Nhân viên lái tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong thời gian vận hành thử toàn hệ thống
Ngày 21/1, Cục Đường sắt VN cho biết, Bộ GTVT đang lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018 và Thông tư số 07/2020 của Bộ GTVT (về chức danh nhân viên đường sắt, đào tạo lái tàu...), trong đó bổ sung điều kiện để được cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam.
Cụ thể, người được cấp giấy phép lái tàu trên các tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện: trong độ tuổi từ đủ 23 đến 55 tuổi đối với nam, từ đủ 23 tuổi đến 50 tuổi đối với nữ, được đánh giá “đạt yêu cầu” cầu khi trực tiếp điều khiển đoàn tàu bảo đảm an toàn trong thời gian vận hành thử toàn hệ thống và được đánh giá bởi Hội đồng đánh giá cấp giấy phép lái tàu.
Về xác nhận đạt yêu cầu trong thời gian vận hành thử, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị hoặc chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư dự án thực hiện và chịu trách nhiệm về xác nhận.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, Cục Đường sắt Việt Nam quyết định thành lập Hội đồng đánh giá cấp giấy phép lái tàu. Hội đồng có 5-7 thành viên, trong đó có người của Cục Đường sắt VN làm Chủ tịch, lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị làm Phó chủ tịch, đại diện chủ đầu tư dự án, chuyên gia đường sắt đô thị làm ủy viên.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thành lập, Hội đồng phải có báo cáo kết quả đánh giá để cấp hoặc không cấp giấy phép lái tàu. Hồ sơ cấp giấy phép lái tàu được lưu trữ tại Cục Đường sắt VN trong thời hạn 10 năm.
Được biết, hiện có 3 dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên đang triển khai trong giai đoạn cuối, với mục tiêu đưa vào khai thác trong năm 2021. Trong đó, mới có dự án Cát Linh - Hà Đông hoàn thành vận hành thử toàn hệ thống vào tháng 12/2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận