Phụ huynh khó đánh giá được lực học của con nếu giáo viên không nhận xét |
Phụ huynh băn khoăn
Trong khi phụ huynh, học sinh và giáo viên còn bỡ ngỡ với việc nhận xét thay điểm số, thì đầu tháng 11, Bộ GD&ĐT tiếp tục đưa ra hàng loạt lệnh cấm đối với giáo dục tiểu học, như: Cấm giao bài tập về nhà cho học sinh học hai buổi/ngày; cấm tổ chức thi học sinh giỏi; cấm tổ chức các đội tuyển tham gia hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ; cấm khảo sát học sinh đầu năm học và tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6…
Chị Thu Hồng, phụ huynh một học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội) chia sẻ, đã cả tháng nay, con bé nhà chị cứ về đến nhà là “quẳng cặp đi chơi”. Mở sách vở của con kiểm tra, chị không thấy bất kỳ lời nhận xét nào của cô trong vở. “Không điểm số, không nhận xét, không bài tập về nhà, tôi cũng không rõ con đang học tập như thế nào, có yếu kém ở đâu, có cần gia đình kèm cặp gì thêm không”, chị Hồng lo lắng.
"Trước thực tế một số trường chuyên hay một số trường chất lượng cao, không tuyển học sinh theo tuyến, số lượng học sinh đăng ký lớn so với chỉ tiêu tuyển, Sở sẽ xin ý kiến UBND Thành phố”. Ông Phạm Hữu Hoan Trưởng phòng Giáo dụctrung học Sở GD&ĐT Hà Nội |
Chị Huệ, phụ huynh một học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Ba Đình đang dự định cho con thi vào lớp 6, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam hoặc THPT Lương Thế Vinh thì lo lắng trước lệnh cấm thi vào lớp 6. “Mấy năm nay, thi vào lớp 6 các trường chuyên, trường điểm còn khó hơn thi đại học, tỷ lệ chọi rất cao, nên tôi đã cho con theo nhiều lớp luyện thi từ năm ngoái. Riêng chi phí luyện thi vào lớp 6 của con đã hơn 3 triệu đồng/tháng, nay chả hiểu các trường THCS tuyển sinh thế nào để tôi còn cân nhắc việc học thêm cho con”, chị Huệ băn khoăn.
Nhiều phụ huynh thì tiếc nuối khi các hoạt động giao lưu, “sân chơi” trí tuệ không còn được các trường tổ chức. Chị Liên, phụ huynh một học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì) cho rằng, các “sân chơi” trí tuệ như Violympic Toán, Tiếng Anh, IOE Tiếng Anh… rất bổ ích và tạo hứng thú với lứa tuổi tiểu học. “Con nhà tôi đã luyện rất nhiều vòng Violympic Toán, nhưng cô giáo bảo con thích thì đăng ký, giờ thành tích thi không được tính điểm thi đua cho trường, lớp nữa nên cô cũng không mặn mà phát động cuộc thi”, chị Liên cho hay.
Giáo viên bối rối
Chia sẻ với tâm trạng băn khoăn, lo lắng của các bậc phụ huynh, cô giáo Hoàng Hà (Trường Tiểu học Giáp Bát, Hà Nội) cho biết, dù đã thực hiện thay điểm số bằng nhận xét được hai tháng, nhưng bản thân giáo viên vẫn còn đang “vừa làm vừa học hỏi”, bởi để có một nhận xét chính xác, phát huy được tinh thần học tập của học sinh không dễ. “Với một học trò học giỏi, khen phải làm sao để con không tự phụ đã khó; nhưng với học sinh yếu kém, thì viết lời nhận xét sao cho chính học sinh và phụ huynh nhận ra được học lực thực chất còn khó hơn bởi quan điểm chung là không được chê học trò”, cô Hoàng Hà nói.
Nhiều giáo viên cho biết, do “bí” lời nhận xét phù hợp và nhận xét mất nhiều thời gian, nên họ chỉ nhận xét đối với học sinh yếu kém để gia đình biết, kèm cặp thêm, còn với những học sinh khá, giỏi, thì sẽ “bỏ qua” phần nhận xét.
Với lệnh cấm thi tuyển sinh đầu vào lớp 6, đến nay chính các trường THCS cũng vẫn mơ hồ. Thầy Dương Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Trường vẫn đang chờ chỉ đạo từ cấp trên. Hàng năm, số thí sinh đăng ký vào trường thường gấp 9-10 lần số chỉ tiêu được giao, nếu không tổ chức thi tuyển thì cũng phải xét tuyển”.
Bảo Chi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận