Quốc lộ 51 sẽ có 14 làn
Ngày 8/4, theo tin từ tỉnh Đồng Nai, liên quan đến triển khai nút giao và đường kết nối giữa ngã tư Vũng Tàu và cổng 11, nhà đầu tư tiếp tục có thêm phương án đề xuất. Đây là lần thứ 3 nhà đầu tư đề xuất thêm phương án cụ thể sau những góp ý từ địa phương.

Theo đề xuất đường dọc QL51 sẽ được xây dựng trên cao với 6 làn xe, giảm giải phóng mặt bằng.
Theo Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, sau khi tiếp thu ý kiến từ các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai, đơn vị đã hoàn chỉnh phương án đầu tư dự án tuyến đường trên cao dọc quốc lộ 51 và các nút giao.
Trong đó, với nút giao ngã tư Vũng Tàu, đơn vị kiến nghị chọn phương án nút giao bóng đèn nhằm phù hợp với điều kiện mặt bằng. Với nút giao cổng 11, trong giai đoạn 1 sẽ xây dựng 2 cầu vượt trực thông kết hợp đảo xuyến dưới cầu để ưu tiên xây dựng và quy hoạch mặt bằng nút theo quy mô hoàn thiện (giai đoạn 2) mở rộng nút giao sau này thành nút giao theo dạng hoa thị hoàn chỉnh.
Riêng với đường trên cao dọc tuyến quốc lộ 51, từ nút giao ngã tư Vũng Tàu đến nút giao cổng 11, sẽ xây dựng cầu cạn trên đường hiện hữu. Theo nhà đầu tư, đây là phương án tối ưu, hạn chế giải phóng mặt bằng, thuận tiện cho công tác triển khai dự án.

Nút giao ngã tư Vũng Tàu hiện hữu.
Theo ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, với phương án này, sẽ giữ nguyên bề rộng quốc lộ 51. Đồng thời, xây dựng cầu cạn cho tuyến đường trên cao với quy mô 6 làn xe. Như vậy, kết hợp với 8 làn xe đường dưới thấp, quốc lộ 51 qua đoạn tuyến này sẽ có tổng cộng 14 làn, cơ bản đáp ứng lưu thông.
Cùng với phương án xây dựng tuyến đường trên cao từ ngã tư Vũng Tàu đến cổng 11 như ban đầu, hiện nhà đầu tư cũng đưa ra phương án kéo dài tuyến đường này kết nối với điểm đầu của đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ đoạn Võ Nguyên Giáp để việc lưu thông thuận lợi hơn.
Hai phương án kéo dài đến cao tốc Biên Hòa
Phần kéo dài tuyến đường trên cao kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhà đầu tư cũng đưa ra hai phương án kết nối không trực tiếp và kết nối trực tiếp.
Với phương án kết nối không trực tiếp, sẽ giữ nguyên phương án nút giao loa kèn đã được duyệt của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo đó, đường trên cao sau khi vượt qua nút giao cổng 11 sẽ tiếp đất và nối tiếp vào đường Võ Nguyên Giáp để kết nối với nút giao giữa đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với đường Võ Nguyên Giáp.
Đồng thời, sẽ không xây dựng các nhánh rẽ trực tiếp nối vào đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Các phương tiện lưu thông trên tuyến đường trên cao đến vị trí tiếp đất trên đường Võ Nguyên Giáp sẽ lưu thông vào lõi giữa của tuyến đường này để tiếp cận theo các nhánh hiện hữu. Riêng xe gắn máy sẽ lưu thông trên hai đường song hành của đường Võ Nguyên Giáp.

Nút giao cổng 11 và đường Võ Nguyên Giáp.
Theo nhà đầu tư, ưu điểm của phương án này là không phải thực hiện thêm giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, không phải điều chỉnh thiết kế nút giao giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là không kết nối trực tiếp vào đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Còn phương án kết nối trực tiếp với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhà đầu tư tiếp tục đưa ra thêm 2 phương án bao gồm giữ nguyên phương án nút giao loa kèn đã được duyệt của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuyến đường trên cao sau khi vượt qua nút giao Cổng 11 sẽ tách ra 2 nhánh để kết nối trực tiếp vào nút giao giữa đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với đường Võ Nguyên Giáp, trong đó, có một nhánh đi lên tầng 3 để hạn chế giải phóng mặt bằng. Với phương án này sẽ xây dựng nhánh cầu rẽ trái đi bám theo nút giao loa kèn kết nối trực tiếp vào đường trên cao.
Nhánh cầu rẽ trái sau khi vượt qua đường Võ Nguyên Giáp sẽ tách thành 2 nhánh, một nhánh hạ cao độ kết nối vào đường Võ Nguyên Giáp và một nhánh tiếp tục đi cao kết nối trực tiếp vào đường trên cao. Phương án này có ưu điểm là kết nối trực tiếp với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ít ảnh hưởng đến nút giao hiện tại nhưng phải bổ sung giải phóng mặt bằng để xây dựng nhánh cầu.

Đoạn từ đầu tuyến cao tốc đến nút giao cổng 11 dài khoảng hơn 500m.
Phương án 2 cũng tương tự như phương án 1, nhưng thay vì xây dựng nhánh cầu rẽ trái đi bám theo nút giao loa kèn kết nối trực tiếp vào đường trên cao, sẽ xây dựng bổ sung một nhánh cầu vượt tầng 3 rẽ trái trực tiếp kết nối vào đường trên cao. Khi đó, nút giao sẽ có 2 nhánh rẽ trái trực tiếp, một nhánh nút giao trumpet như thiết kế hiện hữu kết nối vào đường Võ Nguyên Giáp dưới đất và một nhánh cầu vượt tầng 3 (vượt đường Võ Nguyên Giáp và cầu vượt nút giao loa kèn hiện hữu) kết nối trực tiếp vào đường trên cao.
Với phương án này, ưu điểm là kết nối trực tiếp với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, do phải điều chỉnh thiết kế nút giao giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang thi công nên có thể ảnh hưởng đến tiến độ chung hoàn thành dự án.
Đối với các phương án trên, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tại địa phương sớm hoàn thiện bài bản, cụ thể.
QL51 dài gần 70 qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu có lưu lượng xe khoảng trên 60.000 lượt/ngày. Gần đây Đồng Nai đề xuất triển khai mở rộng nâng cấp nút giao ngã tư Vũng Tàu và cổng 11 để đáp ứng yêu cầu lưu thông nhất là khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi vào khai thác. Đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến cổng 11 dài khoảng hơn 5km hiện đang được đề xuất xây dựng nâng cấp với tổng kinh phí hơn 12.000 tỷ đồng. Trước đó, vào cuối tháng 2/2025, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu về việc nghiên cứu phương án nâng cấp quốc lộ 51 thành đường cao tốc đô thị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận