Chất lượng sống

Thầy hiệu trưởng trải lòng sau màn nhảy hip hop làm sốt cư dân mạng

05/09/2014, 19:36
image

Màn biểu diễn hip hop và beatbox của thầy hiệu trường Nguyễn Quốc Bình không chỉ làm nức lòng học trò trường THPT Việt Đức mà còn tạo một cơn sốt trên các diễn đàn học sinh.

Vì sao, một thầy hiệu trưởng lại sẵn sàng gạt bỏ vẻ ngoài đạo mạo để hòa vào không khí của các bạn trẻ, thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ với Báo Giao thông những mong ước giản dị của mình.

TIN LIÊN QUAN

Thầy Hiệu trưởng không muốn lễ khai giảng khô cứng, nặng nề

LỄ KHAI GIẢNG PHẢI LÀ MỘT NGÀY HỘI

 

Là một hiệu trưởng, nhảy hiphop rất táo bạo và phóng khoáng trước học sinh, thầy không ngại ư?

 

Tôi tin rằng tiết mục biểu diễn của mình là “một món quà bất ngờ” dành cho các em. Tôi chỉ muốn tham gia một tiết mục văn nghệ với các em để tạo một không khí vui vẻ cho ngày lễ khai giảng. Bởi ngày lễ khai giảng thường khô cứng và phần lễ kéo dài quá, rất nặng nề. Tôi cho rằng khai giảng phải thật sự là một ngày hội của các em.

 

Với suy nghĩ đó tôi đã vui vẻ thực hiện điệu nhảy của mình. Cũng xin bật mí, tiết mục beatbox tôi học từ chính học trò của trường. 

 

Mặc dù chưa đầy một ngày xuất hiện trên mạng xã hội nhưng clip “Thầy hiệu trưởng Việt Đức nhảy hiphop trong ngày khai giảng” đã khiến thầy trở thành một nhân vật được các bạn học sinh ưa thích nhất trong ngày hôm nay. Thầy nghĩ sao về điều này?

 

Tôi thật sự vui mừng và hạnh phúc. Trong rất nhiều năm làm nghề, tôi đã cố gắng rất nhiều để thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách nhìn nhận của mình về học sinh, để làm sao mình có thể hiểu học sinh hơn. Học sinh mỗi một thời kỳ một giai đoạn, ngay cả mỗi năm học cũng có những thay đổi. Suy nghĩ của các em cũng theo trào lưu của xã hội, hoặc là theo những xu hướng mà chúng ta không hiểu, không nắm bắt được thì các hoạt động giáo dục chưa thể thành công như mong muốn.

 

Tôi luôn mong muốn làm sao mình và học sinh gần gũi hơn, thân thiện hơn và bình đẳng hơn. Những điều này có lẽ trước kia nhiều người và ngay cả tôi cũng nghĩ khác. Thường là thầy giáo là phải đạo mạo, nghiêm khắc. Nhưng cuộc sống dạy tôi và cả trong những lần được trao đổi học tập những phương pháp giáo dục của nước ngoài đã cho tôi thấy nếu thầy giáo chỉ đạo mạo, nghiêm túc mà không đúng lúc, đúng chỗ thì cũng  chưa thể thành công.

 

Thầy Nguyễn Quốc Bình nhảy hiphop và beatbox trong lễ khai giảng năm học mới
Thầy Nguyễn Quốc Bình nhảy hiphop và beatbox trong lễ khai giảng năm học mới

TÔI TỪNG ĐƯỢC HỌC TRÒ TÂM SỰ CHUYỆN TÌNH YÊU

Có thể nói đây là một cách tiếp cận rất mới mà không phải ai cũng chấp nhận. Có nhiều ý kiến cho rằng thầy giáo mà nhất là hiệu trưởng thì phải giữ hình ảnh mình hơn, chừng mực hơn, thầy nghĩ thế nào về điều này?

Chuyển từ Trường PTTH Nhân Chính về làm Hiệu trưởng Trường PHTH Việt Đức (Hà Nội), thầy Nguyễn Quốc Bình tâm sự trên Hoa Học Trò: "Những ngày đầu, thú thật tôi mất ngủ nhiều. Tôi nhận được rất nhiều thư. Một bác học sinh cũ băn khoăn: "Thầy đang công tác ở một ngôi trường nhỏ bé như Nhân Chính, liệu khi về Việt Đức, thầy có đem những quy định ở vùng nông thôn áp dụng vào đây không? Và liệu có thúc đẩy được sự phát triển của nhà trường, hay làm cản trở".

6 năm sau, thầy Nguyễn Quốc Bình tự hào vì những gì mình nhận được từ học trò trường Việt Đức. Nhiều bạn đã tiến bộ, đã không chỉ tin mà còn coi thầy như một người bạn lớn.

Theo tôi mỗi người có một suy nghĩ. Tôi nghĩ rằng ở một khía cạnh nào đó họ có thể đúng. Tuy nhiên, những suy nghĩ đó lại cũ mất rồi. Cha mẹ học sinh, thầy cô giáo và học sinh là thuộc những thế hệ khác nhau nhưng chúng ta làm sao phải kéo khoảng cách đó ngắn lại, để chúng ta có thể hiểu về học trò. Nhất là đối với học trò ở giai đoạn vốn có nhiều biến đổi về tâm lý, sinh lý, rất cần sự trợ giúp của người lớn như các em cấp 2, cấp 3. Đôi khi mình phải thay đổi vị trí của mình đi, phải làm bạn của con trẻ để lắng nghe tâm sự, để hiểu các em hơn. 

Tôi nói thật không phải học trò nào cũng tìm đến hiệu trưởng để thẳng thắn trao đổi nhờ giúp đỡ các vấn đề về tình yêu hay khúc mắc trong quan hệ thầy trò trong trường… thế nhưng tôi đã từng nhận được rất nhiều sự chia sẻ tâm tư như vậy. Tôi nghĩ rằng mình đã có được sự tin yêu của các em.  Nếu như lúc nào thầy giáo cũng đạo mạo, nghiêm khắc thì sẽ tạo khoảng cách lớn giữa thầy và trò, chắc chắn rằng chẳng học trò nào dám tìm đến tâm sự với tôi cả.

LÀM HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG VIỆT ĐỨC KHÔNG DỄ

Với thầy việc thay đổi cách tiếp cận này có dể dàng? 

Chắc chắn đó phải là cuộc đấu tranh với cả bản thân mình, cũng có những cái so đo, tính toán nhưng tôi luôn đặt tình yêu với nghề nghiệp, với các em học sinh lên trên những cái mà có thể gặp phải trong cuộc sống như những lời dị nghị chẳng hạn. Tôi luôn thấy mình phải tìm kiếm những điều mà các em đang mong muốn ở mình, ở người thầy ở nhà trường giúp gì được cho các em và làm thể nào để hiểu các em. Những điều này quả thật cũng không hề dễ dàng. Nhất là từ khi đảm nhận vai trò hiệu trưởng Trường Việt Đức học trò ở đây rất cá tính, có phong cách riêng.

 

Giai đoạn đầu, tôi đến các em cũng phản đối, tỏ ý không thích. Nhưng sau một thời gian gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ với các em thì tôi nhận thấy các em hiểu mình hơn và mình cũng hiểu các em hơn. Những ngày đó, tôi cũng thường lên mạng trao đổi với các em, qua đó thầy trò hiểu nhau hơn và tôi cũng luôn nói với các em “cần gì hay trực tiếp đến và trao đổi, tôi luôn dành thời gian cho các em”.

Nhiều vấn đề, câu hỏi “tại sao…” được các em trực tiếp trao đổi, nhiều vấn đề tế nhị như quan hệ yêu đương, quan hệ thầy trò. Có thể không phải mọi kiến nghị của các em đều được đáp ứng nhưng tôi luôn sẵn sàng trao đổi để các em có thể tiếp nhận lời trao đổi và khuyên giải một cách hài lòng.

Tất nhiên vẫn phải thực hiện đúng các quy chế, quy định của nhà trường nhưng bên cạnh đó người thầy gần gũi, chia sẻ với các em vì mục đích lớn nhất của giáo dục là không chỉ mang đến cho các em tri thức mà còn định hình nhân cách sống của con người mới phù hợp với xã hội cho các em. 

THẦY ƠI CON TIẾN BỘ RỒI NHÉ

Nhiều lớp học trò vẫn thường gọi thầy là  “thầy Quốc Bình lắm chiêu”, thầy nghĩ sao về điều này?

Thật ra các bạn ý nghĩ là “chiêu” thôi nhưng tôi nghĩ rằng đó chỉ là những đổi mới cách tiếp cận, cách giáo dục các em. Mình cũng phải biết có những cách làm để học trò “tâm phục, khẩu phục”. Có rất nhiều em vi phạm, các thầy cố giáo chủ nhiệm coi đó rất nặng nề, nhưng lên đây trao đổi, tôi cũng chỉ vỗ vai rồi nhắn nhủ “thế nhé mình là đàn ông với nhau ta phải cư xử đàng hoàng hơn. Chuyện từ bây giờ về trước ta bỏ qua, bắt đầu lại nhé”. Và em đó thay đổi mà không cần hình thức kỷ luật nào cả. Sau này khi gặp lại chính học trò chào “thầy ơi, con tiến bộ rồi nhé”. Rất đáng mừng.

Quan điểm của tôi là luôn luôn muốn đổi mới các hoạt động, đổi mới phương pháp dạy, học, đánh giá, phương pháp giáo dục và cả phương pháp tiếp cận với học sinh. Từ trước đến nay, khi tiếp xúc với học sinh, tôi thấy dù mỗi em một cá tính, một đặc điểm, nhưng điều quan trọng nhất nếu mỗi thầy cô giáo thực lòng thương yêu, quan tâm đến học trò thì các em sẽ có những thay đổi đúng hướng, nhận thức được ý thức trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội. Mỗi học sinh thay đổi như vậy thì đó là niềm hạnh phúc của tất cả giáo viên trong đó có tôi.

Xin chân thành cảm ơn thầy!

Vũ Anh (Thực hiện)

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.