Cảnh ùn tắc không hiếm gặp vào giờ cao điểm trên đường vành đai 3 - Ảnh: TN |
Thời gian qua, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia giao thông cho rằng nên cấm phương tiện giao thông cá nhân vào nội đô. Tôi cho rằng, không nên áp dụng “lệnh cấm” phương tiện giao thông cá nhân, mà nên dùng các biện pháp khác, trong đó có đánh vào kinh tế để người dân có nhiều lựa chọn.
Không cấm xe cá nhân mà đánh vào kinh tế
Người Việt ta rất dị ứng với từ “cấm”. Đề xuất cấm phương tiện, dù đó là loại xe gì, ô tô hay xe máy, rồi kể cả mấy loại xe hết “đát”, xe ba bánh cũ kỹ... đều vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận. Hơn nữa, nếu cứ áp dụng lệnh cấm sẽ dễ dẫn đến dư luận cho rằng, do sự quản lý yếu kém nên mới cấm.
Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac và [email protected]. Giải thưởng dành cho các ý tưởng hay, thiết thực lên tới 50 triệu đồng. |
Theo tôi, không nên áp dụng lệnh cấm phương tiện cá nhân. Để giảm ùn tắc giao thông nội đô có nhiều biện pháp, trong đó có thể áp dụng giải pháp đánh vào túi tiền chủ phương tiện, nghĩa là thu phí phương tiện trên từng khu vực tuyến phố. Ví dụ, có thể áp dụng tại những tuyến phố nội đô quận trung tâm như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trung, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông... sẽ thực hiện thu phí phương tiện.
Chắc chắn khi áp dụng biện pháp thu phí này sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận. Nhưng hãy vì lợi ích chung, rồi chúng ta sẽ quen với cách di chuyển mới, hãy vì một không gian Hà Nội xanh để thay đổi thói quen sử dụng xe máy, ô tô cá nhân. |
Cụ thể, các tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm, tuyến phố cổ sẽ thu phí cao, các tuyến phố ít “nóng” hơn sẽ thu phí thấp dần. Tại những điểm nóng thường xuyên ùn tắc như: Lê Văn Lương, Cầu Giấy, Nguyễn Trãi - Trần Phú, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng... cũng sẽ áp dụng hình thức thu phí nhưng theo từng khung giờ. Có thể chia nhỏ khung giờ sắp cao điểm thu thấp hơn, trong giờ cao điểm thu cao hơn. Ngoài những khung giờ này, phương tiện có thể lưu thông thoải mái mà không bị thu phí. Hoặc có thể phân chia mức phí theo đường vành đai. Từ vành đai 2 trở vào nội thành áp phí cao, còn từ vành đai 3 vào vành đai 2 sẽ thu phí thấp hơn. Việc phân chia thu phí theo đường vành đai sẽ rõ ràng và dễ thực hiện hơn.
Về mức phí có thể áp mức phí từ đường vành đai 3 vào vành đai 2 khoảng 20 - 30 nghìn đồng đối với ô tô. Còn từ vành đai 2 vào nội thành có thể cao nhất đến 100 nghìn đồng/lượt. Có thể cân nhắc thu cả với xe máy nhưng mức tiền thấp hơn, có thể là 10 nghìn đồng. Đối với các gia đình nằm trong phạm vi khu vực thu phí có thể làm thẻ giảm giá. Hình thức thu phí này chỉ áp dụng đối với ô tô cá nhân. Tất nhiên, khi áp dụng hình thức thu phí này cần phải có lượng phương tiện thay thế để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đây có thể là phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện trên cao và có thể là xe đạp.
Nhiều lợi ích
Việc áp dụng hình thức thu phí xe cá nhân theo đường vành đai chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, người dân sẽ cân nhắc khi phải di chuyển vào khu vực nội đô - nơi thường xuyên ùn tắc giao thông do lượng phương tiện quá lớn, trong khi hạ tầng nhỏ hẹp. Từ đó, người dân sẽ phải suy nghĩ có cần thiết đi vào hay không, hoặc có thể giải quyết công việc thông qua trực tuyến. Nếu buộc phải đi vào các tuyến phố nội đô, thay vì đi ô tô hoặc xe máy cá nhân, người ta sẽ lựa chọn xe buýt, xe đạp, tàu điện trên cao hoặc để tiết kiệm chi phí có thể đi chung xe. Từ đó, sẽ giảm được lượng lớn phương tiện cá nhân di chuyển trên mặt đường.
Thứ hai, đối với các công sở, trường học nằm trong phạm vi tuyến đường thu phí cũng sẽ phải cân nhắc chuyển ra ngoại ô để giảm tải áp lực. Vô hình trung cũng giảm được một lượng đáng kể phương tiện đi lại giờ cao điểm.
Thứ ba, khi thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô sẽ khiến ngân sách Nhà nước có một khoản để tái đầu tư hạ tầng. Khi đường thông hè thoáng sẽ tạo ra lợi ích lớn cho xã hội. Hãy thử tưởng tượng giờ cao điểm nào cũng có hàng triệu xe máy và ô tô bị tắc nghẽn trên các tuyến phố, thiệt hại về thời gian, kinh tế và sức khỏe rất lớn. Nay đường thông hè thoáng, người dân chủ động được thời gian đi lại đón con, đến công sở, trường học... tự khắc hiệu quả công việc và học tập sẽ tăng lên, sức khỏe cũng tăng do không còn phải chịu hít khói bụi ô nhiễm hay bị stress do tắc đường.
|
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận