chi tiêu dùng của người dân rất lớn... Tổng cầu trong nước của thị trường với gần 100 triệu dân đã hồi phục phản ánh qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 4.170,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 16,8%. Đây là động lực tác động rất mạnh đến tăng kinh tế.

Theo tôi, tổng cầu tăng là điều dễ hiểu bởi thời điểm mùa hè năm nay, người dân “đi du lịch trả thù” sau covid-19. Đó là nguyên nhân tại sao có tốc độ GDP quý III cao như vậy.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, với nền kinh tế Việt Nam tương đối nhỏ, thì không nói lên điều gì nhiều.

Cán cân vãng lai của Việt Nam có thể thâm hụt 1,5% GDP trong năm 2022

Với thực tế hiện nay, ông dự báo tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm ra sao?

Mặc dù khu vực DN đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Trong 9 tháng đầu năm 2022 có 112,6 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã hoàn tất thủ tục giải thể. Trong đó có 62,5 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021; Có 36,3 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 12,1%; có 13,8 nghìn DN đã giải thể, tăng 8%.

Như vậy, bình quân một tháng có 18,1 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 DN gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 DN tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Những năm trước đây không lớn như thế này, thể hiện khó khăn của nền kinh tế.

Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 3/2022 của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo phản ánh số lượng đơn hàng mới; Đơn hàng xuất khẩu mới; Sử dụng lao động trong quý 3/2022 đều giảm so với quý 2/2022.

Điều tra xu hướng kinh doanh quý 3/2022 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính chiếm 30,8%; Thiếu nguyên nhiên vật liệu chiếm 26,1%; Lãi suất vay vốn cao chiếm 23,5%; Không tuyển được lao động theo yêu cầu chiếm 25,1%.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng, tuy vậy kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 73,22 tỷ USD, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Điều này phản ánh vị thế thương mại quốc tế của nước ta do khu vực FDI tạo nên. Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn yếu và lỏng lẻo.

Hiện DN đang đối diện với 5 nhóm khó khăn chính, bao gồm: Khó khăn do chi phí nguyên vật liệu, xăng dầu tăng gây nhiều khó khăn cho sản xuất, cạnh tranh; Khó khăn về chi phí logistics vẫn còn cao, ví dụ trước đây, một container từ châu Á đi Mỹ mất chi phí vận tải ngưỡng 3.000 USD, đến năm 2021 lên ngưỡng 10.000 USD (gấp hơn 3 lần), và hiện xuống còn 7.000 USD, tức là vẫn hơn gấp đôi so với thời kỳ trước đại dịch;

Khó khăn tiếp theo là về vốn và tài chính. DN Việt Nam phần lớn (chiếm 98%) là DN nhỏ và vừa, phần lớn là phải qua kênh ngân hàng, bởi họ không thể phát hành trái phiếu được. Trong khi, điều kiện với nhóm đối tượng này vẫn khắt khe.

Ngoài ra, DN còn khó khăn về thiếu hụt về lao động; Hay việc DN đầu tư nước ngoài và láp rắp trong nước là thiếu linh kiện; Khó khăn về rào cản môi trường pháp lý, về thể chế vẫn chưa được tháo gỡ...

Về mặt vĩ mô, dự báo giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới do thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu và nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế, thị trường dầu thô sẽ trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Điều này đang gây nên cơn bão giá toàn cầu, tạo áp lực rất lớn về kiểm soát lạm phát đối với kinh tế nước ta, gây nhiều khó khăn cho các ngành và lĩnh vực; Làm suy giảm tổng cầu, gây bất ổn vĩ mô và giảm tiến độ và hiệu quả của Chương trình Phục hồi và Phát triển KTXH.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo cán cân vãng lai của Việt Nam có thể thâm hụt 1,5% GDP trong năm 2022. Việc các nước quyết liệt thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ cũng sẽ gia tăng rủi ro "nhập khẩu lạm phát", tác động đến tỷ giá và thị trường tài chính. Dự báo lạm phát Việt Nam ở mức 3,8% năm 2022, tiếp tục tăng lên mức 4% năm 2023.

Về các thách thức trong dài hạn, ADB đánh giá Việt Nam thuộc nhóm 32 nền kinh tế còn có "độ trễ" và dư địa lớn để cải thiện về môi trường kinh doanh và chính sách hỗ trợ cho các DN số.

Trong bối cảnh Fed và các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất để kìm chế lạm phát, khuyến nghị nào nhằm kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, thưa ông?

Kinh tế thế giới đang diễn ra trong sự biến động khó lường, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ.

Trong khi, kinh tế nước ta có độ mở lớn, dễ bị tổn thương từ các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, đặc biệt tác động từ các nền kinh tế là đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam.

Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể.

Ngày 21/9/2022, lần đầu tiên sau 2 năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn.

Việc tăng lãi suất huy động sẽ giảm bớt căng thẳng về thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại; Đảm bảo kiểm soát các cân đối vĩ mô, lạm phát, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Việc tăng lãi suất điều hành vừa qua là cần thiết, đúng thời điểm nhằm ngăn chặn dòng vốn chảy ra khỏi nền kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng được điều hành kiên định với mục tiêu tăng trưởng năm nay khoảng 14%;

Đồng thời, sẽ có điều chỉnh tùy theo diễn biến tình hình thực tế, đây cũng là giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và DN cần chủ động, linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho DN, từ đó thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo điều tiết hợp lý giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như xăng dầu, điện, dịch vụ, y tế, giáo dục… thực hiện trợ cấp xã hội cho những hoàn cảnh khó khăn, qua đó giảm thiểu tác động từ việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhất là người có thu nhập thấp.

Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp đột phá về tín dụng cho doanh nghiệp. Bởi, vốn, tài chính là tiền đề, đóng vai trò quyết định cho DN hoạt động và phát triển. Việc bảo đảm nguồn vốn, tài chính cho DN từ nay đến cuối năm và các năm sau rất quan trọng.

Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt khai thông gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% là vấn đề thiết thực...

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.