Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang |
Trả lời phỏng vấn Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) VN Hoàng Hồng Giang cho biết, tới đây sẽ có nhiều thay đổi theo hướng siết chặt hơn, nâng cao chất lượng đào tạo, cấp bằng thuyền trưởng tàu thủy.
Còn nhiều thuyền trưởng chưa qua đào tạo
Nhiều năm qua, đường thủy vẫn nổi cộm vấn đề người điều khiển phương tiện thủy không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn. So với thời điểm tổng điều tra phương tiện năm 2007, tình hình bây giờ thế nào, thưa ông?
Tính đến 29/3/2016, toàn quốc có 334.974 người có bằng, chứng chỉ lái phương tiện thủy các loại (được gọi là Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn), tăng thêm 283.318 người so với thời điểm tổng điều tra người lái, phương tiện thủy toàn quốc năm 2007. Trong đó gồm: 117.231 bằng thuyền trưởng các loại, 47.165 bằng máy trưởng, 148.360 chứng chỉ chuyên môn, 22.218 giấy chứng nhận học tập pháp luật.
So với dữ liệu của năm 2007, số người có bằng, chứng chỉ hiện nay mới chỉ đạt 34,38% số người đang hành nghề vận tải thủy. Riêng với lực lượng thuyền trưởng, tính theo số phương tiện, cần khoảng 120.000 người có loại bằng này, nên đến nay khoảng 3.000 - 4.000 người chưa đáp ứng được, cần phải đào tạo để đáp ứng điều kiện của người đảm nhận chức danh thuyền trưởng. Tuy nhiên, con số trên cũng chỉ ước tính bởi có căn cứ cho thấy số liệu tổng điều tra năm 2007 đã không còn chính xác, có nhiều phương tiện giải bản nhưng không xóa số đăng ký.
Vậy theo ông, nguyên nhân nào khiến trong một thời gian khá dài, tỷ lệ người chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn vẫn nhiều như vậy?
Có nhiều nguyên nhân, trước hết là công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ thiếu đồng bộ, chưa tạo sức ép về việc học, thi lấy bằng, chứng chỉ. Trong khi đó, đường thủy có đặc thù khá phổ biến việc truyền nghề, học nghề lái tàu, thợ máy theo kinh nghiệm, “cha truyền con nối”. Có thuyền trưởng, máy trưởng tuy kinh nghiệm lâu năm nhưng mới học hết lớp 1-2, thậm chí mù chữ, nên rất khó khăn khi học và thi lấy bằng thuyền trưởng, máy trưởng.
"Chúng tôi cũng đồng thời đổi mới bằng cách thí điểm dùng camera giám sát đối với một số kỳ thi, cho phép giám sát từ xa, cho người dự thi tự giám sát giám khảo”. Ông Hoàng Hồng Giang |
Trước thực tế trên, ngành Đường thủy đã tạo điều kiện tối đa cho người học, bằng cách giảm bớt yêu cầu đối với học viên, phù hợp với thực tiễn mặt bằng trình độ học vấn của nghề sông nước. Trong đó có bỏ yêu cầu học viên phải có bằng tốt nghiệp bậc học phổ thông, mà chỉ cần biết đọc, viết thạo là có thể đăng ký học để trở thành thuyền trưởng, máy trưởng từ hạng Tư đến hạng Nhì; giáo trình đào tạo thống nhất trên toàn quốc.
Giai đoạn 2004-2014, từ chỗ toàn quốc chỉ có 2 cơ sở đào tạo thuyền viên đã tăng lên 38 cơ sở được mở theo hình thức đầu tư xã hội hóa để đáp ứng nhu cầu người học. Trong những năm qua, Cục ĐTNĐ VN và một số địa phương còn mở thêm các lớp học miễn phí cho người dân vùng khó khăn, nhưng số lượng đăng ký học cũng không nhiều.
Chương trình đào tạo sắp tới có thêm nội dung giáo dục ý thức, đạo đứcnghề nghiệp của thuyền viên |
Nâng chất lượng “đầu ra” thuyền viên
Cục ĐTNĐ VN đang đứng trước yêu cầu tăng số lượng đào tạo vừa phải đảm bảo chất lượng thuyền trưởng, máy trưởng. Theo ông, đâu là giải pháp?
Phân tích của chúng tôi cho thấy, nguyên nhân tai nạn, sự cố xảy ra trên đường thủy từ năm 2015 đến nay chủ yếu do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện. Điều này đặt ra vấn đề về quản lý chất lượng thuyền viên từ quá trình đào tạo, thi và trong quá trình hành nghề. Việc đào tạo để đáp ứng số lượng thuyền trưởng còn thiếu cũng cần thiết, nhưng ưu tiên vẫn là nâng chất lượng đào tạo thuyền viên.
Cục ĐTNĐ VN quyết tâm siết chặt công tác quản lý đào tạo, thi, cấp đổi bằng và chứng chỉ chuyên môn, quản lý thuyền viên. Chỉ riêng năm 2015, qua rà soát chúng tôi đang tạm dừng cấp giấy phép đào tạo đối với 16/38 cơ sở đào tạo do không duy trì, đảm bảo được các điều kiện về đào tạo thuyền viên.
Để nâng chất lượng đào tạo, tạo cơ chế sát hạch độc lập, Cục đã đề nghị Bộ GTVT cho thành lập 2 trung tâm sát hạch thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; xây dựng dự thảo Nghị định Quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, trong đó quy định chi tiết quy trình thi được quản lý bằng công nghệ thông tin, tự động, thi trắc nghiệm...tương tự quy trình sát hạch lấy giấy phép lái xe ô tô hiện nay (giám sát người thi, khu vực thi bằng camera, kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý về dữ liệu người học, thuyền viên).
Còn vấn đề nâng nhận thức, đạo đức, trách nhiệm của thuyền viên trong quá trình hành nghề thế nào, thưa ông?
Hiện chúng ta đang biên soạn chương trình đào tạo theo hướng chia thành các phần học (modul), rút gọn và đơn giản hóa ngân hàng câu hỏi để tạo điều kiện cho người học lấy bằng, chứng chỉ hạng cao hơn không cần học tập trung, liên tục; bổ sung nội dung giáo dục về ý thức, đạo đức của thuyền viên để nâng nhận thức trách nhiệm xã hội của thuyền viên.
Để quản lý thuyền viên trong quá trình hành nghề, chúng tôi cũng cân nhắc việc đề xuất quy định phương tiện từ 150 tấn trở lên phải lập nhật ký hành trình, giống như tàu cấp sông pha biển (VR-SB) như hiện nay. Sổ danh bạ thuyền viên cũng do cơ quan chức năng xác nhận thay vì do chủ tàu tự xác nhận, tự chịu trách nhiệm. Đến nay, Cục đã cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu thuyền viên trực tuyến, phục vụ lực lượng thực thi công vụ tra cứu, quản lý thuyền viên sát sao hơn.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận