Mấy ngày qua, dư luận không khỏi xôn xao trước thông tin Tỉnh uỷ Gia Lai giới thiệu hai ông Nguyễn Văn Quân và ông Đặng Phan Chung để bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh trong kỳ đại hội sắp tới.
Trong đó, ông Chung là Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh, còn ông Quân là Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như hai ông Chung và Quân là những người vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Lý do là ông Chung đã can thiệp không đúng quy định vào hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quân trong thời gian giữ cương vị Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Gia Lai, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo giải quyết vụ án hình sự lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây khó khăn, kéo dài đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Theo quy định thì việc giới thiệu để bầu 2 ông Chung, Quân vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới là không sai. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, một số vị lão thành, ĐBQH và nguyên lãnh đạo tỉnh Gia Lai đều cho rằng, dù không sai nhưng việc làm này “rất có vấn đề”.
Thậm chí, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thốt lên: “Chẳng lẽ ở Gia Lai không còn người tài năng mà cứ phải giới thiệu người có tì vết, đã bị kỷ luật cảnh cáo?”.
Dù không sai so với quy định, song nếu xem lại Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thì có thể thấy việc giới thiệu tái cử đối với hai trường hợp trên có vẻ không ổn.
Chỉ thị 35 đã nêu rất rõ: Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm.
Căn cứ vào nội dung mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận về những vi phạm của ông Đặng Phan Chung và Nguyễn Văn Quân, thì uy tín của hai ông đã giảm sút hay chưa? Rõ ràng, cả hai ông đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong khi thực thi công vụ của mình. Vậy vì sao Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai không tiến hành sàng lọc như tinh thần của Chỉ thị 35? Hay còn có lý do nào khác nữa?
Tất nhiên, việc giới thiệu để bầu thì việc trúng cử hay không trúng cử còn do đại hội. Song việc vẫn giới thiệu hai ông Chung và Quân khi mà cả hai người đã bị kỷ luật đã để lại dư luận không hay.
Từ lâu nay, Đảng ta luôn xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Bởi vậy, việc sàng lọc, đánh giá, lựa chọn cán bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu làm chặt chẽ, Đảng sẽ có thêm được những cán bộ thực tâm, thực tài, đủ uy tín và năng lực để hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao. Ngược lại, nó sẽ khiến niềm tin của người dân bị giảm sút, xói mòn, đó là điều rất nguy hiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận