Thông tin này được Bộ Công thương cảnh báo trước tình trạng sản phẩm bị điều tra đa dạng và ngày càng khắt khe hơn ở các thị trường xuất khẩu. Tính đến nay, tổng số vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do các nước khởi kiện là 234. Riêng trong 9 tháng, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc.
Đánh giá về xu hướng này, bà Nguyễn Hằng Nga, Phó trưởng Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, trong các vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam có xu hướng gia tăng, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ.
Riêng năm 2022, Hoa Kỳ khởi xướng 11/35 vụ việc điều tra lẩn tránh với Việt Nam (gần 1/3 tổng số vụ việc điều tra lẩn tránh thuế của nước ngoài với Việt Nam từ trước tới nay). Ngoài ra, thị trường điều tra ngày càng mở rộng. Hầu hết thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam.
"Số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng nhanh, hay Mexico cũng bắt đầu điều tra khi lượng xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, cạnh tranh với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu", bà Nga nêu.
Phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng. Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời… mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, giấy bọc thuốc lá, ghim dập...
Bà Nga cũng cho biết xu hướng điều tra ngày một khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn về thời hạn trả lời, bổ sung thông tin, khó xin gia hạn, thay đổi tiền lệ trong việc xác định xuất xứ.
Đồng thời, mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do một số nước như Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Trước thực tế này, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết sẽ tích cực trao đổi với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin, cập nhật diễn biến vụ việc và thống nhất phương án ứng phó.
Còn hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm bị cảnh báo cần chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó trong trường hợp vụ việc xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận