Dưới bài viết “Tranh cãi đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ Tết trong năm” trên Báo Giao thông, một số bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến cho rằng, phương án nghỉ Quốc khánh 4 ngày, từ 2 - 5/9 hàng năm là phù hợp, tạo điều kiện cho các gia đình có thêm những ngày bên nhau trước khi các con vào năm học mới. “Nếu được nghỉ, chắc chắn vợ chồng tôi sẽ cùng đưa con đi khai giảng”, bạn đọc Hòa Văn (Hà Nội) viết.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nghỉ thêm 2 ngày vào Tết Dương lịch (từ ngày 1 - 3/1) và nghỉ một ngày vào ngày gia đình VN (28/6) hợp lý hơn. “Giờ đây, khai giảng ngày càng được tổ chức gọn nhẹ, trừ các cháu lớp 1, còn lại ngày khai giảng không có ý nghĩa gì nhiều, sao phải cả nhà đưa con đi học, chỉ có gây thêm ùn tắc giao thông và quá tải trường học mà thôi”, bạn đọc Minh Chuyên (Thái Nguyên) bày tỏ.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, đất nước chưa phát triển, nghỉ lễ nhiều làm giảm năng suất lao động, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, nạn rượu chè nhậu nhẹt bùng phát kéo theo TNGT.
“Không cần tăng ngày nghỉ lễ. Chỉ cần thêm ngày nghỉ phép để các gia đình chủ động lịch nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Cứ nghĩ đến nghỉ lễ dài ngày, tàu xe mắc kẹt, giá dịch vụ đua nhau chặt chém mà sợ”, bạn đọc Dương Phạm viết.
“Thực ra, nói nghỉ nhiều làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế là không đúng. Hiệu suất lao động phụ thuộc vào cách quản lý của chủ sử dụng lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật trong công việc, ý thức của người lao động. Đi làm đầy đủ mà ngồi chơi xơi nước, không động não thì còn thiệt hại hơn cho nền kinh tế”, bạn đọc Lý Huy Tuấn viết.
Một năm nghỉ 10 ngày lễ Tết là ít so với các nước láng giềng trung bình nghỉ khoảng 15 ngày. Nhưng nói vậy không phải để kêu tôi được nghỉ ít quá, thì hàng ngày tôi làm ít đi vì đồng lương tôi thấp. Thực tế mỗi năm người lao động đã nghỉ 10 ngày lễ, 48 ngày chủ nhật, khoảng 12 ngày nghỉ phép là 72 ngày/365 ngày. Không phải là con số quá thấp, vấn đề là cần đổi mới cho kịp với xu hướng của thế giới về quản trị lao động. Dành nhiều hơn thời gian để tái sản xuất sức lao động, chăm lo cho gia đình - tế bào của xã hội nhưng cũng phải cải thiện hiệu suất lao động, tiền lương. Đó mới là bài toán tổng thể Nhà nước cần giải quyết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận