360 độ thể thao

Thể thao Việt Nam hướng tới những gì trong năm 2023?

04/01/2023, 07:00

Sau năm 2022 thành công với dấu ấn nổi bật nhất là SEA Games 31, thể thao Việt Nam tiếp tục hướng tới năm 2023 cùng mục tiêu lớn.

Năm thành công của thể thao Việt Nam

img

VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh, người giành 3 HCV tại SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam. Ảnh: Tạ Hải

2022 có thể coi là một năm thành công của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế với nhiều dấn ấn nổi bật.

Trong đó, gây tiếng vang hơn cả là việc Việt Nam đăng cai thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) vào tháng 5.

Trong điều kiện dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới nhiều giải đấu thể thao lớn nhỏ trên khắp thế giới, SEA Games 31 vẫn diễn ra an toàn với những màn so tài hấp dẫn và bầu không khí đầm ấm, cuồng nhiệt của người hâm mộ chủ nhà. Tất cả giúp SEA Games 31 trở thành ngày hội thể thao thực sự của các quốc gia Đông Nam Á.

Càng khó tin hơn khi chủ nhà Việt Nam chỉ có khoảng nửa năm chuẩn bị cho lần thứ 2 đăng cai ngày hội thể thao lớn nhất khu vực.

Nước chủ nhà không chỉ hoàn thành một SEA Games 31 an toàn, chu đáo, chất lượng mà còn thực sự nâng tầm đấu trường thể thao khu vực bằng một chương trình thi đấu “chuẩn Olympic” cùng những cuộc tranh tài trung thực, sòng phẳng, mang tinh thần fair-play.

Hiện tượng xử ép, khiếu nại kết quả, tranh cãi thành tích, điều vốn được coi như vấn nạn ở nhiều kỳ đại hội trước đã gần như không xảy ra.

VĐV duy nhất bị Ban Tổ chức tước huy chương chính là một tuyển thủ điền kinh Việt Nam với lỗi sử dụng giày thi đấu không đạt tiêu chuẩn.

Song song với công tác tổ chức quy củ, bài bản, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, Đoàn Thể thao Việt Nam cũng có một kỳ đại hội bùng nổ về mặt chuyên môn.

Nước chủ nhà đoạt tới 205 HCV, chiếm tới 39% tổng số HCV của cả đại hội, bỏ xa Thái Lan xếp thứ hai tới 113 HCV, đồng thời vượt qua kỷ lục của Indonesia cách đây 25 năm để lập kỷ lục về số HCV mà một quốc gia giành được tại một kỳ SEA Games.

Nếu lấy thước đo là các môn Olympic, Việt Nam cũng có tới 115 HCV, vượt xa tổng số HCV của Thái Lan. Trong 40 môn, Việt Nam đoạt HCV ở 34 môn, dẫn đầu ở 21 môn, trong đó có ngôi nhất tuyệt đối của điền kinh với 22 lần đăng quang, cùng 2 chức vô địch ấn tượng của bóng đá nam và nữ.

Nhắc tới bóng đá, không thể không nói về chiến tích đội tuyển nữ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung đã lần đầu giành vé tham dự World Cup, gây tiếng vang lớn trong làng bóng đá thế giới.

Đội tuyển bóng đá nam quốc gia cũng có lần đầu góp mặt tại vòng loại cuối một kỳ World Cup. Tuy chưa thể có vé tới Qatar nhưng đoàn quân áo đỏ đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc với nhiều trận đấu hay, tiêu biểu như trận hòa Nhật Bản ở lượt đấu cuối hay trận thắng Trung Quốc tại Mỹ Đình.

Dĩ nhiên, những thành tích trên không bỗng dưng xuất hiện, theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, tất cả là kết quả của quá trình tích lũy, đầu tư bài bản, có định hướng, trọng tâm rõ ràng, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành thể thao tới các bộ môn tới từng VĐV.

“Điền kinh là ví dụ điển hình nhất cho việc đầu tư đúng đắn. Trước đây chúng ta chỉ có thể cạnh tranh ở một vài nội dung nhưng hiện tại đã đủ sức chơi sòng phẳng ở tất cả nội dung, qua đó vượt mặt Thái Lan trở thành cường quốc điền kinh số 1 khu vực. Bóng đá cũng vậy, nếu không có nhiều trung tâm đào tạo trẻ khắp cả nước, không có những giải đấu chất lượng, chúng ta không thể gặt hái quả ngọt”, ông Minh nói.

Mục tiêu nào cho năm 2023?

Khép lại năm 2022 thành công, thể thao Việt Nam tiếp tục hướng tới năm 2023 với nhiều kế hoạch quan trọng như SEA Games 32 diễn ra tại Lào, ASIAD 2022 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc).

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ tấm HCV SEA Games, đội tuyển nữ Việt Nam cũng nhắm tới top 8 ASIAD. Riêng đấu trường World Cup, trong lần đầu tham dự, thày trò HLV Mai Đức Chung chỉ đặt mục tiêu ghi được bàn thắng ở vòng bảng.

Hiện tại, ngoại trừ bóng đá đang làm tốt xã hội hóa, một số liên đoàn lớn như điền kinh, quần vợt, bóng chuyền tạm ổn thì hầu hết các môn thể thao khác vẫn phải trông chờ vào ngân sách. Điều này cản trở rất lớn tới sự phát triển của của thể thao Việt Nam. Bài toán tiền đâu làm đau đầu các nhà quản lý thể thao. Ngành thể thao cần phải năng động hơn nữa, cái gì không quyết được thì xin cơ chế để tạo hành lang tốt thu hút doanh nghiệp đầu tư cho thể thao. Chỉ khi nào có sự chung tay của cả xã hội thì thể thao Việt Nam mới đủ nguồn lực để nghĩ tới việc vươn tầm.

Chuyên gia Đặng Việt Cường


Với đội tuyển bóng đá nam, Asian Cup 2023 sẽ là thách thức không nhỏ. 4 năm trước, HLV Park Hang-seo cùng học trò đã vào tới tứ kết nhưng để tái lập thành tích này là điều chẳng dễ dàng.

“Năm 2023, thể thao Việt Nam còn nhiều thách thức. Với các giải đấu thành tích cao, có 2 đại hội quan trọng nhất là SEA Games 32 và ASIAD 19. Chúng tôi vẫn hướng tới mục tiêu nằm trong top 3 quốc gia dẫn đầu số HCV tại SEA Games 32 ở Campuchia và giành từ 3 - 5 HCV tại ASIAD 19 ở Trung Quốc”, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt chia sẻ.

Để hiện thực hóa những mục tiêu này, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đưa ra giải pháp: “Thể thao Việt Nam tiếp tục có những VĐV trọng điểm và họ được sự đầu tư tốt nhất cũng như có sự kiểm soát chặt chẽ. Chúng ta biết rằng, ở mỗi kỳ ASIAD gần đây, thể thao Việt Nam có thể giành được khoảng 20 HCB, 20 HCĐ trong các nội dung thi đấu nhưng để cụ thể hóa từ HCB và HCĐ vươn tới thành HCV là cả vấn đề. Chúng ta tập trung đầu tư cao, có trọng điểm và sẽ có mục tiêu cụ thể cho từng VĐV”.

Đồng quan điểm, chuyên gia Lâm Quang Thành cho rằng, top 3 SEA Games nằm trong tầm tay thể thao Việt Nam nhưng cạnh tranh HCV ASIAD sẽ khốc liệt hơn rất nhiều: “Kể từ sau SEA Games 2003, chúng ta đã luôn giữ vững vị trí trong Top 3 ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, và trên thực tế, Việt Nam và Thái Lan là hai nước mạnh nhất ở đấu trường khu vực.

Tuy vậy, giữa việc có được 205 HCV SEA Games và giành từ 3 - 5 HCV tại ASIAD là khoảng cách rất xa. Nhưng nói đi cũng cần nói lại, tại ASIAD 2018, chúng ta đã giành HCV ở môn đua thuyền rowing, điền kinh, pencak silat nên không có lý do gì để chúng ta không hướng tới đích nhắm cao hơn. Quan trọng nhất là việc đầu tư phải thực sự đúng người, đúng việc, tránh lãng phí”.

Quyết tâm và có kế hoạch rõ ràng nhưng ngành thể thao vẫn phải đối mặt với bài toán kinh phí. Theo chuyên gia Đặng Việt Cường, mỗi năm ngành thể thao chỉ được cấp 800 tỷ ngân sách.

Việc chi lớn nhất đều dành cho tập trung VĐV, dành cho chi trả tiền ăn, tiền công. Tiền đầu tư cho cơ sở vật chất không nhiều.

Như trường bắn ở Nhổn đã xuống cấp từ lâu nhưng phải tới khi tổ chức SEA Games 31 mới được nâng cấp. Chính bởi vậy, nếu không thể đẩy mạnh xã hội hóa ở từng bộ môn, thể thao Việt Nam rất khó có sự bứt phá rõ rệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.