Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 665 trên địa bàn Gia Lai thuộc hợp phần Dự án Tam giác phát triển (VDTA) của Việt Nam có tổng mức đầu tư 122,11 triệu USD (trong đó, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 106,51 triệu USD, vốn đối ứng 15,6 triệu USD). Số tiền này hỗ trợ cho 5 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước) để thực hiện các công trình nhằm góp phần cải thiện hạ tầng, nâng cao đời sống người dân vùng thụ hưởng.
Những thanh sắt như bầy trông để bẫy phương tiện lưu thông
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi. Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai là cơ quan thực hiện Dự án. Ban Quản lý Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, vay vốn ADB - Tiểu dự án tỉnh Gia Lai (PPMU Gia Lai) là cơ quan đại diện chủ đầu tư quản lý Dự án. Dự án bao gồm 2 gói thầu, thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2022.
Tuy nhiên, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là phải hoàn thành dự án, nhưng công trình thi công vẫn ngổn ngang. Đặc biệt, công trình không bố trí biển báo hiệu cọc tiêu, rào chắn và đèn cảnh báo, những thanh sắt chĩa ra phần đường chưa thi công tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.
>>> Clip thi công không bố trí biển báo hiệu cọc tiêu rào chắn và đèn cảnh báo:
Phóng viên Báo Giao thông đi dọc công trình thi công Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 665 qua địa bàn 2 xã Ia Mơr và Ia Ga (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), ghi nhận trong 2 ngày 16 và 17/11 công trình đang thi công hạng mục lề, nền, mặt đường. Là công trình dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường cũ, nên vừa thi công vừa cho phương tiện lưu thông trên tuyến.
Tại các đoạn tuyến thi công, không có bất cứ một biển cảnh báo hay người cảnh giới, chỉ dẫn, hướng dẫn phương tiện. Trong khi đó, đất san lấp nền đường chất đống, gây cản trở giao thông.
Mặt nền đường không san gạt, lồi lõm, gồ ghề khiến phương tiện chạy zích zắc, thường xuyên xảy ra xung đột giao thông. Đáng lo, khu vực thi công công trình cầu không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo giao thông nào, tuyến đường tạm làm sơ sài, 2 bên có nhiều hố sâu nhưng không có rào chắn.
Đáng lo, hạng mục thi công mặt đường, trong quá trình đổ bê tông mặt đường, phần sắt chờ tua tủa như "chông" chạy dài hàng km, tạo bẫy người đi đường. Người dân đi đường phản ánh, ban ngày còn phát hiện để tránh né, nhưng ban đêm phải dò lần từng mét đường.
Cả tuyến đường dài không bố trí bất kỳ thiết bị cảnh báo thi công nào
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND xã Ia Mơr, cho biết: “Đây là con đường độc đạo mà người dân xã Ia Mơ kết nối với trung tâm huyện và tỉnh Gia Lai. Bao năm đi lại khó khăn, giờ bà con hy vọng con đường hoàn thành. Nhưng trong giai đoạn thi công, việc đi lại hết sức khó khăn.
Trước tình trạng mất ATGT trong quá trình thi công, chính quyền địa phương kiến nghị với chủ đầu tư, nhà thầu khắc phục, thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT, tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
Theo quan sát của phóng viên, gói thầu GL-CW-01- xây lắp đường tỉnh 665 đoạn km40+00-km65+642,85 do Công ty TNHH tư vấn TKXD Quang Anh làm tư vấn thiết kế. Nhà thầu thi công là liên danh Công ty CP Xây dựng Công trình 510, Công ty CP Đầu tư xây dựng Đường Việt. Đơn vị tư vấn giám sát là liên danh Công ty CP XD VNC-Quốc Khánh.
Tiếp nhận thông tin từ Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai, cho biết: “Ông thường xuyên đi kiểm tra, yêu cầu nhà thầu phải thực hiện đúng các quy định về an toàn giao thông trong khi thi công. Ông sẽ chỉ đạo kịp thời, yêu cầu nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ kịp hoàn thành trong năm 2022, nhưng không được thi công ẩu, và không bảo đảm ATGT”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận