Nhà đầu tư tâm lý nghỉ Tết
Còn nhớ, ngày này năm trước (28/12/2021), dù chịu tác động xấu từ thông tin xuất hiện ca nhiễm Covid-19 Omicron đầu tiên, thì VN-Index vẫn loanh quanh mức 1.490 điểm; Thì hôm nay, dù đã có bước tiến, VN-Index vẫn loanh quanh 1.000 điểm.
Thị trường chứng khoán với nhiều kỳ vọng phục hồi (ảnh minh hoạ)
Theo Thông tin từ Bộ Tài Chính, tính đến ngày 23/12, giá trị vốn hóa 3 sàn HoSE, HNX và UpCoM ước đạt 5,28 triệu tỷ đồng, giảm 32% so với cuối năm 2021, tương đương 62% GDP.
Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, tính đến ngày 30/11/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.048,42 điểm, giảm 30% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 208,79 điểm, giảm 56% so với cuối năm trước.
Cũng theo UBCKNN, thanh khoản thị trường có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn này, với giá trị giao dịch bình quân giảm từ 26.299 tỷ đồng/phiên trong tháng 4, xuống còn 13.017 tỷ đồng/phiên trong tháng 11. Tính chung 11 tháng năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.556 tỷ đồng/phiên, giảm 22,7% so với bình quân năm 2021.
Theo đại diện UBCKNN, những biến động trên thị trường chứng khoán (TTCK) nêu trên chủ yếu xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCSI) cho rằng, năm 2022 sắp kết thúc, hiện nay, chỉ số VN-Index đang dao động quanh ngưỡng 1.030-1.050 điểm.
Thời điểm hiện tại, càng về cuối năm, tâm lý nhà đầu tư càng cẩn trọng hơn, các cá nhân, tổ chức đầu tư thường sẽ có nhu cầu chốt sổ cho nên cuối năm nay sẽ không có nhiều biến động.
“Chỉ số VN-Index sẽ kết thúc năm 2022 ở ngưỡng 1.030-1.100 điểm”, ông Đỗ Bảo Ngọc dự báo.
Tương tự, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc nghiên cứu Chứng khoán MBS đánh giá, vào thời điểm cuối năm, dòng tiền thường có xu hướng chững lại khi tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng. Bên cạnh đó, trên thị trường cũng sẽ xuất hiện những giao dịch như đáo hạn các khoản nợ đến hạn, vì vậy thanh khoản sẽ bị điều chỉnh giảm.
Năm 2023, VN-Index có thể đạt mức 1.535 điểm
Dù vây, nhiều chuyên gia vẫn đặt kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường này trong năm tới.
Bà Helena Shiu, Giám đốc đầu tư công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng cho rằng, năm 2023, FDI & Đầu tư công sẽ là động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết khoảng 10% với các điều kiện tài chính sẽ cải thiện khi Fed ngừng tăng lãi suất vào năm 2023, khi đó lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tích cực hơn.
Chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung rà soát Luật Chứng khoán để sửa đổi phù hợp với thực tế thị trường đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2023, tiếp tục thực hiện kỷ cương, kỷ luật thị trường ở mức cao hơn.
Toàn ngành chứng khoán cần tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo kịp thời và quy định pháp luật; tập trung triển khai dự án công nghệ thông tin KRX và củng cố năng lực nhân lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Thêm vào đó, lãnh đạo Bộ yêu cầu tăng cường truyền thông về thị trường cũng như các chính sách để các thành viên thị trường luôn tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin chính thống từ Ủy ban và các Sở giao dịch.
Một yếu tố khác là định giá thị trường hiện đang ở mức hấp dẫn với hệ số PE về còn khoảng 10-11 lần; PB là 1.7 lần (thấp hơn mức trung bình 10 năm). Ngoài ra, thị trường đang cho thấy một số dấu hiệu chạm đáy khi tốc độ tăng lãi suất liên ngân hàng chững lại, tỷ giá USD/VND đã ổn định và thị trường khởi sắc cùng thanh khoản tăng trở lại.
“Với dự phóng PE năm 2023 đạt 12 lần, VN-Index có thể đạt mức cao 1.535 điểm. Tuy nhiên, vì bản chất của thị trường vận động theo tâm lý nhà đầu tư, do đó, chỉ số sẽ có những đợt tăng giảm chứ không đi lên tuyến tính”, bà Helena Shiu lưu ý.
Trong khi đó, các chuyên gia trong nước cũng chỉ ra những tín hiệu tích cực như: Nhà nước ban hành các chính sách tháo gỡ" nút thắt cho thị trường Trái phiếu doanh nghiệp, hay tác động từ việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế...
Trong khi đó, lãnh đạo UBCKNN cũng cho rằng, bước sang năm 2023, TTCK Việt Nam vẫn có cơ hội. Cụ thể, trước tình hình lạm phát Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt trong một vài tháng vừa qua nên kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục giảm cường độ tăng lãi suất. Áp lực tỷ giá trong nước theo đó cũng sẽ giảm dần.
Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam. Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF (tháng 10/2022) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023. Ngoài ra, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện đang ở mức 11,3 và được đánh giá ở mức hấp dẫn, thấp hơn so với 100% hầu hết các thị trường khác trên thế giới.
"Tất cả những yếu tố trên cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn", bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCKNN nhận định.
Dù vậy, lãnh đạo UBCKNN thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn mà thị trường này phải đối diện. Theo đó, nếu lãi suất huy động tiếp tục gia tăng như trong giai đoạn vừa qua thì dòng tiền sẽ tiếp tục quay trở lại hệ thống ngân hàng, đồng thời gây áp lực đến lãi suất cho vay, ảnh hưởng tới chi phí vốn vay của doanh nghiệp trong nước; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới có thể khó khăn hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận