HLV Nguyễn Văn Sỹ |
Dù tất cả các liên đoàn, hiệp hội thể thao tại Việt Nam đã chuyển sang mô hình xã hội hóa nhưng bản thân những tổ chức này hay các CLB thể thao lại chưa thực sự kiếm được tiền dựa trên nền tảng thể thao một cách bền vững.
“Há miệng chờ sung”
Những ngày qua, thông tin HLV Nguyễn Văn Sỹ của CLB Nam Định phải cầm cố sổ đỏ gia đình để vay tiền, trả lương cho các học trò khiến dư luận xôn xao. Đội bóng thành Nam lâm vào tình cảnh khó khăn từ giữa mùa giải năm ngoái nhưng vẫn cố gắng về đích. Tuy vậy, hiện tại Nam Định tiếp tục đứng trước thách thức lớn liên quan tới tài chính. Nếu không kịp thời vận động được tài trợ, Nam Định có nguy cơ sẽ phải bỏ giải. Câu chuyện CLB bóng đá chuyên nghiệp dừng cuộc chơi không xa lạ tại Việt Nam và nguyên nhân xuất phát từ việc phát triển không bền vững, kinh tế không đi liền với thể thao.
Chẳng riêng bóng đá, tất cả các môn thể thao khác tại Việt Nam cũng rơi vào tình trạng “há miệng chờ sung”. Tài chính dùng cho hoạt động của những liên đoàn, hiệp hội thể thao, CLB thể thao sau xã hội hóa tới từ hai nguồn: Ngân sách và tài trợ, trong đó chủ yếu là tài trợ. Mặc dù vậy, ngay cả hoạt động tài trợ cũng manh mún, thiếu định hướng dài hạn. Theo ông Lâm Quang Thành, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, sở dĩ thể thao Việt Nam chưa thể đột phá là do mới chú trọng đến lợi ích xã hội, nói cách khác là công ích, còn lợi ích kinh tế gần như bỏ ngỏ.
“Kinh tế trong thể thao đóng vai trò hết sức quan trọng. Chúng ta thấy những nền thể thao hàng đầu thế giới như: Mỹ, Trung Quốc đều sở hữu ngành kinh tế thể thao cực kỳ phát triển. Còn tại Việt Nam, kinh tế thể thao dù đã được nói tới, được bàn từ 10 năm trước nhưng đến nay vẫn trôi nổi, thiếu chiến lược cụ thể”, ông Thành nói.
Theo Quyết định 2198-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2010, Việt Nam có khoảng 25% dân số tập thể thao; 30 nghìn VĐV chuyên nghiệp, 3 nghìn HLV, 29 liên đoàn và hiệp hội thể thao. Những con số này sau 8 năm chắc chắn đã tăng lên đáng kể. Vì vậy, ông Lâm Quang Thành cho rằng, thực sự đáng tiếc bởi Việt Nam có một thị trường tốt để phát triển kinh tế thể thao nhưng lại không thể tận dụng.
Thể thao Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế |
Đâu là giải pháp?
Vậy phải làm sao để thể thao Việt Nam “hái” ra tiền? Ông Phạm Ngọc Viễn, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) chia sẻ, mấu chốt để tạo ra một nền kinh tế thể thao là phải có cơ chế. “Luật TDTT của Trung Quốc xác định rõ thể thao là hoạt động thương mại. Trong khi, Luật TDTT của Việt Nam coi hoạt động TDTT mang tính chất sự nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi giải trí của nhân dân. Từ đây sẽ dẫn tới sự khác nhau về chính sách phát triển cũng như công cụ quản lý”.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Ngọc Viễn, muốn phát triển kinh tế thể thao thì hoạt động thể thao chuyên nghiệp phải được đẩy mạnh, giành được những thành tích vang dội. “Tôi lấy ví dụ như sau ngôi Á quân tại giải U23 châu Á 2018, đội U23 Việt Nam nhận được rất nhiều tài trợ. Bản thân các cầu thủ có những hợp đồng quảng cáo, từ đó tạo ra lợi ích kinh tế. Năm 2016, khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV Olympic cũng tương tự. Thế nên, muốn có tiền, thể thao Việt Nam trước hết phải thực sự xây dựng chuyên nghiệp, bài bản, hướng tới thành tích cao và biến mỗi VĐV thành một nhà đại sứ thu hút đầu tư, hợp tác”.
Đồng quan điểm, ông Phan Huy Hoàng, một nhà môi giới thể thao chuyên nghiệp cho rằng, muốn kinh tế thể thao phát triển, trước hết thể thao phải có sự hấp dẫn, tính ganh đua, cạnh tranh sòng phẳng. “Chẳng ai muốn tới sân thi đấu, sàn đấu để chứng kiến những vở kịch, mua bán thành tích. Thể thao cần để lại ấn tượng cho người xem khi ra về và như vậy sẽ ắt họ sẽ quay lại. Có khán giả là có tất cả”, ông Hoàng phân tích và nhận định thêm: “Thể thao Việt Nam đang thiếu hẳn những thần tượng thu hút giới trẻ. Lứa U23 Việt Nam xuất hiện một vài cái tên nhưng đó chỉ là số ít. Còn việc tạo ra thần tượng là việc của các nhà tổ chức, truyền thông”.
Ông Phan Huy Hoàng cũng cho rằng, thể thao Việt Nam cần chú trọng các dịch vụ liên quan tới thể thao: “Ví dụ một sân bóng đá phải có khu bán hàng lưu niệm, bán đồ ăn phục vụ nhu cầu của người hâm mộ. Ở Việt Nam hiện chưa có sân bóng nào làm được như vậy, kể cả SVĐ Quốc gia Mỹ Đình. Rõ ràng những nhà hoạch định không tính tới điều này. Thế nên, để thay đổi chắc chắn phải là câu chuyện dài hơi”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận