Xã hội

Thi THPT Quốc gia: 5 từ khóa giúp đạt điểm cao môn Địa lí

12/05/2016, 15:35

Nhiều học sinh quan niệm Địa lí là môn học thuộc nên trước kì thi THPT quốc gia chỉ học một cách máy móc.

1-888802-1369967545_500x0

Để ôn thi và làm bài tốt môn Địa lí, thí sinh cần nhớ 5 từ khóa dưới đây (Ảnh minh họa)

Theo thạc sĩ Bùi Quốc Hoàn – Trường THPT Đoàn Thị Điểm, hiện nay, nhiều học sinh vẫn quan niệm môn Địa lí là môn học thuộc nên trước kì thi THPT quốc gia chỉ học một cách máy móc. Điều đó dẫn đến khi làm bài thi, thí sinh chỉ tái hiện lại kiến thức một cách thụ động. Nếu gặp các câu hỏi mở, câu hỏi cần vận dụng kiến thức, thí sinh lúng túng không làm được bài.

Để ôn thi và làm bài tốt môn Địa lí, có 5 từ khóa thí sinh cần ghi nhớ:

Nắm vững cấu trúc đề thi

Theo thông tin của Bộ GD&ĐT, cấu trúc đề thi năm nay không có nhiều thay đổi như năm ngoái, chỉ có điều sẽ tăng các câu hỏi vận dụng để phân loại thí sinh.

Việc nắm vững cấu trúc đề thi là cực kì quan trọng, bởi nó giúp thí sinh định hướng kiến thức, phần nào các em cần phải học kĩ, phần nào cần sử dụng nhiều kiến thức vận dụng vào thực tiễn.

Học phần lý thuyết

Khi học một bài, hoặc theo câu hỏi, thí sinh nên gạch theo từ “chìa khóa”, từ đó các em có thể vận dụng Atlat hoặc những hiểu biết của mình để triển khai các ý theo từ “chìa khóa” đó.

Ví dụ, khi học về phần đặc điểm dân cư nước ta, thí sinh nhớ những từ sau: Đông, tăng nhanh, trẻ, nhiều dân tộc. Sau đó, vận dụng Atlat để chứng minh:

Đông: Thí sinh khai thác biểu đồ trong Atlat dân số nêu ra số liệu để chứng minh dân số đông, hoặc số liệu cập nhật dân số hiện nay…

Tăng nhanh: Thí sinh có thể quan sát vào biểu đồ sự phát triển dân số nước ta để tính mỗi năm trung bình dân số tăng bao nhiêu.

Trẻ: Sử dụng tháp dân số để chứng minh.

Nhiều dân tộc: Sử dụng bản đồ các dân tộc…

Những nội dung khác, thí sinh làm tương tự; như vậy, có thể vừa nhớ nhanh, vừa rèn luyện được những kĩ năng khai thác Atlat, vừa rèn luyện được kĩ năng nhận xét và giải thích biểu đồ.

image001_BNQS

Thạc sĩ Bùi Quốc Hoàn – Trường THPT Đoàn Thị Điểm

Kĩ năng biểu đồ

Ngoài những yêu cầu cơ bản khi vẽ biểu đồ, để biểu đồ đảm bảo tính thẩm mĩ và tính chính xác, thí sinh nên vận dụng một số kiến thức toán học, ví dụ:

Biểu đồ tròn: Thí sinh nên tính độ: Lấy số %* 3,6 sau đó dùng thước đo độ để vẽ chính xác các đối tượng.

Biểu đồ miền: Thí sinh nên để trục tung biểu đồ là 10 cm, sau đó chỉ cần dùng thước vào từng năm để phân chia các đối tượng theo tỉ lệ tương ứng là 1% = 1mm. Đối tượng đầu tiên, chia từ dưới lên, đối tượng trên cùng chia từ trên xuống.

Ví dụ ngành nông nghiệp là 30%, công nghiệp 30%, dịch vụ 40% thì chúng ta đặt thước vào chia nông nghiệp từ dưới lên là 3cm, dịch vụ từ trên xuống là 4cm, còn lại là của ngành công nghiệp.

Còn phần trục hoành, chia khoảng cách năm, thí sinh để 12cm, sau đó lấy 12 chia cho tổng số năm từ năm đầu đến năm cuối. Ví dụ: Cho bảng số liệu cơ cấu của ngành nông-lâm-ngư nghiệp theo các năm 1995, 1999, 2005, 2010, 2015. Từ năm 1995 đến năm 2015 là 20 năm, chúng ta làm phép chia: 12/20 = 0,6cm.

Như vậy, mỗi năm cách nhau một khoảng là 0,6cm; sau đó ta tính từ 1995 – 1999 là 4 năm * 0,6cm = 2,4cm, các khoảng cách còn lại tính tương tự các em sẽ được một biểu đồ chính xác về khoảng cách năm.

Biều đồ đường chúng ta làm tương tự biểu đồ miền để chia khoảng cách năm.

Sử dụng Atlat

Phần này đã có rất nhiều thầy cô chia sẻ những kinh nghiệm trên các trang báo, thí sinh có thể tham khảo thêm. Ngoài ra, có một số ý thí sinh cần lưu ý: Khi sử dụng Atlat, các em nên sử dụng các giấy nhớ ghi vào từng trang Atlat xem trang đó mình có thể khai thác được nội dung gì. Hiện nay, có nhiều câu hỏi nếu học sinh biết cách vận dụng các trang Atlat sẽ khai thác được một lượng kiến thức tương đối.

Ví dụ câu hỏi về thế mạnh tự nhiên của một vùng kinh tế, thí sinh có thể vận dụng các bản đồ về khí hậu, hệ thống sông, hệ động thực vật, đất, khoáng sản…

Hơn nữa, khi sử dụng Atlat, thí sinh chú ý nắm chắc các kĩ năng nhận xét và giải thích biểu đồ, bởi đó là một kênh thông tin cực kì quan trọng trong việc đưa ra các số liệu chứng minh cho luận điểm của mình.

Kĩ năng làm bài

Khi vào phòng thi học sinh cần chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng học tập để làm bài: Máy tính, thước kẻ, thước đo độ, compa, Atlat.

Trước khi làm bài, hãy lập một đề cương những ý chính của từng câu. Làm như vậy sẽ giúp các em có thêm tự tin, không bị lúng túng và quên ý khi gặp vấn đề khó.

Khi làm bài, câu dễ làm trước; chú ý cấu trúc điểm của các câu để phân bổ thời gian hợp lý, tránh việc lạm dụng thời gian vào một câu nào đó mà mình tâm đắc mà quên mất điểm số các câu khác cao hơn làm mình mất điểm số không đáng có.

Câu sử dụng Atlat, thí sinh phải xem thật kĩ, tránh bỏ sót ý và mất điểm đang tiếc ở phần này. Xu hướng năm nay, có thể thí sinh phải khai thác kiến thức từ các biểu đồ trong Atlat nên cần nắm vững các thêm kĩ năng phân tích biểu đồ.

Câu biểu đồ: Thí sinh chú ý đầy đủ những yêu cầu của biểu đồ, vì thiếu một yếu tố sẽ bị trừ 0,25 điểm. Đặc biệt, phải chú ý phần xử lí số liệu thật chính xác. Mặc dù phần này thường chỉ được 0,5 điểm nhưng nếu làm sai thì phần vẽ, nhận xét sẽ không chính xác và chúng ta sẽ bị trừ hoặc không được điểm nào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.