Cảnh trong phim “Thế giới khủng long - Vương quốc sụp đổ” |
Bước tiến mang tính nhân văn
Ngay sau thành công với mức doanh thu 1,67 tỷ USD ở phần Jurassic World (2015), hãng Universal đã bắt tay lên kế hoạch cho phần 2 của Jurassic World. Lần này, số phận của loài khủng long được đưa vào tay đạo diễn người Tây Ban Nha J.A. Bayona – đạo diễn quen thuộc của dòng phim kinh dị với thành công của The Orphanage. Có lẽ vì thế, phim mặc dù là chủ đề viễn tưởng nhưng lại mang hơi hướng kinh dị. J.A. Bayona đã biến tòa nhà giam giữ loài khủng long trên đất liền trở nên chật hẹp, tù túng với những tiếng gào thét trong bóng tối y hệt một ngôi nhà ma ám.
Theo Box Office Mojo, hiện tại phim đã mang về hơn 170 triệu USD. Tại tất cả các nơi đã có mặt, “bom tấn” khủng long này đều đứng vị trí số một phòng vé. |
Tuyến tính của bộ phim được thay đổi. Đạo diễn J.A. Bayona và đạo diễn Colin Trevorrow (người làm nên thành công của Jurassic World năm 2015) đã bàn bạc kỹ lưỡng việc xóa bỏ công viên khủng long trên hòn đảo Isla Nublar (quen thuộc với khán giả suốt 4 tập phim trước) để đưa sinh vật khổng lồ này về đất liền, xâm nhập trực tiếp vào xã hội của con người. Colin Trevorrow thẳng thắn thừa nhận trên Uproxx: “Điều quan trọng đối với các thương hiệu bom tấn là phải tìm ra tiếng nói mới mẻ, giúp nội dung các phần tiếp theo tươi mới. J.A. Bayona đã rất thành công khi tạo ra sự kịch tính cho Fallen Kingdom”. Chính bản thân J.A. Bayona cũng thừa nhận trên tạp chí SFX, đây là một bước tiến quan trọng trong phần phim.
Ngoài sử dụng những con khủng long bằng hiệu ứng CGI, phim còn đầu tư cả những mô hình khủng long được xây dựng theo kích thước thật. Đặc biệt, khi làm bộ phim, J.A. Bayona có thêm sự đồng cảm với loài vật khổng lồ này nên phim cũng mang tinh thần nhân văn. “Cô nàng” khủng long Blue trong phim là loài vật được ra đời như một lời nhắc nhở con người về những điều sai trái họ đang làm với thế giới tự nhiên. Đó cũng là kết quả tồi tệ mà con người đã lợi dụng khoa học làm những điều hòng thỏa mãn lòng tham.
Tiếp tục đảm nhận vai chính trong phần phim này sau Jurassic World 2015, Chris Pratt hé lộ, anh phải rèn thể chất vì có nhiều cảnh quay khó. Trong đó có cảnh quay dưới nước khi nhân vật Owen giải cứu đồng đội bị rơi xuống biển dù thực tế, cảnh này được quay trong bể bơi. “Tôi chỉ có thể nín thở 1 phút nên cảnh này phải quay lại nhiều lần. Mắt chúng tôi bị đỏ suốt 3 ngày trời vì bể có quá nhiều clo”, Chris Pratt chia sẻ trên tạp chí Entertainment.
Cảnh trong phim “Thế giới khủng long - Vương quốc sụp đổ” |
Thống trị phòng vé
Kể từ bản gốc năm 1993 của Steven Spielberg, thế giới khủng long vẫn là thương hiệu được chào đón. Qua nhiều lần đổi đạo diễn, phim vẫn như một “tượng đài” bảo chứng phòng vé khi các tập phim liên tiếp đạt mức doanh thu khổng lồ. Đáng chú ý, Jurassic World (2015) của đạo diễn Colin Trevorrow là một trong số những tập phim thành công nhất mọi thời đại với doanh thu 1,67 tỷ USD trên toàn cầu.
Tiếp nối thành công ấy, Jurassic World: Fallen Kingdom chiếu sớm tại 48 quốc gia (chưa có hai thị trường lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ và Trung Quốc) nhưng đã tiếp tục lập kỷ lục. Phim thu về 151,1 triệu USD chỉ trong 3 ngày ra mắt. Theo Box Office Mojo, hiện tại phim đã mang về hơn 170 triệu USD. Tại tất cả các nơi đã có mặt, “bom tấn” khủng long này đều đứng ở vị trí số một phòng vé.
Tại Việt Nam, phim đã ra mắt vào ngày 8/6, theo công bố mới nhất của đơn vị phát hành CGV, phim đã mang về 41 tỷ đồng, chiếm vị trí quán quân trong bảng xếp hạng doanh thu của tuần vừa qua. Dù vậy, đại diện của CGV từ chối đưa ra dự đoán về mức thu hút của phim trong những ngày tiếp theo.
Để có được thành công này là cả một chiến dịch quảng bá hoành tráng của Universal. Từ cuối năm 2017, các teaser ngắn lần lượt được giới thiệu với những phân đoạn kích thích sự tò mò của khán giả, thu hút hàng triệu lượt xem. Diễn viên chính Chris Pratt, Bryce Dallas Howard và đạo diễn JA Bayona còn có tour “xuyên” từ Madrid (Tây Ban Nha) đến London (Anh) và Thượng Hải (Trung Quốc) mang theo mô hình khủng long khổng lồ thu hút sự chú ý của người dân. Êkip còn có những cuộc giao lưu ở Sao Paolo (Brazil), tạo hiệu ứng trên facebook…
Còn trên thực tế, bộ phim đã nhận được không ít phản hồi trái chiều từ khán giả và giới chuyên môn. Đánh giá trên các trang phê bình phim nổi tiếng như Rottentomatoes (60% hài lòng), Imdb (6,8/10). Cây viết Geoffrey Macnab đến từ The Independent cho rằng, đây là tác phẩm có tất cả các yếu tố hành động, hài hước trong từng câu đùa. Hiệu ứng hình ảnh đáng kinh ngạc và cốt truyện nhân văn trong bối cảnh thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, nhà phê bình John Lui của The Straits Times nhận xét: “Phim mạch lạc hơn tác phẩm tiền nhiệm năm 2015, nhưng nó vẫn có một chút gì đó như sự tổng hợp của những bộ phim khoa học viễn tưởng và thảm họa khác”.
Đánh giá trên Tạp chí Forbes, nhà phê bình Scott Mendelson thẳng thắn: “Fallen Kingdom là một phần phim thú vị. Kinh phí của phim không quá lớn (hơn 150 triệu USD) nhưng đạo diễn đã rất cố gắng để phim kịch tính, đẹp mắt hơn. Đó là lý do đây là một bộ phim hay chứ không phải bộ phim tuyệt vời”.
Giải thích cho việc phim gây tranh cãi về chất lượng mà vẫn ăn khách, theo trang Denofgeek, sự thông minh của nhà sản xuất khiến phim thu hút chính là Jurassic World: Fallen Kingdom được làm như một bộ phim hạng A với kinh phí hạng B. Nghĩa là với mức kinh phí vừa phải, phim thu hút khán giả bằng cách khơi gợi cảm giác hồi hộp, thót tim. Bởi dẫu sao đã trải qua 25 năm, thương hiệu khủng long cũng đã phần nào mất đi sức hút như ban đầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận