Thấy nạn nhân TNGT mà không cứu, đó không phải là vô cảm mà là thiếu kỹ năng sống |
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, BS. Chính cho hay: “Bất kỳ ai bắt gặp một tình huống tai nạn và ở đó có nạn nhân cần sự giúp đỡ, thì chắc chắn một điều rằng họ rất sợ bởi nếu là người không có chuyên môn, chưa được đào tạo về sơ cứu thì họ rất ngại đụng chạm vào nạn nhân bởi nỗi lo “gây hại thêm” cho nạn nhân”.
Ngay cả với nhân viên y tế, nếu không biết cách sơ cấp cứu hẳn cũng rất “ngại” việc đó. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng là “chúng ta cùng học sơ cấp cứu”. “Khi chưa học sơ cấp cứu cứu nạn nhân thì ai cũng sợ máu me cả, mình cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, khi biết cách sơ cấp cứu và thậm chí cứu được người rồi thì lúc đó bạn sẽ nghĩ khác”, BS. Chính chia sẻ.
Theo BS. Lương Quốc Chính, có một số nguyên tắc về sơ cứu mà mỗi người cần trang bị để có thể giúp ích cứu người gặp TNGT.
11 nguyên tắc cơ bản:
Tự kiểm tra mình đầu tiên: Nếu bạn bị thương trong vụ tai nạn, đầu tiên hãy tự kiểm tra mình xem có bị thương tích hay không. Hãy thử đánh giá xem bạn có thể cử động tay chân của mình được không nếu bạn nhận thấy mình có các triệu chứng như chóng mặt... Hãy nhớ rằng bạn cần phải có đủ sức khỏe thì mới có thể giúp đỡ người khác được.
Kiểm tra thương tích cho người khác: Nếu người khác bị thương, đầu tiên đánh giá mức độ thương tích của họ, ví dụ có chảy máu từ vùng đầu, cổ, tay, chân, bụng, hoặc lưng không... Xử trí cho những người bất tỉnh đầu tiên, họ thường bị thương nặng hơn hoặc ngừng thở. Với những người có thể nói chuyện hoặc la hét được, và hơn nữa do họ vẫn có thể thở được, vì vậy họ có thể được xử trí muộn hơn một chút. Hỏi tên của nạn nhân, nếu họ đáp ứng, có nghĩa là họ có thể hiểu được tình huống và có nhiều khả năng không có chấn thương đầu nặng.
Quan sát các dấu hiệu hô hấp: Tiếp theo, kiểm tra xem nạn nhân có thở không (quan sát nhịp thở, nghe và cảm nhận hơi thở) và có mạch không (mạch quay, mạch cảnh, mạch bẹn).
Gọi sự giúp đỡ: Gọi xe cứu thương ngay lập tức hoặc khẩn trương đưa nạn nhân tới bệnh viện sau khi đã sơ cứu. Khi bạn biết rõ hơn về tình trạng của nạn nhân thì bạn sẽ có được nhận định tốt nhất để kể lại với bác sĩ về tình trạng của họ.
Kiểm tra tắc nghẽn/dị vật trong miệng và họng của nạn nhân: Nếu bạn không nghe thấy tiếng thở, kiểm tra ngay miệng của nạn nhân để tìm tắc nghẽn/dị vật. Nếu có tắc nghẽn hoặc dị vật gây tắc nghẽn đường thở, sử dụng ngón trỏ và ngón giữa bàn tay của bạn để làm sạch/thông thoáng đường thở. Nếu không có mạch, tiến hành ngay hồi sinh tim phổi (CPR) hoặc thổi ngạt (EAR). Giữ cổ nạn nhân thẳng để bắt đầu thổi ngạt hoặc hồi sinh tim phổi. Có 3 cách thổi ngạt: miệng-miệng, miệng-mũi, và miệng-mặt nạ (mask).
Các cách thức giúp nạn nhân trong những tình huống nghiêm trọng: Nếu chảy máu từ miệng hoặc nạn nhân nôn, xoay nạn nhân nằm nghiêng sang một bên. Điều này sẽ giúp nạn nhân không bị sặc phổi. Đặt cánh tay ở dưới nạn nhân thẳng ra ngoài và cánh tay nạn nhân ở trên ngay gần bạn vắt qua ngực nạn nhân.
Xử trí các vết thương hở: Nếu có vết thương rộng, cố gắng cầm máu bằng việc sử dụng miếng vải sạch/quần áo sạch ép lên các vùng tổn thương chảy máu. Dùng bàn tay để ép xuống chứ không dùng ngón tay.
Luôn phải nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ: Nếu cổ nạn nhân ở tư thế bất thường (không thường thấy) hoặc nạn nhân hôn mê, thì không được di chuyển nạn nhân. Gọi sự giúp đỡ ngay lập tức. Điều này có nghĩa rằng cổ nạn nhân có thể đã bị “gẫy”, và nếu di chuyển nạn nhân trong tình huống này thì có thể gây hại hơn là có lợi.
Giữ ấm cho nạn nhân: Thông thường nạn nhân trong TNGT sẽ cảm thấy rất lạnh do sốc. Vì vậy giữ ấm cho nạn nhân là điều rất cần thiết đối với sự sống còn.
Tránh cho nạn nhân ăn: Không đưa bất cứ thứ gì vào miệng nạn nhân như nước uống, thức ăn hoặc các loại nước hoa quả khác vì nó có thể khiến nạn nhân bị sặc phổi…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận